(Dân trí) – Chúng ta sợ dạy con về giới tính sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng chúng ta không vẽ đường thì chúng chịu đứng yên mãi một chỗ hay sao?
Một bé gái lớp 7 mang bầu suốt chín tháng nhưng không ai hay biết, từ thầy cô, bạn bè là những người em tiếp xúc hàng ngày, đến bố mẹ, những người sống chung nhà, gần gũi với em nhất cũng không hề biết cho đến khi em đau bụng dữ dội vì chuyển dạ và tự sinh con trong nhà tắm.
Có lẽ khi đọc những thông tin này rất nhiều người đã cảm thấy bàng hoàng và lo lắng, nhất là những người làm cha làm mẹ có con gái đang tuổi dậy thì, giống như tôi.
Mang thai vốn không phải chuyện đơn giản hay dễ dàng gì. Làm sao một đứa trẻ mang thai suốt chín tháng trời mà không một ai hay biết?
Tôi nhớ đến ngày mình mang thai con đầu lòng, khi ấy tôi đã 28 tuổi. Đó là những tháng ngày đầy mệt mỏi và lo lắng. Những cơn ốm nghén hành hạ tôi suốt mấy tháng đầu đến mức ám ảnh. Những đêm mất ngủ triền miên khi ngày sinh đến gần. Và hơn hết đó là nỗi sợ của bất kì người phụ nữ nào: Sợ đau đẻ.
Tôi nhớ ngày tôi chuyển dạ, những cơn đau như xé nát cơ thể tưởng rằng có thể ngất đi. Tôi đã hiểu vì sao khi người ta đau đớn da thịt đến mức tột cùng người ta thường ví “đau như đau đẻ”. Và tôi nghĩ đến cô bé nữ sinh lớp 7 vừa mới làm mẹ kia, con cũng đã trải qua những thứ tôi đã từng trải qua. Nhưng nếu tôi đã từng hồi hộp mong chờ trong hạnh phúc thì cô bé lại trải qua sự kiện lớn của cuộc đời mình trong sự lo lắng, sợ hãi, giấu giếm. Một cô bé 13 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới có lẽ dù sợ hãi đến mấy cũng không thể hình dung ra rằng, chỉ sau một cơn đau để đưa một đứa trẻ đến với cuộc sống này thì cuộc đời con cũng sẽ hoàn toàn đổi khác.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên làm mẹ ở tuổi thiếu niên mà báo chí đưa tin. Và sau những sự việc như thế này, chúng ta càng nhận ra việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên ở trường cũng như ở nhà là vô cùng cần thiết.
Tôi nhớ những giờ học Sinh học khi tôi học cấp hai. Vào những tiết học về những biểu hiện của tuổi dậy thì, thường thì thầy giáo sẽ dạy qua loa, trước một vài thông tin nào đó, các nam sinh sẽ cười to, còn các nữ sinh đỏ mặt vì xấu hổ. Ở tuổi đó, chúng tôi ghét cay ghét đắng nếu bị bạn học trêu chọc gán ghép. Ai lỡ thích một ai mà viết vài dòng thư hay lộ ra thì nổi tiếng khắp trường. Chuyện tình cảm tuổi học trò khi đó vẫn là một điều gì to tát lắm. Thậm chí, cô gái nào đó mà lỡ để mất “cái ngàn vàng” trước khi lấy chồng thì sẽ sống trong sợ hãi vì lo sợ chồng sẽ không bao dung.
Nhưng thời của con em chúng ta bây giờ khác rồi. Chuyện yêu đương hay quan hệ tình dục sớm không còn là chuyện lạ. Nhà trường hay gia đình cũng không thể quản lý hay theo sát các con mọi lúc mọi nơi. Việc chúng ta có thể làm chính là giáo dục và trang bị cho các con kĩ năng sống, các kiến thức về giới tính, về tình yêu, tình dục.
Cuối năm vừa rồi, mấy gia đình ở khu chung cư tôi ở tổ chức ăn tất niên. Đang bữa ăn thì cô con gái học lớp 5 nhà bên cạnh nhà tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, kinh nguyệt là gì?”. Mọi người ai cũng cười, còn mẹ cô bé thì đỏ mặt xấu hổ quát: “Lo ăn đi, đừng có hỏi linh tinh vớ vẩn nữa”.
