Vi phạm chính sách DS-KHHGĐ 2 lần: Không xem xét kết nạp Đảng

0
199

GiadinhNet – Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định số 173-QĐ/TW, ngày 11/3/2013, quy định điều kiện, thẩm quyền xem xét kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, kết nạp quần chúng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng.

Vi phạm chính sách DS-KHHGĐ 2 lần: Không xem xét kết nạp Đảng 1

Tích cực tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện KHHGĐ là công việc âm thầm, bền bỉ của những người làm công tác Dân số cơ sở từ nhiều năm nay. Ảnh: P.V

Quy định cũng nêu rõ 3 trường hợp sẽ không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng, trong đó có trường hợp đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng vì các lỗi vi phạm khác nhau lại vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

Kết nạp lại: Phấn đấu ít nhất 60 tháng

Quy định nêu rõ: Đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách DS-KHHGĐ chỉ được xem xét, kết nạp lại vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng đảng của địa phương, đơn vị; là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 60 tháng kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày Chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Đối với các trường hợp hiện đang giữ các chức vụ công tác chính quyền, đoàn thể (trưởng, phó thôn, bản, xóm, ấp; trưởng, phó các đoàn thể của thôn, bản, xóm, ấp…) ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào có đạo, dân tộc ít người, thì phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 36 tháng kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày Chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Về kết nạp Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, quy định cũng có các yêu cầu giống như với Đảng viên đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ và phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 60 tháng kể từ ngày vi phạm đến ngày Chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Đối với các trường hợp đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào có đạo, dân tộc ít người phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 36 tháng kể từ ngày vi phạm đến ngày Chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Theo Quy định 173-QĐ/TW, quần chúng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ chỉ được xem xét, kết nạp vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tương tự như nêu trên, đồng thời việc kết nạp quần chúng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ vào Đảng phải được ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản, cấp ủy huyện (hoặc tương đương) xem xét, quyết định.

Không xem xét 3 trường hợp cụ thể

Điều 2 của Quy định nêu cụ thể 8 trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Trong đó trường hợp cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ) không bị coi là vi phạm khi: Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

Quy định cũng nêu rõ 3 trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng: Thứ nhất, đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng vì các lỗi vi phạm khác nhau lại vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; Thứ hai, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ bị đưa ra khỏi Đảng theo Quyết định số 09 của Bộ Chính trị về bổ sung, sửa đổi điều 7, Quy định số 94 của Bộ Chính trị khóa X về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; Thứ ba, quần chúng đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ hai lần trở lên.

8 trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách DS-KHHGĐ

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

8. Sinh con thứ 3 trở lên trước ngày 19-01-1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 162-HĐBT, ngày 18-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”).

GĐ&XH.