Trang chủ Tin chuyên nghành TẬN DỤNG DÂN SỐ VÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN: 22 năm Việt Nam...

TẬN DỤNG DÂN SỐ VÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN: 22 năm Việt Nam giữ vững cơ cấu dân số vàng

0
117

Việt Nam có được lợi thế lao động trẻ, trình độ ngày càng nâng cao là nhờ giữ được tỉ suất sinh thay thế, giữ được cơ cấu dân số vàng suốt 22 năm qua

Việt Nam đạt dân số 100 triệu người và là quốc gia duy nhất trên thế giới đặt mục tiêu giữ vững tỉ suất sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số vàng suốt 30 năm.

Thành tựu chưa từng có!

Năm 1960, tỉ suất sinh của Việt Nam là 6,4; năm 1990 giảm còn 3,6; năm 1999 là 2,18 và năm 2000 là 2,11. Đến năm 2005 là 2,11; năm 2010 là 2; năm 2015 là 2,1 và năm 2021 là 2,11. Như vậy suốt 22 năm, từ 2000 đến 2021, tỉ suất sinh của Việt Nam rất ổn định, thấp nhất là 1,99 vào năm 2011; cao nhất là 2,28 năm 2002; bình quân 22 năm là 2,098.

Với kết quả này, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới (trong số tất cả các nước có dân số từ 500.000 người trở lên) giữ được tỉ suất sinh thay thế liên tục 22 năm. Tức là 22 năm Việt Nam có cơ cấu dân số vàng. Khi chúng ta đạt dân số 100 triệu người trong bối cảnh đã duy trì vững chắc tỉ suất sinh thay thế 22 năm liên tục và là nước duy nhất có chiến lược phát triển dân số 11 năm (2020-2030) với mục tiêu bảo đảm tỉ suất sinh thay thế đến năm 2030 thì đây là kết quả rất vui, rất đáng tự hào.

Nếu đạt được mục tiêu của chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 (phê duyệt theo Quyết định 1679/QĐ-TTg ngày 22-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ) thì Việt Nam có 31 năm liên tục giữ vững tỉ suất sinh thay thế, 31 năm có cơ cấu dân số vàng. Nhờ có cơ cấu dân số vàng 22 năm qua, Việt Nam có được lợi thế lao động trẻ, với số lượng ngày càng tăng, trình độ ngày càng nâng cao. Đó cũng là một lý do quan trọng, không thể thiếu để chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là dựa trên Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 15-10-2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Nếu đến năm 2030, chúng ta thực hiện được các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW thì có thể coi đây là một trong những di sản có ý nghĩa nhất – 31 năm liên tục giữ vững tỉ suất sinh thay thế – 31 năm dân số vàng, để dân tộc Việt Nam có thể phát triển bền vững trong thế kỷ XXI, khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới giữ được tỉ suất sinh thay thế liên tục 22 nămẢnh: NGỌC DUNG

Cần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và hoạch định chiến lược mới

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được là những thách thức rất lớn mà ngay từ bây giờ, Việt Nam cần định hướng chiến lược dân số năm 2031-2045 để không bị động, lúng túng, bảo đảm cho dân tộc phát triển bền vững về dân số, văn hóa và kinh tế đến năm 2100.

Trong khi 22 năm qua, cả nước bảo đảm tỉ suất sinh thay thế, là thành tựu chưa từng có của thế giới thì ở 18 tỉnh và thành phố phía Nam gồm Đông Nam Bộ và ĐBSCL, chiếm gần 35% dân số cả nước, lại không bảo đảm tỉ suất sinh thay thế một cách bền vững. Tỉ suất sinh năm 2009 của Đông Nam Bộ là 1,69 và ĐBSCL là 1,84 thì sau 12 năm, vào năm 2021, đã giảm còn 1,61 và 1,82. Khảo sát thực tế các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, 27 nước EU cho thấy khi tỉ suất sinh xuống dưới 1,8 thì sau hàng chục năm, thậm chí dự báo đến năm 2100, tức là hơn 100 năm, vẫn không thể tăng trở lại mức gần 1,8.

