Chuyện sinh đẻ là vấn đề quốc gia, là sự tồn vong của đất nước

0
226

GiadinhNet – “Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi rất vui mừng dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số. Tôi luôn ý thức rằng, vấn đề dân số là vô cùng quan trọng. Chúng ta đang làm một việc mà 30 năm nữa, 50 năm nữa con cháu sẽ biết ơn chúng ta đã làm những việc hôm nay như thế nào…” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/9/2013.

 

Chuyện sinh đẻ là vấn đề quốc gia, là sự tồn vong của đất nước* 1

Cán bộ dân số tuyên truyền cho người dân xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh: Dương Ngọc.

Báo GĐ&XH xin giới thiệu các nội dung nổi bật của bài phát biểu quan trọng này.

Chúng ta biết rằng, năm 1961, khi đất nước vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội lần thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 216 – CP ngày 26 tháng 12 năm 1961 về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”. Tên Quyết định rất hay là “sinh đẻ có hướng dẫn” chứ “không cưỡng bức”. Đến nay đã 52 năm, chúng ta đã coi dân số là vấn đề của quốc gia. Việc sinh đẻ không phải chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình nữa mà còn là vấn đề của quốc gia, là sự tồn vong của đất nước.

Bài học từ chuyện “đẻ ít”

Năm 2008, tôi có dẫn đầu một đoàn của Bộ Giáo dục – Đào tạo sang thăm Phần Lan với tư cách Bộ trưởng. Phần Lan có dân số hơn 5 triệu người, một vùng rất ít nắng, một năm 6 tháng không thấy mặt trời, nhưng được đánh giá là nhất thế giới về giáo dục. Tìm hiểu giáo dục Phần Lan, tôi thấy họ khác mình mấy điểm:

Thứ nhất, giáo viên của họ từ dạy mẫu giáo đến phổ thông đều có trình độ Thạc sĩ, không có giáo viên đại học dạy phổ thông. Giáo viên của họ có bằng cử nhân khoa học và bằng Thạc sĩ về quản lý giáo dục, lúc đó mới được làm thầy cô giáo. Những người giỏi nhất thì xin vào ngành Sư phạm. Vì là Thạc sĩ nên họ có quyền chủ động rất cao trong dạy học từ mầm non cho đến phổ thông: Việc bố trí giờ học, chương trình, tốc độ nhanh chậm thế nào là quyền của thầy cô giáo phụ trách lớp, không ai can thiệp cả. Chương trình giáo dục của từng vùng được bố trí sao cho phù hợp với chương trình của quốc gia, tức là tính tự chủ rất cao.

Thứ hai, họ có ba loại thầy cô: Một là thầy cô chuyên môn như mình, hai là thầy cô chuyên tư vấn cho học sinh ở lớp, như là tìm hiểu tại sao học sinh lại buồn? Sắp thi có sợ gì không? Chọn môn học như thế nào? Đi thực tập ở đâu?… Còn loại thầy cô giáo thứ ba chuyên bồi dưỡng học sinh yếu kém.

Khi tôi hỏi kinh nghiệm của bạn về cách đánh giá thầy cô hàng năm, tôi được biết họ không làm việc đó bởi thầy cô giáo đủ độ tự trọng, nếu dạy không tốt thì học sinh sẽ có thái độ phải điều chỉnh. Tôi hỏi bà Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan có gặp khó khăn gì trong giáo dục không? Bà Bộ trưởng nói: “Ở Helsinki hiện nay, 50% người lớn tuổi không lấy vợ, lấy chồng, không đẻ nên Phần Lan thiếu hơn 1 triệu lao động. Ba năm nữa, một nửa số người về hưu không có ai thay thế”. Như vậy giáo dục Phần Lan được đánh giá là nhất thế giới, nhưng nền giáo dục đó không tạo nên một nguồn nhân lực đủ để duy trì đất nước phát triển bền vững. Bà Bộ trưởng nói phải có chính sách để khuyến khích đẻ nhiều. Có những người nhập cư, không đi làm mà chỉ cần đẻ đủ ba con là được cấp nhà. Thăm Phần Lan, bài học tôi ấn tượng nhất là giáo dục khi đo bằng thước đo chuyên môn là rất tốt, nhưng nếu không giáo dục ý thức, trách nhiệm đất nước bằng cách đẻ cho đủ thì đất nước không đủ nguồn nhân lực và không thể phát triển bền vững được. Từ lúc đó trở đi, tuy là Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo nhưng lúc nào tôi cũng suy nghĩ và cũng nói về dân số {…}.

