Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Tuy nhiên, công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.
Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.
Để công tác truyền thông chính sách kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.
Để làm tốt các nhiệm vụ, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ đội ngũ công tác truyền thông chính sách cần nâng cao năng lực, trình độ. Bên cạnh sự phấn đấu, nỗ lực của mỗi cán bộ làm công tác truyền thông, các đơn vị cần quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách cần ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành; nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.