Phù hợp với hệ thống pháp lý hiện hành

0
297

GiadinhNet – Dự án Luật Dân số phải đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp lý hiện hành tại Việt Nam, tránh việc quy định trùng lặp trong các luật, bộ luật khác.

Phù hợp với hệ thống pháp lý hiện hành 1

Theo ý kiến của các chuyên gia: Khi xây dựng, Luật Dân số phải góp phần thực hiện cam kết quốc tế về Chương trình hành động về Dân số và phát triển (PPD), các Công ước, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết khi gia nhập, hội nhập. Ảnh: P.N

Không chỉ thế, Dự Luật cũng phải phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về các nội dung liên quan… Đó là những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý về Dân số trong các hội thảo chuyên đề xây dựng Dự án Luật Dân số.

Dự luật phải phù hợp với các Công ước quốc tế đã ký kết

Ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng Dự án Luật Dân số là quán triệt quan điểm của Đảng tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về chính sách DS-KHHGĐ: “Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; giải pháp cơ bản để thực hiện công tác DS-KHHGĐ đến tận người dân, có chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho người chấp nhận gia đình ít con, tạo động lực thúc đẩy phong trào quần chúng thực hiện KHHGĐ; huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ…”.

Ngoài ra, Dự án Luật còn cụ thể hóa Điều 40 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, thực hiện chương trình DS- KHHGĐ”. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân, đặt con người vào vị trí trung tâm trong sự phát triển của xã hội; xem xét yếu tố cá nhân trong mối quan hệ với xã hội; bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em là điều kiện tiên quyết, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách dân số.

Ở khía cạnh quốc tế, bà Nguyễn Thị Vân- Trợ lý Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho rằng: Việt Nam đã ký kết các Công ước quốc tế và cũng là nước đi đầu trong các hoạt động của các công ước này. Hơn nữa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, tiếng nói, vai trò càng được ghi nhận và đánh giá cao. Do đó, Dự luật cần xem xét, điều chỉnh các nội dung sao cho phù hợp với những Công ước đã được ký kết.

Đồng tình với ý kiến của bà Vân, ông Nguyễn Văn Tân khẳng định: “Quan điểm khi xây dựng là Luật Dân số phải góp phần thực hiện cam kết quốc tế về Chương trình hành động về Dân số và phát triển (PPD), các Công ước, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết khi gia nhập, hội nhập với khu vực và thế giới, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung của quyền sinh sản, quyền phát triển”.

Tránh sự trùng lặp với quy định trong các luật khác

Tại các hội thảo chuyên gia, chuyên đề xây dựng Dự án Luật Dân số được tổ chức vừa qua, các đại biểu cũng đã có đánh giá sơ bộ về tình hình thực hiện PLDS, kiến nghị một số vấn đề cần xem xét khác cần quy định trong Dự Luật, như nâng cao chất lượng dân số cộng đồng, các biện pháp thực hiện công tác dân số, bảo vệ các dân tộc thiểu số, di dân, quản lý dân cư… Các ý kiến đã được các thành viên Ban soạn thảo và tổ biên tập ghi nhận, tổng hợp, xem xét. Theo kế hoạch do Bộ Y tế đã ban hành, lộ trình xây dựng Dự Luật cụ thể: Đến quý III/2013 sẽ trình Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo những nội dung then chốt, quý II/2014 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi trình Quốc hội vào tháng 5/2014.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Dự án Luật Dân số cần bảo đảm các quy định phải phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Cư trú…, xem xét các vấn đề để tránh sự trùng lặp với các quy định đã có trong các luật này.
Phân tích cụ thể hơn, ông Đinh Công Thoan – Thành viên Ban soạn thảo và tổ biên tập Dự án Luật, chỉ ra một ví dụ để chứng minh việc xây dựng Dự thảo Luật Dân số cần bổ sung, làm rõ, quy định chi tiết một số vấn đề mà có thể ở Luật khác đã quy định nội dung liên quan: Điều 24 Pháp lệnh Dân số (PLDS) quy định về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Hiện nay, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, các chính sách, biện pháp loại trừ phân biệt giới, nâng cao địa vị phụ nữ đã điều chỉnh các nội dung cơ bản và được các ngành, lĩnh vực tổ chức thực hiện.
Khi dân số Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn già hóa, việc “khuyến khích gia đình nhiều thế hệ” (như theo Điều 24 PLDS) là cần thiết, để các thế hệ trong gia đình có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ nhu cầu về mọi mặt, tạo điều kiện cho các thành viên thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, theo ông Thoan, hiện nay tình trạng phân biệt đối xử giữa con trai – con gái, lựa chọn giới tính nam có xu hướng tăng, bên cạnh đó là xu hướng gia tăng gia đình hạt nhân.
Thêm nữa, ông Thoan cũng cho rằng các quy định về loại trừ phân biệt đối xử giữa con trai – con gái, về khuyến khích gia đình nhiều thế hệ chưa được quy định chi tiết, chưa có các chuẩn mực cụ thể, chưa có các hướng dẫn và quy chế thực hiện. Do đó, việc tuyên truyền, vận động gặp khó khăn, thiếu thuyết phục các thành viên gia đình thực hiện đúng, đủ về nghĩa vụ quan tâm, giúp đỡ, cùng nhau chăm lo đời sống chung của gia đình, đóng góp công sức, tiền và tài sản để duy trì đời sống phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mình và nghĩa vụ học tập, lao động, công tác và phát triển toàn diện của mỗi thành viên trong gia đình.

Võ Th