Cách đây khoảng 3 tháng, tôi được mời tới Nhật Bản dự Hội nghị. Sau khi kết thúc, tôi có gặp và làm việc với Bộ phụ trách về Lao động và chính sách xã hội, gặp Tổng cục Dân số của bạn để tìm hiểu vấn đề già hóa dân số của Nhật Bản. Chuyên gia của họ cho biết, dân số Nhật Bản hiện nay là 127 triệu người nhưng đến năm 2060, tức là chỉ còn 47 năm nữa thôi, dân số Nhật Bản sẽ giảm đi 40 triệu dân. Vậy thì ai thay thế vào con số 40 triệu người để duy trì nền kinh tế Nhật Bản? Tương lai đất nước sẽ ra sao? Họ cũng đã thấy vấn đề rồi nhưng chưa có lối ra. Đến năm 2060, nhà ở, trường học, bệnh viện,… cho 40 triệu người ấy nhưng không ai dùng đến? Đường giao thông dành cho 40 triệu người ấy nhưng không có ai chạy trên những con đường đó{…}. Ở Đức hiện nay cũng gặp phải khó khăn về dân số. Cách đây khoảng 10 năm, dân số họ lớn hơn Việt Nam. Năm năm gần đây, mỗi năm dân số của họ giảm đi gần một triệu người. Mỗi năm họ phải nhập cư gần một triệu người để bù lại số lao động đó.
 
Chuyện sinh đẻ là vấn đề quốc gia, là sự tồn vong của đất nước* 2

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/9/2013. Ảnh: Chí Cường

Năm thành tựu và bốn khó khăn

(…) Bài học kinh nghiệm được rút ra từ những năm qua là chuyện sinh đẻ không còn chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình nữa mà là tương lai của đất nước. Có nhiều tiền, có nhà mà không con thì chết đi để cho ai? Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam xin con nuôi. Họ là người có tiền nhưng muộn quá không đẻ được nên phải đi xin con nuôi. Còn chúng ta sẵn sàng đẻ thì tại sao lại không đẻ. Đẻ để có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Rất may khi bàn về chính sách dân số Việt Nam, ta có một lợi thế là gia đình Việt Nam rất hạnh phúc khi có con. Đấy là lý do tại sao cứ bàn về dân số là tôi đều đi dự.

Hôm qua tôi có giảng bài cho một lớp mà học viên là các đồng chí cán bộ cao cấp, tôi cũng lại nói về dân số. Giáo dục không chỉ có tri thức mà còn cần phải giáo dục ý thức trách nhiệm gia đình của công dân, trong đó có việc phải sinh đẻ thế nào cho đúng. Tôi có đề nghị các đồng chí học viên, có cả Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải cố gắng vận động địa phương mình, giúp đất nước phát triển bền vững về lao động, về dân số.

Những thành tựu mà đồng chí Tổng cục trưởng đã trình bày, tôi chỉ nói gọn lại thành 5 thành tựu nổi bật của công tác dân số sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số như sau:

Thứ nhất, năm 1960 trung bình mỗi bà mẹ Việt Nam đẻ tới 6,4 con, đến 2002 trước khi có Pháp lệnh Dân số là 2,28 con. Cách đây 8 năm, chúng ta đạt được mức sinh thay thế (tức 2,1 con trên một phụ nữ) và duy trì được trong suốt 8 năm qua, như vậy là rất tốt. Duy trì việc này rất quan trọng. Hiện nay, Tổng tỷ suất sinh của TP Hồ Chí Minh là 1,33 con, nếu để việc này kéo dài sẽ không tốt. Nơi mà thu nhập cao, đời sống cao thì lại đẻ ít. Phải vận động việc sinh đẻ con vì gia đình và cũng vì đất nước.

