Vì sao nên sinh con trước tuổi 35?

0
265

Vì nhiều lý do khác nhau khiến người phụ nữ sinh con muộn. Tuy nhiên, chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo mang thai sau tuổi 35 ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng

Cơ hội thụ thai giảm dần theo độ tuổi

Ths.BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cho biết hiện nhiều cặp vợ chồng sinh con muộn do muốn kéo dài cuộc sống hôn nhân, xây dựng nền tảng kinh tế hoặc chuẩn bị đầy đủ tâm lý, kiến thức trong việc nuôi dạy con… Tuy nhiên, độ tuổi sinh con phù hợp là yếu tố quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo độ tuổi (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ, đàn ông ở tuổi nào cũng có thể sản sinh ra tinh trùng tốt nhưng phụ nữ thì buồng trứng già hóa theo tuổi. Tuổi càng cao chất lượng trứng càng kém và số lượng trứng ít khiến việc thụ thai gặp nhiều khó khăn.

Từ 20 đến 30 tuổi là giai đoạn buồng trứng chín muồi và hoạt động tốt nhất nên tỷ lệ cho ra nang trứng tốt sẽ cao hơn. Do đó, phụ nữ nên sinh con trong độ tuổi 20 – 30, tối đa 35 tuổi để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, giảm tỷ lệ thai bất thường, vô sinh và tăng khả năng đậu thai.

Hơn nữa, ở tuổi này, sức khỏe phụ nữ tốt nên những tai biến gặp trong sản khoa và bệnh lý thai kỳ ít hơn như đái tháo đường thai kỳ hoặc tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật… Sức khỏe sản phụ tốt giảm tình trạng chảy máu sau sinh do tầng sinh môn không còn mềm mại, cuộc đẻ thuận lợi, giảm tỷ lệ mổ lấy thai do sức khỏe người mẹ đảm bảo.

“Trường hợp mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Phụ nữ sinh con sau 35 tuổi cần lưu ý gì?

Theo vị bác sĩ, phụ nữ mang thai, đặc biệt mang thai muộn sau 35 tuổi cần lưu ý nhiều điều để đảm bảo sức khỏe bản thân và thai nhi khỏe mạnh.

Thứ nhất, người phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai để xem đủ điều kiện, sức khỏe làm mẹ hay không. Nếu không đủ sức khỏe thì không nên cố mang thai mà cần được tư vấn các biện pháp tránh thai tránh trường hợp mang thai ngoài ý muốn trên mẹ có bệnh lý nền nặng.

“Phụ nữ lớn tuổi thường có nhiều bệnh nền. Do đó, người bệnh cần được khám sàng lọc các bệnh lý như cơ xương khớp, tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Chỉ khi các bệnh lý ổn định và đủ điều kiện mang thai thì cần được phối hợp hội chẩn điều trị bởi các bác sĩ nội khoa và sản khoa”, bác sĩ Thành nói.

Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: Đức Trịnh)

Thứ hai, trong quá trình mang thai phải sàng lọc dị tật, đồng thời theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai kỳ.

Thứ ba, phụ nữ mang thai nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Bác sĩ Thành khuyến cáo độ tuổi mang thai tốt nhất của phụ nữ là dưới 35 tuổi. Nên cố gắng mang thai trong vòng 1 năm sau khi kết hôn, nếu không có thai thì nên đi khám hiếm muộn.

Với những phụ nữ trên 35 tuổi, nếu trong vòng 6 tháng cố gắng mang thai mà không đạt kết quả nên đi khám hiếm muộn.

Thúy Ngà (giadinhonline.vn)
Thông tin chi tiết xem tại đây.