Trẻ vị thành niên tại Việt Nam mang thai và phá thai nhiều thế nào?

0
1393

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và tương lai các em.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Tuy nhiên, số liệu này có thể chưa thu thập hết các trường hợp phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân.

Mặc dù vậy, theo bác sĩ Phạm Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), con số thực tế có thể cao gấp 3 lần.

Hàng chục nghìn trẻ vị thành niên mang thai mỗi năm

Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trong năm 2022, tổng số trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đến xin bỏ thai ngoài ý muốn là 708 trường hợp. Trong đó, 223 trường hợp có tuổi thai 16-22 tuần. 25 trường hợp phải nhập viện làm thủ thuật phá thai ngoại khoa.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, năm 2021, số trẻ vị thành niên mang thai chiếm 0,74% trong tổng số lượt khám kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở này. Đến năm 2022, tỷ lệ này giảm còn 0,59% do dịch Covid-19.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ đang có chồng hoặc sống chung như vợ chồng ở ViệtNamNguồn: Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2020-2021.Biện pháp hiện đạiBiện pháp hiện đạiBiện pháp truyền thốngBiện pháp truyền thốngKhông sử dụng biện pháp nàoKhông sử dụng biện pháp nào

Biện pháp hiện đại
Biện pháp tránh thai:59,8 %

Tuy nhiên, theo thống kê của bệnh viện, số vị thành niên sinh con đã tăng mạnh trong 2 năm qua. Trong năm 2021, số trẻ trong nhóm tuổi này sinh con là 446, trong đó có 36 bà mẹ dưới 15 tuổi. Đến năm 2022, 351 bà mẹ vị thành niên sinh con tại bệnh viện, nhưng có đến 64 trường hợp dưới 15 tuổi.

Số lượng phá thai tuổi vị thành niên cũng tăng từ 49 ca (năm 2021) lên 75 ca (năm 2022).

Theo ThS.BS Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30.

Đáng chú ý, trong số những cặp vợ chồng hiếm muộn mà đơn vị này tiếp nhận, 70% có tiền sử nạo hút thai, hậu quả của những viêm nhiễm trong quá khứ.

Theo Tóm tắt vận động chính sách của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, năm 2011, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam là 46/1.000 (được tính bằng số trẻ sinh ra hàng năm của phụ nữ trong nhóm tuổi 15-19 trên 1.000 phụ nữ trong cùng nhóm tuổi đó).

Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm dân cư sinh sống tại các khu vực trung du và miền núi phía Bắc và các khu vực nông thôn.

Tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên của Việt Nam cũng cao hơn so với nhiều quốc gia khác ở châu Á, trong đó có Myanmar (tỷ lệ 17,4), Malaysia (12) và Singapore (5,2).

Theo thống kê năm 2020-2021 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tại Việt Nam, hầu như các ca phá thai nói chung đều được thực hiện khi tuổi thai 4-7 tuần (72,6%). Một số khác được thực hiện khi thai mới 0-3 tuần (12,1%), 8-11 tuần (8,7%), 12-15 tuần (2,4%), trên 16 tuần (4,2%).

Hút điều hòa kinh nguyệt là phương pháp phá thai được áp dụng nhiều nhất với 51,4%. Trong khi đó, 28% ca phá thai áp dụng các biện pháp ngoại khoa, 17,2% phá thai bằng thuốc tây y và chỉ 3,4% phá thai bằng các phương pháp khác.

Trong số những ca phá thai, lý do được kể đến nhiều nhất là mang thai ngoài ý muốn (53,6%).

Hầu hết ca phá thai đều được tiến hành tại cơ sở y tế (95,4%) trong đó có 54,4% ở cơ sở công lập, 40,3% ở cơ sở tư nhân và 0,7% ở các tổ chức phi chính phủ). Tuy nhiên, 5,6% ca phá thai thực hiện ngoài các cơ sở y tế.