Thứ hai, chúng ra đã có được cơ cấu “dân số vàng” từ 2007. Nếu 40 năm nữa mà vẫn có được cơ cấu “dân số vàng”, tức là ít nhất có 66% số người trong tuổi lao động “nuôi” 33% số người phụ thuộc thì ổn định được nguồn nhân lực, chăm sóc được người cao tuổi và trẻ em, Quỹ bảo hiểm xã hội cũng cân bằng được. Tôi gửi gắm Bộ Y tế và các Bộ, ngành khi xây dựng Luật Dân số, có chính sách, giải pháp để kéo dài thêm thời gian “dân số vàng”, có thể đến năm 2061, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày ban hành Quyết định đầu tiên về chính sách dân số thì rất tốt. Từ năm 1961 đến năm 2061, chúng ta vẫn có được cơ cấu “dân số vàng” là hạnh phúc lắm, lúc đấy chúng mình có nằm xuống đất cũng thấy yên lòng.

Thành tựu thứ ba là mình sống thọ hơn mặc dù chưa giàu. Năm 1960 tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 40 tuổi, nếu tuổi thọ vẫn cứ như vậy thì rất nhiều người chúng ta ngồi đây đã “ra đi” rồi. Bây giờ tuổi thọ bình quân là 73 tuổi. Trong vòng 50 năm, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng thêm 33 tuổi. Thành tựu này rất đặc biệt. Những năm trước đây, mặc dù đất nước đang còn nghèo khổ, chiến tranh nhiều năm nhưng bình quân mỗi năm người dân Việt Nam lại sống lâu thêm 0,6 tuổi. Các đồng chí nói “già hóa dân số” là nói theo thuật ngữ quốc tế, còn ở Việt Nam là sống lâu, ai đến chúc Tết cũng chúc sống lâu trăm tuổi, sống lâu phải vui chứ. Đây là một thành tựu rất quan trọng.

Thứ tư là tỷ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi giảm đáng kể, từ 21‰ (năm 2003) xuống còn 15,8‰ (năm 2012) . Thứ năm là tỷ suất chết bà mẹ đã giảm từ 85 trên một trăm nghìn trẻ sinh ra sống (năm 2003) xuống còn 68 trên một trăm nghìn trẻ sinh ra sống (năm 2010).

Năm thành tựu của chính sách dân số trong thời gian vừa qua rất quan trọng, rất đáng tự hào! Chúng ta đạt được thành tích như vậy, bên cạnh sự nỗ lực của Đảng, chính quyền và nhân dân còn có sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế {…}. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi đến các nước, các tổ chức quốc tế đã giúp Việt Nam trong lĩnh vực dân số những năm qua lời cảm ơn chân thành và mong rằng sẽ tiếp tục duy trì hợp tác và giúp đỡ trong thời gian tới.

Qua báo cáo của Bộ Y tế, tôi thấy nổi bật lên 4 khó khăn do kết quả không đồng đều. Đối với tổng tỷ suất sinh, tổng thể thì hơn hai cháu một chút trên một bà mẹ là tốt, nhưng không đồng đều. Có một số địa phương cao, nhưng đặc biệt một số địa phương lại thấp. Các địa phương thấp làm sao kéo lên, đừng để nằm lâu quá cỡ 1,33, 1,5 rồi không lên được nữa.

Thứ hai là mất cân bằng giới tính khi sinh, việc này rất nguy hiểm. Hiện nay, tỷ lệ cả nước là 112,3 và xu hướng còn lên 115 đến năm 2020. Cả nước đã mất cân bằng, nhưng trong một số địa phương lại rất mất cân bằng. Hưng Yên, Hải Dương lại có tỷ lệ mất cân bằng cao nhất cả nước. Vừa rồi đã có tiến bộ nhưng rất mong các tỉnh lưu ý việc này. Thứ ba là tỷ suất chết của trẻ dưới 5 tuổi không đồng đều, vùng miền núi còn chết nhiều. Thứ tư là việc hỗ trợ để chăm sóc người cao tuổi cũng không đồng đều, chỉ ở các thành phố có điều kiện, còn ở vùng núi thì điều kiện chăm sóc người cao tuổi còn rất hạn chế.

