Nỗi lo của mẹ Việt khi sinh con tại Nhật

0
1031

Người Việt ở Nhật cho biết dù chính phủ có nhiều ưu đãi khi sinh con và nuôi con tại Nhật Bản, với gia đình có mức thu nhập trung bình, họ vẫn có thể gặp áp lực lớn về tài chính.

Chị Vy Trần – người Việt sinh sống ở thành phố Sapporo, Hokkaido – đã có hai con và sinh sống tại đây được 4 năm. Chị cho biết sau khi kết hôn được 2 năm, vợ chồng chị chuẩn bị sẵn tinh thần, sức khỏe, kinh tế để có em bé.

Theo chị Vy – hiện làm nhân viên văn phòng – chính phủ Nhật có rất nhiều hỗ trợ cho người mang thai và nuôi con, không phân biệt quốc tịch.

“Hỗ trợ chi phí khám thai, trợ cấp nuôi con hàng tháng (cho tới khi bé tốt nghiệp trung học), miễn học phí cho bé 3-5 tuổi, phiếu giảm giá khi mua các mặt hàng như bỉm, sữa ở một số cửa hàng chỉ định, trợ cấp không thường xuyên (khi dịch Covid-19 diễn ra)…”, chị liệt kê.

Ngoài ra, chị Vy cũng được nhân viên trung tâm bảo hiểm địa phương đến thăm nhà một lần khi mang thai và sau sinh để giới thiệu các hỗ trợ khi mang thai, nuôi con của địa phương, tìm hiểu các khó khăn của gia đình nếu có và hướng dẫn cách giải quyết.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thủy, một nhân viên phục vụ nhà hàng, hiện sống tại thành phố Aichi, cũng đề cao những hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản khi sinh con. “Khi mới sinh con, tôi đã nhận được khoản hỗ trợ khoảng hơn 400.000 yen (tương đương hơn 70 triệu đồng). Bên cạnh đó, dịch vụ chăm sóc cũng rất tốt”, chị Thủy chia sẻ với Zing.

Dẫu vậy, chị Thủy cho rằng những khoản đó sẽ không đủ để nuôi con ở Nhật Bản.

“Nói nuôi con tốn kém cũng không phải, nhưng có con nhỏ thì tôi sẽ không đi làm được nhiều vì cần thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc con. Tôi phải nghỉ khi con ốm, song nhiều khi cũng khó vì sếp không cho phép”, chị Thủy chia sẻ.

Đi đẻ cần đặt lịch

Trong lần mang thai đầu, chị Vy chọn bệnh viện chuyên phụ sản gần nhà để tiện đi lại. Sau lần này, nhận thấy y bác sĩ và nhân viên tại đây nhiệt tình, chu đáo, “không có phân biệt đối xử vì tôi là người nước ngoài”, chị đã lựa chọn sinh hai bé tại bệnh viện này.

Trong lần đầu đi khám, do chưa đặt lịch trước, chị Vy phải chờ những người đã hẹn trước khám xong mới đến lượt. Sau đó, từ lần thứ 2 trở đi, bệnh viện sẽ cung cấp mã số nên có thể đặt lịch khám tiếp theo trên ứng dụng, tiết kiệm thời gian đợi chờ.

Chị Vy lưu ý rằng do khám thai ở Nhật không áp dụng bảo hiểm, nên lần đầu khám sẽ tự trả 100% chi phí. Sau khi có tim thai, bệnh viện sẽ cấp giấy chứng nhận mang thai.

“Tôi cần mang giấy này đến trung tâm bảo hiểm địa phương để được nhận ‘Sổ mẹ và bé’, phiếu hỗ trợ tiền khám thai. Phiếu này sẽ hỗ trợ một phần cho 14 lần khám thai. Trong ‘Sổ mẹ và bé’ ghi lại thông tin quá trình mang thai, thông tin khám định kỳ và các mũi tiêm vaccine khi bé ra đời”, chị Vy nêu rõ.

Chị nhớ lại thời điểm mang thai con đầu khi đại dịch Covid-19 hoành hành, “nên cũng có nhiều lo lắng khi ra ngoài mua sắm, đi chơi”.

“Ngoài ra, tôi cũng gặp hạn chế khi đi khám thai, khi đi sinh vì chồng không thể vào bệnh viện cùng, hay lúc ở viện sau sinh khi chồng chỉ có thể vào thăm 15 phút”, chị kể.

