Ứng phó với thách thức già hóa dân số: Phát huy sức mạnh người cao tuổi

0
143

GiadinhNet – Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử.

 

Ứng phó với thách thức già hóa dân số: Phát huy sức mạnh người cao tuổi  1

Để ứng phó với một xã hội già hóa dân số, đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho NCT cần có sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng. Ảnh: H. Quang.

 Số người cao tuổi tăng nhanh đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Để già hóa không phải là gánh nặng mà thực sự là thành tựu, đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng có những chính sách phù hợp để ứng phó và đón nhận già hóa một cách chủ động nhất.

Cần sớm có chính sách, chiến lược thực tế

Theo TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, “già hóa dân số” hay nói cách khác tuổi thọ người dân được tăng cao phản ánh những thành tựu to lớn của phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, người lao động cao tuổi khỏe mạnh cũng là nguồn nhân lực quý giá, nếu được hỗ trợ một cách phù hợp có thể tiếp tục có những đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong vấn đề “già hoá dân số” bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm. Những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi (NCT) là bệnh về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh, tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế – lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT.

Theo kết quả Điều tra Quốc gia về NCT Việt Nam, chỉ có 4,8% NCT có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị. Trong khi đó, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với NCT. Ngày càng có nhiều NCT sống góa vợ (chồng), số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của NCT còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 35,6% NCT ở thành phố và 21,9% NCT ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước. Có tới 70 – 80% NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái.

Đây là những thách thức to lớn, đòi hỏi cần sớm có những chính sách, chiến lược thực tế và phù hợp khi Việt Nam đang ở giai đoạn then chốt của một thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học.

Chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng

 

Mặc dù, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT như: Chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội,… nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội này mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận nhỏ của NCT. Để ứng phó với một xã hội già hóa dân số, đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho NCT cần có sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng.

Việt Nam luôn nhấn mạnh việc chăm sóc NCT là một chính sách quan trọng trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ khi Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946, vấn đề NCT đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách và các chương trình kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Một số mô hình chăm sóc NCT hiện nay bước đầu đã giải quyết được những vấn đề của xã hội. Các mô hình này ít nhiều đã giúp NCT có được cuộc sống thanh thản và nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã già hoá dân số với tốc độ rất nhanh thì các mô hình chăm sóc NCT vẫn là vấn đề cần xem xét. Nhà nước cũng nên ban hành những quy định chung và tạo điều kiện thuận lợi cho những mô hình này hoạt động.

Theo TS Dương Quốc Trọng: Để giữ vững, ổn định quy mô dân số, thích ứng với “già hoá dân số” cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò NCT", tăng ngân sách cho Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Điều đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp với các chuyển đổi về cơ cấu dân số nước ta; góp phần phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số.

Việt Nam khó có đủ điều kiện áp dụng mô hình chăm sóc NCT như ở các nước phát triển (Trung tâm ban ngày, cơ sở chăm sóc và phụng dưỡng người già tập trung) vì hạn chế về thu nhập và tỷ lệ người tham gia BHYT quá thấp (30% ở đô thị và 15% ở nông thôn). Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc áp dụng mô hình chăm sóc sức khoẻ NCT tại cộng đồng là phù hợp với phương châm xã hội hoá như: Y tế dự phòng, chi phí thấp, phục vụ cho đa số NCT, có thể ở cả vùng nông thôn.

“Già hóa chủ động”

Tuổi thọ là ước mong lớn của con người, do đó già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, của sự phát triển kinh tế – xã hội, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe người dân, công tác DS-KHHGĐ.

Làm thế nào để già hóa là thành tựu đúng nghĩa, chứ không phải là gánh nặng? Các chuyên gia cho rằng, cần có nhiều giải pháp, trong đó phải có sự trợ giúp của Nhà nước thì mới giải quyết được. Do đó, việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho y tế, giáo dục, sự tham gia và công việc ổn định cho thanh niên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ NCT trong tương lai.

“Nếu bạn đang là người trẻ thì hãy chủ động chuẩn bị cho giai đoạn "già" của mình bằng cách lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già còn nếu như đã già rồi thì lúc này không còn gọi là "già hoá chủ động" được nữa. Tuy nhiên, vẫn có thể chủ động phát huy những khả năng, vai trò cống hiến cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản thân mình”, TS. Dương Quốc Trọng nhấn mạnh.

 

Vai trò quan trọng đối với gia đình và cộng đồng

Từ xưa đến nay, NCT nước ta luôn có một vai trò rất quan trọng trong đời sống của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Đó là trọng trách trong việc truyền lại những kinh nghiệm, những giá trị truyền thống, các quy tắc xã hội và các nghi lễ cũng như các hoạt động xã hội…

Trong cuộc sống gia đình, truyền thống “kính già” luôn được duy trì, NCT luôn có vị trí cao trong gia đình. Trong đời sống cộng đồng, NCT và Hội NCT đã tích cực tham gia cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư và coi đây là một chương trình quan trọng của mình. Sự đóng góp công sức và những việc làm thiết thực của NCT cho cộng đồng dân cư góp phần tạo dựng được cuộc sống tình nghĩa đậm đà thôn xóm.

Hà Anh