Đa số các ca phá thai được thực hiện bởi các cán bộ y tế đã được đào tạo (94,1%) bao gồm bác sĩ hoặc bác sĩ sản phụ khoa (90,6%), y sĩ và nữ hộ sinh (2,8%).

Tuy nhiên, 6,5% số ca phá thai được thực hiện bởi người chưa có đủ trình độ chuyên môn như cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, bà đỡ dân gian, thầy lang và các cá nhân chưa được đào tạo.

Lý do khiến tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên Việt Nam cao

Theo UNFPA, lý do đầu tiên ảnh hưởng tới tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam là nạn tảo hôn và quan hệ tình dục sớm.

Báo cáo tóm tắt về kết hôn trẻ em ở Việt Nam của UNFPA và UNICEF năm 2014 cho thấy cứ 10 phụ nữ (độ tuổi 20-24) lại có một người kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước khi đủ 18 tuổi và cứ 100 phụ nữ lại có một người kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước khi 15 tuổi.

Báo cáo này cũng cho hay ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam có quan hệ tình dục ở độ tuổi chưa thành niên.

Theo đó, có khoảng 7,8% người chưa thành niên ở độ tuổi 15-18 đã quan hệ tình dục lần đầu trước khi 15 tuổi. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, chỉ có 41% nữ và 65% nam ở độ tuổi 15-24 sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.

Theo thống kê năm 2020-2021 của UNFPA, tỷ lệ nữ thanh niên 15-24 quan hệ tình dục trong 12 tháng qua là khoảng 28% trong khi nam thanh niên là khoảng 22%.

Tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỷ lệ này ở phụ nữ trẻ cao hơn ở nam giới, khoảng 0,9%.

Bên cạnh đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/tình dục như tư vấn cho vị thành niên còn chưa được phổ biến rộng rãi.

Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng cao nhất trong lứa tuổi 15-19 và đặc biệt cao (50,4%) trong nhóm phụ nữ chưa lập gia đình nhưng có sinh hoạt tình dục.

 

Theo thống kê năm 2020-2021 của UNFPA, 27,2% phụ nữ đang có chồng hoặc sống chung như vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai.

Có đến 1/3 số thanh niên và vị thành niên được phỏng vấn trong điều tra cho rằng tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản/tình dục không dễ dàng, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống.

Thống kê của UNFPA cho thấy tỷ lệ bà mẹ 15-19 tuổi được chăm sóc trước sinh từ 4 lần trở lên là 72,8%, trong khi con số này ở độ tuổi 35-49 là 90,5%.

Ở những nơi có cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/tình dục, các cơ sở này thường hoạt động chưa hiệu quả và/hoặc chưa cung cấp các dịch vụ thân thiện với thanh niên và vị thành niên.

Ngoài ra, nhân viên y tế tại các cơ sở này thường có thái độ thành kiến và năng lực hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/tình dục phù hợp cho vị thành niên và thanh niên.

Mang thai ở tuổi vị thành niên không đơn thuần là vấn đề y tế

UNFPA nhận định mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe. Điều này còn làm mất đi tiềm năng ở các bé gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo.

Do đó, mang thai ở tuổi vị thành niên là một vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển.

Một số rủi ro thường xảy ra khi sinh con ở tuổi vị thành niên bao gồm nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn.

Trẻ sinh ra bởi các bà mẹ tuổi vị thành niên có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi.

Phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi có xác suất sinh nhiều con hơn. So với các bà mẹ sinh con khi ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần, cao gấp 4 lần đối với nhóm các em gái sinh con dưới 15 tuổi.

Các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao gấp 3 lần so với các nhóm khác.

Quan trọng hơn, kết hôn sớm khiến các em gái phải chịu áp lực trong sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi các em chưa đủ trưởng thành. Điều này làm hạn chế khả năng ra quyết định và hạn chế sự lựa chọn trong cuộc sống của chính các em.

Thông tin chi tiết xem tại đây.