Bài học về dân số và phát triển

 

“Trong công tác dân số, ngành Y tế cùng với ngành Giáo dục khi dạy giáo dục công dân từ phổ thông, phải dạy về hạnh phúc gia đình, mỗi người cần phải có gia đình, có con. Từ trước đến nay chúng ta dạy làm công dân tốt chứ chưa chú ý dạy làm bố mẹ tốt, bố mẹ tốt là phải biết sinh đẻ vì lợi ích của gia đình, của đất nước. Phải giáo dục ngay từ bậc học phổ thông là muốn đất nước phát triển bền vững thì dân số phải phát triển bền vững”.

{…} Chúng ta làm chính sách dân số mới, cần lưu ý những bài học kinh nghiệm kể cả kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm không thành công của các nước trên thế giới như của Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Nếu những chính sách về dân số không hợp lý, không kịp thời thì việc đảo ngược lại sẽ rất khó. Ví dụ Trung Quốc áp dụng chính sách một con và lại mất cân bằng giới tính khi sinh nên dự báo sẽ “dư thừa” khoảng trên 60 triệu đàn ông không thể lấy được vợ vì không có phụ nữ. Được đẻ một con thì họ chỉ muốn đẻ con trai. Cơ cấu dân số của Trung Quốc 20 năm tới sẽ rất khó khăn vì lực lượng lao động trẻ rất thiếu mà người già thì lại tăng thêm một cách nhanh chóng.

Vậy những quốc gia nào có nguồn nhân lực dồi dào, có đào tạo tốt là một lợi thế, chẳng những làm việc ở nước của mình mà còn có thể đưa lao động mình sang làm việc ở nước khác. Duy trì đội ngũ lao động ở một quy mô nhất định là một lợi thế trong toàn cầu hóa. Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam vì mình có nguồn nhân lực tốt mà rẻ. Hiện nay người lao động của chúng ta có bình quân tiền lương 1 tháng bằng 1/10 các nước phát triển trung bình hoặc phát triển. Công ty Samsung của Hàn Quốc ở Bắc Ninh hiện nay có 38.000 lao động, xuất khẩu 150 triệu điện thoại di động giá trị 16 tỷ USD. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng doanh số xuất khẩu của riêng Công ty Samsung này bằng doanh số xuất khẩu toàn bộ ngành nông nghiệp của nước chúng ta, không kể các ngành chế biến gỗ. Như vậy một nước tuy còn nghèo nhưng có nguồn nhân lực tốt, có đào tạo, hạ tầng đáp ứng, môi trường chính trị ổn định thì nước giàu sẽ mang vốn, công nghệ đến. Đây là lợi thế của nước ta. Mình làm dân số, thật ra cũng là làm kinh tế nên bài học này rất quan trọng.

Bài học thứ hai, người Việt Nam chúng ta có truyền thống con cái chăm lo, chăm sóc cho cha mẹ cho nên có con là một điều hạnh phúc cho tương lai. Nhiều nước công nghiệp hóa, họ có tập quán là người già đi vào viện dưỡng lão, con không chăm cha mẹ, không ở với cha mẹ. Chúng ta còn truyền thống này là rất tốt, cần phát huy, không để mất. Trong công tác dân số, ngành Y tế cùng với ngành Giáo dục khi dạy giáo dục công dân từ phổ thông, phải dạy về hạnh phúc gia đình, mỗi người cần phải có gia đình, có con. Từ trước đến nay chúng ta dạy làm công dân tốt chứ chưa chú ý dạy làm bố mẹ tốt, bố mẹ tốt là phải biết sinh đẻ vì lợi ích của gia đình, của đất nước. Phải giáo dục ngay từ bậc học phổ thông là muốn đất nước phát triển bền vững thì dân số phải phát triển bền vững.

