Sự cần thiết ra đời Luật Dân số: Siết chặt quy định phá thai

0
165

GiadinhNet – Trong những năm qua, do quá tôn trọng quyền được phá thai theo nguyện vọng nên nhiều khách hàng tiếp cận dịch vụ này một cách dễ dàng.

 

Siết chặt quy định phá thai  1

Một buổi truyền thông kiến thức chăm sóc SKSS vị thành niên cho các cán bộ dân số cơ sở tại huyện Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: PV.

Sự phổ biến rộng rãi, sự đơn giản của thủ tục đã lý giải tại sao Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Khó quản lý đối với cơ sở tư nhân

BS Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Nghệ An cho rằng: Hiện nay theo quy định đối với cơ sở y tế công, với khách hàng dưới 18 tuổi, chưa đến tuổi công dân hay chưa làm chủ được hành vi thì phải có người giám hộ, bảo lãnh. Đối với các khách hàng khác, nhân viên và cơ sở y tế phải đảm bảo cho họ đủ sức khỏe, hoàn toàn minh mẫn, thoải mái để tự quyết. Tuy nhiên, đối với cơ sở tư nhân thì vấn đề còn nan giải. Tiêu biểu là việc quản lý “nguồn gốc” người bảo lãnh rất khó thực hiện. Không chỉ ở Nghệ An mà rất nhiều địa phương khác, một số cơ sở y tế tư nhân không đăng ký thực hiện dịch vụ này mà vẫn ngang nhiên tiến hành.

Theo BS Tân, khách hàng tìm đến các cơ sở y tế tư nhân vẫn nhiều (dù biết nguy cơ tai biến cao hơn y tế công lập) vì tại đây vừa kín đáo vừa nhanh chóng. Đến cơ sở y tế tư nhân phần lớn họ chỉ cần mang tiền theo và không cần bất cứ giấy tờ gì. Nếu có cần ghi danh thì họ sẵn sàng cho một cái tên và địa chỉ giả.

Rất ít quốc gia trên thế giới cho phép phá thai “theo yêu cầu”

 

Dự án Luật Dân số đồng thời cũng cần phải đưa ra những quy định về tuổi thai và phương pháp phá thai an toàn; điều kiện đối với cơ sở y tế thực hiện phá thai; điều kiện đối với người phá thai. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Điều kiện với người đi phá thai sẽ được điều chỉnh, bao gồm: Có ký cam kết tự nguyện phá thai với sự đồng ý của chồng (nếu đã có chồng) hoặc sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi); có chứng minh nhân dân để xác định họ tên và nơi ở; có xác nhận cận lâm sàng về chẩn đoán có thai, thai vào tử cung mới được làm thủ thuật phá thai.

Trên thế giới, có 7 căn cứ xác định cho phép phá thai gồm: Cứu tính mạng người phụ nữ; bảo vệ sức khỏe thể chất của người phụ nữ; bảo vệ sức khỏe tinh thần của người phụ nữ; cưỡng hiếp hay loạn luân; thai bất thường; lý do về kinh tế hoặc xã hội và theo yêu cầu. Trong đó, 97% quốc gia cho phép phá thai vì lý do cứu tính mạng người phụ nữ.

Đối với lý do “theo yêu cầu”, người phụ nữ được phép nhận dịch vụ phá thai mà không cần phải giải thích lý do, dẫn đến nhiều đối tượng tìm kiếm dịch vụ này không phải một lần mà có thể nhiều lần. Tuy nhiên, chỉ có 29% quốc gia cho phép thực hiện thủ thuật này (năm 2009).

Ông Đinh Công Thoan – Nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ), thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Dân số khẳng định quan điểm: “Trong bất cứ trường hợp nào, phá thai cũng không được coi là một biện pháp KHHGĐ, mặc dù phá thai trong một chừng mực nào đó làm giảm tỷ suất sinh”. Điều này càng được nhấn mạnh hơn trong bối cảnh tình hình phá thai ở Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tỷ lệ cao trên thế giới. Ông Thoan phân tích thêm: “Mục đích giảm phá thai là nhằm bảo vệ sức khỏe phụ nữ; bởi hậu quả phá thai rất nặng nề, nó làm suy giảm sức khỏe, tổn thương tinh thần, nguy cơ mất máu, thủng tử cung, gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục, có thể gây biến chứng dẫn tới vô sinh, đặc biệt đối với vị thành niên”.

Hiện nay chưa có một cuộc điều tra tầm cỡ quốc gia về phá thai, nhưng theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), hàng năm có khoảng 300.000 – 400.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. “Việc quy định cởi mở của pháp luật cho phép phá thai quá tự do, trong khi người dân lại thiếu ý thức, thiếu hiểu biết về hậu quả của phá thai không an toàn cũng góp phần gây nên tình trạng phá thai “thoải mái”, ông Tuấn chia sẻ.

Luật phải quy định chặt chẽ

Từ những lý do trên đây, theo các chuyên gia Dự thảo Luật Dân số đòi hỏi phải có những sửa đổi để hoàn thiện chặt chẽ các quy định về phá thai.

Đơn cử, một trong những biện pháp để giảm phá thai là mở rộng khả năng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai của các nhóm đối tượng có quan hệ tình dục, không chỉ hạn chế trong các cặp vợ chồng và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sở dĩ cần phải thực hiện điều này vì ở Việt Nam, số liệu quốc gia về nhu cầu chưa được đáp ứng các phương tiện tránh thai trong nhóm đối tượng từ 15-19 tuổi chiếm tới 35,4% và nhóm đối tượng từ 20-24 tuổi cũng chiếm tới 34,6%.

BS Nguyễn Bá Tân nêu quan điểm: “Vị thành niên (10-19 tuổi) khi tới các cơ sở y tế tư nhân nạo phá thai thường giấu giếm người nhà, chỉ đi cùng bạn bè hoặc ai đó, nên việc yêu cầu có người nhà giám hộ là rất khó khả thi. Ở đây sẽ phát sinh vấn đề: Nếu càng quy định chặt chẽ, ràng buộc điều kiện cho người đi phá thai, thì các cơ sở y tế tư nhân lại có cơ hội để “đội giá” lên”.

Theo các bác sĩ sản khoa, các nhà làm luật, các chuyên gia y tế, giải pháp để hạn chế phá thai, đặc biệt là phá thai ở tuổi vị thành niên là phải tích cực tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, vận động đối tượng sử dụng đúng cách, hiệu quả các biện pháp KHHGĐ.

Một điểm quan trọng nữa cần quy định chặt chẽ là điều kiện, trách nhiệm của cơ sở y tế thực hiện phá thai an toàn, nhằm hạn chế một số cơ sở không đủ điều kiện kỹ thuật, nạo phá thai “chui” dẫn đến nguy cơ tai biến cho người đi phá thai. “Đối với các phòng khám tư nhân nạo, phá thai thì không còn cách nào khác là các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh, kiểm tra và có xử phạt thích đáng, đặc biệt với các cơ sở phạm pháp”, BS Bá Tân nói.

Thu Nguyên