Trong khi đó, TP HCM là nơi có thu nhập đầu người vào loại cao nhất cả nước 30 năm qua, song tỉ suất sinh lại luôn thấp nhất cả nước. Năm 2021 tỉ suất sinh của thành phố là 1,48, thấp hơn cả Đức (1,59), Trung Quốc (1,69), Nga (1,8), Mỹ (1,78). Tình hình tỉ suất sinh dưới khá xa tỉ suất sinh thay thế ở 18 tỉnh, thành Đông và Tây Nam Bộ đã diễn ra hơn 15 năm, đặt ra câu hỏi: Trong 7 năm nữa, 18 tỉnh, thành này với hơn 35 triệu dân, có thể đạt mục tiêu chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 không?

Với thực tiễn tình hình về văn hóa, gia đình, xã hội và kinh tế như 20 năm qua, nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả có tính đột phá thì có thể dự đoán không thể đạt mục tiêu, như đã diễn ra ở tất cả các nước phát triển và trung bình trên thế giới 50 năm qua: Sau khi thoát nghèo, càng giàu lên thì tỉ suất sinh càng giảm, càng không duy trì được giống nòi.

Một câu hỏi khác là vì sao ở 18 tỉnh, thành phố phía Nam chiếm 35% dân số, đóng góp 44% GDP cả nước, là vùng công nghiệp (Đông Nam Bộ) và nông nghiệp (Tây Nam Bộ) lớn nhất cả nước, lại 15 năm liên tục không thể tự tái tạo lao động cho mình, mà phải dựa vào lao động nhập cư từ các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc? Vì sao trong khi ở phạm vi cả nước, tỉ suất sinh ở thành thị thấp hơn tỉ suất sinh thay thế (năm 2001 là 1,86, năm 2021 là 1,64), tỉ suất sinh ở vùng nông thôn luôn cao hơn tỉ suất sinh thay thế (năm 2001 là 2,38, năm 2021 là 2,4) thì Tây Nam Bộ, chủ yếu là nông thôn, tỉ suất sinh 15 năm qua lại luôn thấp hơn tỉ suất sinh thay thế?… 

Cần phân tích sâu, toàn diện tình hình

Chính phủ cần sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và 3 năm thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 để có dịp phân tích sâu, toàn diện tình hình trên để từ đó hoạch định chiến lược mới với những vấn đề lớn đang đặt ra, đó là: Từ nay đến năm 2030, để cả nước đạt mục tiêu giữ vững tỉ suất sinh thay thế thì khả năng 18 tỉnh, thành phố phía Nam có tăng được tỉ suất sinh không, muốn được như vậy thì phải làm gì? Phải chăng chừng nào 18 tỉnh, thành phố này không tăng được tỉ suất sinh thì phải giữ được tỉ suất sinh cao (2,3 đến 2,4) ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc để cộng lại cả nước bảo đảm tỉ suất sinh thay thế.

Giai đoạn 2031-2045 có thể tiếp tục đặt mục tiêu giữ vững tỉ suất sinh thay thế nữa hay không? Làm thế nào từ bây giờ để đạt mục tiêu đó? Nếu không đặt mục tiêu này nữa thì Việt Nam sẽ đối mặt với xu thế tất yếu: tỉ suất sinh tiếp tục giảm, lao động và dân số sẽ teo lại. Nếu không thu hút được người nước ngoài nhập cư với quy mô đủ lớn (khoảng 500.000 người đến 1 triệu người/năm) thì đến một ngày nào đó sau năm 3000, nước Việt Nam sẽ tự biến mất khỏi trái đất, như nguy cơ mà Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt hiện nay.

Cảnh báo nguy cơ già hóa dân số vào năm 2036

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. UNFPA nhấn mạnh dân số 100 triệu người đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước. 100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”.

UNFPA cho hay thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao. Tuy vậy, UNFPA cũng chỉ ra những thách thức đặt ra khi cả tỉ lệ tử vong và mức sinh đều giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình quá độ dân số. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 khi dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân. Ngoài ra, do tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, cùng với mức sinh giảm và hạn chế số con cũng như các công nghệ sẵn có nên thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra phổ biến, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059.

N.Dung

Thông tin chi tiết xem tại đây.