Gia đình chị Vy nhận được nhiều hỗ trợ khi sinh con ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, chị cho hay dù nhập viện sinh một mình, hộ sinh luôn túc trực để theo dõi quá trình chuyển dạ. Trong 4 ngày ở lại bệnh viện sau khi sinh, hộ sinh cũng hướng dẫn tận tình chị Vy cách chăm sóc bé như cách thay bỉm, tắm bé, cho bé bú… Ngoài ra, khi cần nghỉ ngơi, mẹ có thể gửi bé ở phòng sơ sinh.

“Bệnh viện có phòng riêng sạch đẹp, các bữa ăn cũng rất ngon và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Tôi được hỗ trợ cả mặt thể chất và tinh thần từ khi nhập viện cho tới khi xuất viện, nên hoàn toàn không có lo lắng gì”, chị nói.

Với chị Nguyễn Thị Thủy, bệnh viện chị chọn cung cấp đầy đủ từ quần áo đến bỉm sữa cho bé sơ sinh.

“Ngoài ra, bệnh viện cũng chụp ảnh và quay video khi sinh tặng làm kỷ niệm, in dấu chân con, tặng phần dây rốn giữa con và mẹ, cung cấp bữa ăn trong 3 ngày nằm viện”, chị chia sẻ.

Tuy nhiên, khi đi sinh con tại Nhật, gia đình cần đăng ký bệnh viện từ sớm, nếu không sẽ không được tiếp nhận khi chuyển dạ.

“Ví dụ, trong trường hợp khám thai ở bệnh viện nơi mình sinh sống, nhưng chọn sinh ở bệnh viện ở quê để tiện chăm sóc, tôi cần có giấy giới thiệu của bệnh viện đã khám thai”, chị Vy nêu ví dụ.

“Con là động lực để tôi cố gắng”

Nhật Bản vào ngày 28/2 công bố số lượng trẻ sơ sinh của nước này vào năm ngoái đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Để thúc đẩy tỷ lệ sinh vốn đang suy giảm mạnh ở Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi ngân sách chi tiêu cho trẻ em và các gia đình trong nỗ lực kiểm soát đà trượt dốc này.

Vị thủ tướng vẫn chưa công bố nội dung gói chi tiêu mới của mình, nhưng cho biết nó sẽ khác biệt so với các chính sách trước đây. Cho đến nay, ông đã đề cập đến việc tăng trợ cấp trẻ em, cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và thay đổi phong cách làm việc.

Chị Vy cho hay tại Nhật, chính phủ cho phép nghỉ thai sản đến khi bé tròn một tuổi. Nếu bé chưa đi nhà trẻ được, vợ chồng có thể gia hạn thêm 6 tháng, và tối đa tới khi bé tròn 2 tuổi.

Thời gian nghỉ được hưởng trợ cấp thai sản, chăm con từ công ty bảo hiểm (đối với nhân viên chính thức có bảo hiểm đầy đủ). Những quy định này áp dụng cho cả vợ lẫn chồng.

Chị Vy cho biết tiền trợ cấp tùy thuộc vào thu nhập, trong đó cha mẹ hưởng 50-67% lương tùy độ tuổi của bé.

Về phía công ty chị Vy, trong thời gian nghỉ thai sản, công ty có tiền mừng sinh em bé, hỗ trợ thủ tục miễn đóng bảo hiểm trong thời gian nghỉ, thủ tục nhận trợ cấp thai sản và chăm con.

“Sau khi tôi quay lại làm việc khi bé đầu đi nhà trẻ, công ty cho phép tôi làm việc 6 giờ/ngày để tiện đưa đón và chăm sóc con”, chị nói với Zing.

Do trước đó đã tham gia bảo hiểm và đóng thuế đầy đủ, chị Thủy chia sẻ sau khi sinh con, chị cũng nhận được một khoản tiền hỗ trợ nuôi con hàng tháng, trong khi em bé nhận được nhiều phần quà và các dịch vụ chăm sóc miễn phí. Bên cạnh đó, gia đình có con nhỏ cũng sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ phía chính phủ, chẳng hạn hỗ trợ điện nước.