Sau đó, người thì kể rằng con gái chị 10 tuổi rồi vẫn tin rằng em bé sinh ra từ nách mẹ. Người nói rằng con chị ấy vẫn còn ngây thơ lắm, vẫn tin rằng chỉ cần ăn nhiều thì bụng sẽ to, sẽ sinh em bé, dù con gái chị đã 11 tuổi.
Khi mọi người kể những câu chuyện đó, họ vốn nghĩ đó là những câu chuyện cười nhưng thực ra lại rất đáng lo ngại. Một cô bé đã sắp bước vào tuổi dậy thì vẫn chưa biết kinh nguyệt là gì, chưa biết vì sao phụ nữ có thai và em bé sinh ra từ đâu thì có lẽ không có gì đáng để cười cả.
Bạn tôi có hai cậu con trai, cô ấy từng vui sướng mà nói rằng: Đẻ con trai chả phải lo gì, đẻ con gái mới lo, mới phải dạy nó biết giữ mình, biết bảo vệ mình. Thực ra thì con trai hay con gái cũng đều có những vấn đề đáng lo, đều có nguy cơ bị lạm dụng tình dục giống như nhau. Như vụ việc nữ sinh lớp 7 mà chúng ta đang nói đến ở đây. Nếu cô bé 13 tuổi vì thiếu hiểu biết mà sớm làm mẹ thì chàng trai 17 tuổi ấy cũng chưa có một chút sẵn sàng nào để làm cha. Thậm chí bây giờ em đang đối mặt với tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Cha mẹ em đã có bao giờ nói cho em biết rằng ở tuổi ấy, những việc em làm chính là phạm tội hay chưa?
Nhiều người lớn trước những sự việc đau lòng này thường sẽ trút tức giận lên đầu những đứa trẻ. Chúng ta nghĩ mình bận mưu sinh, bận kiếm tiền để nuôi con ăn học vậy mà con cái thì lại làm chúng ta đau lòng đến thế. Nhưng tuổi các con không chỉ học trong sách vở, chúng còn học ở khắp nơi, học mọi thứ cả tốt và không tốt với một tinh thần không sợ hãi. Cha mẹ chỉ cần lơ là một chút, thiếu sát sao quan tâm một chút thì hậu quả đã khôn lường.
Trong suy nghĩ những người làm cha mẹ chúng ta, con mình lúc nào cũng đang còn nhỏ dại. Chúng ta sợ con hiểu đời quá sớm, sợ con biết những chuyện chưa cần biết, hiểu những chuyện chưa cần phải hiểu. Chúng ta muốn con cứ ngây thơ, vô tư mà lớn lên. Chúng ta sợ dạy con về giới tính sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng chúng ta không vẽ đường thì chúng chịu đứng yên mãi một chỗ hay sao?
Suốt cả ngày hôm nay, kể từ khi tôi đọc được những thông tin về nữ sinh lớp 7 sinh con, và bố mẹ cô bé cho đến khi trở thành ông bà ngoại mới biết con mình mang bầu, tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã mấy lần lén nhìn con gái tôi – cô bé vừa sinh nhật tuổi lên 10 vài hôm trước. Con đã có những biểu hiện sắp dậy thì. Thay vì nói chuyện với con, tôi đã mua sách dành cho những bé gái về cho con đọc. Nhưng có lẽ tôi sẽ phải nghiêm túc hơn đối với việc giáo dục giới tính cho con thay vì để con tự mày mò tìm hiểu trong sách. Gần gũi con nhiều hơn, lắng nghe con nhiều hơn để hiểu tâm lý của con sâu sắc hơn.
Tôi nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu nói với con những gì? Có lẽ là dạy con hiểu về bản thân, hiểu về giới tính, dạy con cách bảo vệ mình, để con vẫn có một tuổi thơ trọn vẹn, một tuổi thiếu niên rực rỡ sắc màu, một tuổi thanh xuân đẹp tươi thơ mộng và hăm hở bước vào đời, vào tình yêu và hôn nhân một cách sẵn sàng nhất.
Thông tin chi tiết xem tại đây.