Về quản lý, các đồng chí thiết kế các chương trình, chính sách về dân số để cố gắng duy trì cơ cấu “dân số vàng” đến năm 2061, tức là 50 năm kể từ 2011, tức là đầu nhiệm kỳ của Đại hội Đảng XI, để 50 năm nữa hình thành tập quán, thói quen không cần chính sách, mỗi gia đình cũng đẻ 2 con. Phải tính đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, càng ngày sống càng lâu hơn thì phải đi làm mới vui, nếu sống lâu hơn mà thời gian làm việc ngắn thì vừa lãng phí, lại vừa ít người đi làm nuôi người không đi làm. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ Nghị định điều chỉnh tuổi về hưu để phát huy được lợi thế này.

Tiếp đến là phải xây dựng một hệ thống chính sách để mỗi gia đình có hai con là những gia đình hạnh phúc nhất, có lợi nhất. Mọi chính sách hướng tới chỗ có con không bị thiệt, mà có con là có lợi, đặc biệt có hai con là có lợi nhất.

Nếu môi trường cạnh tranh việc làm của một quốc gia cao thì nghỉ đẻ sẽ dẫn đến nguy cơ mất việc làm. Vậy chúng ta phải sửa Luật Lao động để khi nghỉ đẻ vẫn đảm bảo quyền không thể mất việc  làm. Muốn duy trì sức khỏe cho mẹ con tốt thì phải đi sàng lọc trước khi sinh, sau khi sinh, cần giảm nửa chi phí để làm việc đó. Phải có chính sách để trẻ con gửi đi mẫu giáo không bị thiệt, đỡ bị khó khăn. Hiện nay mới tập trung phổ cập mầm non 5 tuổi, sau này Chính phủ, Quốc hội sẽ bàn phổ cập tiếp độ tuổi ít hơn và có hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay ít chỗ chơi, như vậy phải tăng cường những khu vui chơi giải trí cho cả người lớn và trẻ con thì mới khuyến khích gia đình hạnh phúc.

Làm thế nào để có con là không bị thiệt, có con là có lợi vì điều đó có lợi cho đất nước. Chi phí để hỗ trợ trẻ con đi học về lâu dài ít hơn rất nhiều so với thiệt hại nếu không có trẻ con. Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phải có nội dung gia đình hai con hạnh phúc, để trở thành phong tục tập quán, có khen thưởng.

Sắp tới chúng ta sẽ xây dựng Luật Dân số, tôi đề nghị các đồng chí, trên cơ sở bài học của 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số và hơn 50 năm thực hiện Chính sách Dân số của Việt Nam, tiếp thu các bài học kinh nghiệm của quốc tế, những thành công và không thành công về công tác dân số, trên cơ sở thực tiễn phát triển về kinh tế – xã hội của đất nước, những dự báo về môi trường, về văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen của người dân cũng như những thành tựu về khoa học công nghệ,… chúng ta làm thế nào để khi nói đến công tác dân số, nói đến gia đình hạnh phúc, đất nước phát triển bền vững là nói đến lợi thế quốc gia về nhân lực cho 50 năm tới.

Một lần nữa tôi thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi cám ơn lãnh đạo các Bộ ngành, các địa phương, đặc biệt là các đồng chí làm công tác DS-KHHGĐ đã có những đóng góp rất quan trọng trong 10 năm qua để chúng ta có 5 thành tựu nổi bật, làm tiền đề để tiến bước xa hơn. Tôi cũng cám ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã giúp Việt Nam trong công tác dân số. Chúng ta rất mong, không chỉ ngành Y tế mà ngành Văn hóa, Giáo dục, Truyền thông, các Bộ, ngành khác cùng vào cuộc thì công tác dân số mới thành công, thực hiện yêu cầu toàn dân, toàn hệ thống chính trị làm công tác dân số và xây dựng gia đình hạnh phúc.