Chị Thủy sinh con trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ban đầu, chị cho biết bản thân có ý định về Việt Nam sinh nhưng việc đi lại gặp khó khăn do đại dịch, giá vé đắt đỏ nên chị đã quyết định sinh con tại Nhật.

“Tôi thấy việc sinh con vào thời điểm đó cũng nhiều vất vả. Khó khăn lớn nhất đối với bản thân là chuyện kinh tế, vì khi đó dịch bệnh khiến thời gian làm việc của tôi suy giảm, trong khi bản thân chỉ được chọn làm việc ban ngày để có thể chăm sóc con”, chị chia sẻ.

“Con được 4 tháng tuổi thì tôi bắt đầu đăng ký cho cháu đi nhà trẻ. Nhà trường nhiều khi lại cho nghỉ dài vì dịch bệnh bùng phát. Tôi từng nhiều lần muốn bỏ về Việt Nam vì không thể vượt qua những khó khăn về kinh tế, nhưng rồi cứ dặn lòng với bản thân là phải cố gắng”, chị Thủy nhớ lại.

Ở thời điểm chuẩn bị sinh con, thu nhập của chị Thủy tương đối bấp bênh do chỉ được làm thêm vì vẫn đang phải đi học. Thu nhập của chị đều sẽ phụ thuộc vào thời gian làm việc trên thực tế. Dù được chính phủ hỗ trợ chi phí khi sinh con, để có thể có đủ tiền chăm sóc con và lo cho bản thân, chị thấy bản thân cần phải nhanh chóng tìm việc.

Theo chia sẻ của chị Thủy, vào thời điểm đó, chị không nề hà bất cứ công việc gì, miễn là có thời gian phù hợp để chăm con.

“Sau một thời gian chật vật tìm việc, tôi đã may mắn tìm được một công việc tại một nhà hàng qua lời giới thiệu của người bạn. Trong thời gian 3 tháng thử việc, tôi đã nhiều lần muốn từ bỏ nhưng lại nghĩ bản thân không còn sự lựa chọn nếu muốn để con ở lại chăm sóc”, chị Thủy chia sẻ về quãng thời gian khó khăn với bản thân.

Chị Thủy cho biết bản thân nhiều khi phải làm việc không nghỉ giải lao hoặc ăn cơm trưa từ 9-18h, nhiều hôm không có cả thời gian uống nước để có thể về sớm chăm con.

“Nhiều khi tôi muốn dừng lại tất cả, nhưng khi về nhà, cứ nhìn thấy con tôi lại quên hết mọi mệt mỏi, lại nghĩ bản thân phải cố gắng hơn nữa”, chị cho biết, khẳng định động lực làm việc chính là đứa con gái nhỏ của mình.

May mắn thay, sau thời gian đào tạo, chị Thủy đã được nhận vào làm nhân viên chính thức và đang được cân nhắc lên quản lý cửa hàng trong thời gian tới.

“Công việc hiện tại đã ổn định, nên tôi cũng không muốn đưa con về Việt Nam. Cũng may chỗ làm của tôi và trường học của con chỉ cách nhau khoảng 7 phút đi xe đạp”, chị chia sẻ.

Đồng quan điểm, chị Vy cho rằng nếu thu nhập của hai vợ chồng ở mức trung bình thì sẽ khá khó khăn nếu cả 2 cùng nghỉ thời gian dài.

“Do đó, thường chỉ có vợ hoặc chồng nghỉ chăm con dài hạn. Chồng tôi chỉ nghỉ một tuần để làm các thủ tục”, chị nói.

Ngoài ra, những yếu tố bên ngoài như đại dịch Covid-19, tình hình chính trị thế giới khiến đồng yen giảm mạnh, vật giá lên cao, trong khi lương thì không thay đổi nên chị Vy cảm thấy chi phí sinh hoạt sẽ đắt đỏ với những gia đình thu nhập trung bình.

“Vợ chồng tôi là nhân viên chính thức, tham gia đầy đủ bảo hiểm, nên khi nghỉ sinh được hưởng trợ cấp. Hai bé vẫn còn nhỏ nên sức ép chi phí sinh hoạt cũng không quá lớn. Tuy nhiên, các bé càng lớn, chi phí ăn học càng tăng, nên vợ chồng tôi cần cố gắng và tiết kiệm hơn cho tương lai con cái”, chị nói.

Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản

Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản – một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.

Độc giả có thể đọc thêm tại đây.