Việt Nam 100 triệu người!

0
114

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), trung tuần tháng 4, VN sẽ chính thức trở thành quốc gia có quy mô dân số 100 triệu người. Đây là cơ hội để VN phát triển kinh tế – xã hội và cũng là thách thức không nhỏ về già hóa dân số trong tương lai.

Lợi thế “dân số vàng”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1.4.2022, dân số VN đã đạt 99,2 triệu người. Với tốc độ tăng dân số trung bình như đã được quan sát trong những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4.2023, VN sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia khu vực Ðông Nam Á có quy mô dân số 100 triệu người.

Tận dụng nguồn nhân lực dân số vàng sẽ là cơ hội cho VN thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội

Sơn Nguyễn

Tổng cục Thống kê cho biết, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, môi trường chính trị ổn định, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, VN sẽ trở thành quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế.

Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ, Bộ Y tế), VN bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007. Một dân số được coi đã bước vào giai đoạn dân số vàng khi dân số trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi), hoặc tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%. Một chuyên gia của Tổng cục DS-KHHGÐ đánh giá, cơ cấu dân số vàng mang lại rất nhiều dư lợi về lao động. Ví dụ, cũng với 100 triệu người nhưng với cơ cấu hiện nay, VN có khoảng 68 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, nếu với cơ cấu dân số thời điểm trước đây, vào năm 1979 thì chúng ta chỉ có 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Như vậy, riêng cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi đã mang lại dư lợi 16 triệu lao động.

“Năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nếu VN không có các chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng sẽ là lãng phí rất lớn,

có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ.”

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết cơ cấu dân số vàng thường kéo dài 30 – 35 năm. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Á, đã tận dụng cơ hội dân số vàng để tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc…

“Hiện VN đang ở giữa thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Khi dân số VN đạt 100 triệu người, chúng ta có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Nếu khai thác tối đa có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; bên cạnh đó còn có ưu thế trở thành thị trường có quy mô lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nghĩa nói.

Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ÐH Quốc gia Hà Nội), phân tích: “Với cơ cấu dân số vàng, 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động, VN có nguồn lực lao động dồi dào. Trong số người độ tuổi lao động lại có tới gần 70% ở khu vực nông thôn. Ðây là dư địa lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế VN theo hướng công nghiệp hóa – đô thị hóa, góp phần nâng cao năng suất lao động, từ đó gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế lẫn thu nhập bình quân đầu người”.

Ngoài ra, theo ông Việt, cùng với việc bổ sung hơn 1 triệu lao động trẻ, năng động, thích ứng nhanh trong thời đại số và có trình độ văn hóa cũng như kỹ năng lao động cao hơn giai đoạn trước, nền kinh tế VN hy vọng sẽ có sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng; sự đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp và tự chủ kinh doanh cũng sẽ có những thay đổi về chất so với giai đoạn trước.

Chất lượng chưa “vàng”

Với lợi thế đông dân, mang lại nhiều cơ hội nhưng theo các chuyên gia, VN chưa thực sự khai thác hiệu quả lợi thế của cơ cấu dân số vàng; vẫn nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Cơ cấu dân số vàng mới chỉ thể hiện ở số lượng người trong độ tuổi lao động.

Ðánh giá sự kiện chào đón công dân thứ 100 triệu là điều đáng mừng, song ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng chỉ ra những thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Lợi cho hay: “Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Ðiều đó nói lên nhân lực VN sẽ già yếu đi trong vòng 20 năm nữa. Từ năm 2011, lực lượng lao động bổ sung cho thị trường lao động giảm dần theo các năm. Ðây là thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực. Trước đây, chúng ta đưa lao động đi xuất khẩu lao động. Có thể trong vài năm tới, đến lúc chúng ta không còn lao động để đưa đi”.

Theo chuyên gia này, mỗi năm VN có hơn 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, song lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Lý do, hiện số lao động qua đào tạo đạt 69 – 70% nhưng lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt ở mức 26%. “Nhiều lao động đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề, dẫn đến năng suất lao động thấp. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu dân số vàng; nguy cơ khi hội nhập quốc tế không đáp ứng được yêu cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số. Nếu không chuẩn bị kỹ, đến lúc nào đó robot sẽ thay thế các lao động giản đơn, dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp”, ông Lợi lo ngại.

Ðồng quan điểm, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGÐ, bày tỏ: “Chúng ta tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn; chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp. Hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình; 33,2% là việc làm kỹ năng thấp; chỉ 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%)”.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn khá thấp. Hiện năng suất làm việc của lao động VN chỉ bằng 11% của Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24% của Nhật Bản… Trong khu vực Ðông Nam Á, năng suất lao động của VN chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (2,4 lần), Myanmar (1,6 lần), Lào (1,2 lần).

Ông Phạm Trọng Nghĩa nhìn nhận: “Năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nếu VN không có các chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ”.

 Ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng những lợi thế phát triển luôn đi kèm thách thức; những tiềm năng, cơ hội không biết tận dụng lại có thể trở thành trở lực hoặc gánh nặng phát triển. Ðiều đó cũng đúng với giai đoạn dân số vàng của VN hiện tại. “Về cơ bản, trong các bản đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh, VN vẫn còn thua kém về trình độ giáo dục bậc cao và kỹ năng nghề nghiệp, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, ông Việt nói.

Không tận dụng thời cơ sẽ có lỗi với thế hệ mai sau

Ðể tận dụng nguồn nhân lực, theo ông Bùi Sỹ Lợi, từ nay đến năm 2038, VN phải tranh thủ sử dụng nguồn nhân lực. Ðây là cơ hội để phát triển kinh tế đất nước; sau đó là quá trình già hóa dẫn đến dân số già rất nhanh. Người VN chưa giàu đã già, chưa già đã bệnh tật; lúc đó sẽ phải giải quyết bài toán về già hóa dân số, chăm lo an sinh xã hội.

Ông Lợi chia sẻ: “Chúng ta vui mừng vì dân số 100 triệu người nhưng cũng phải tính toán cân đối. Nếu dân số phát triển không đồng đều giữa các vùng, sẽ dẫn đến dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị. Việc dịch chuyển lao động rất phức tạp, đặt ra gánh nặng về giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Ðiều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng dân số, khi dân số chất lượng cao thì mới có thể phát triển nguồn nhân lực tốt”.

Về lâu dài, ông Lợi cho rằng VN cần phải xây dựng được chương trình, kế hoạch cơ cấu nguồn nhân lực hiện tại và tương lai, từ ngắn hạn (1 năm) đến trung hạn (5 năm) và dài hạn (10 năm). Cùng với đó là phải tái cơ cấu hệ thống đào tạo đại học và trường nghề; đào tạo theo nhu cầu thị trường, gắn kết cung – cầu; giao quyền cho doanh nghiệp đào tạo; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp đào tạo.

Tập trung nhiều giải pháp về chất lượng nguồn nhân lực

Liên quan đến vấn đề đẩy mạnh nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã và đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp trọng tâm như: đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề…

Già hóa dân số nhanh

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, từ năm 2011, VN chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Theo dự báo, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049. Nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già (ví dụ, Pháp: 115 năm; Úc: 73 năm…), ở VN chỉ khoảng 26 năm.

Thông tin chi tiết xem tại đây.