Thế kỷ 21 và xã hội già hóa: Thách thức, động lực mới cho sự phát triển

0
195

GiadinhNet – Hiện trung bình cứ 9 người trên trái đất có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự tính đến năm 2050, cứ 5 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi. Nhiều quốc gia rất quan tâm và đang tìm biện pháp để biến những thách thức của vấn đề già hóa dân số trở thành cơ hội và động lực của sự phát triển.

 

Thế kỷ 21 và xã hội già hóa: Thách thức, động lực mới cho sự phát triển 1

Dự báo, tại Việt Nam, người trên 60 tuổi sẽ vượt quá người dưới 14 tuổi vào năm 2032.  Ảnh: H.Quang

Thành tựu vĩ đại nhất của loài người

Mức sinh giảm, tuổi thọ tăng là hai yếu tố dẫn đến già hoá dân số. Con người sống lâu hơn trong khi tỷ lệ sinh đã giảm ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, người từ 65 tuổi trở lên sẽ đông hơn số trẻ em dưới 5 tuổi trong vòng 5 năm tới; cho tới năm 2050 người cao tuổi (NCT) sẽ đông hơn số trẻ em dưới 14 tuổi.

“Già hóa dân số là một thành tựu của quá trình phát triển. Nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người” – Báo cáo mới đây của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khẳng định. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế.

Tuổi thọ trung bình của thế giới đang tăng lên đáng kể. Theo dự báo, giai đoạn 2010 – 2015, tuổi thọ trung bình của các nước phát triển sẽ là 78 tuổi và các nước đang phát triển là 68 tuổi. Đến giai đoạn 2045 – 2050, tuổi thọ trung bình sẽ tăng lên đến 83 tuổi ở các nước phát triển và 74 tuổi ở các nước đang phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự lão hóa nhanh chóng của dân số thế giới không có tiền lệ. Các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình – ngôi nhà của 3/4 dân số thế giới – sắp tới sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ. Vào năm 2050, tỷ lệ dân số thế giới từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên 22%, trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 11% vào năm 2000. Hiện nay, trên thế giới có tới 33 quốc gia đạt được tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi; trong khi đó 5 năm trước đây, chỉ có 19 quốc gia đạt con số này. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới có trên 30% dân số ở nhóm tuổi trên 65 và là quốc gia “siêu già” nhưng đến năm 2050, dự báo sẽ có tới 64 nước “siêu già” như vậy trên thế giới.

Những thách thức không nhỏ

“Tác động về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hoá dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân NCT và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”- Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu.

Trên toàn thế giới, chỉ có 1/3 các quốc gia (chiếm 28% tổng dân số thế giới) có hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện bao phủ tất cả các khía cạnh của an sinh xã hội. Chi phí quỹ hưu trí toàn dân cho người 60 tuổi trở lên ở các nước đang phát triển chỉ chiếm từ 0,7% đến 2,6% tổng thu nhập quốc dân. Với xu hướng bệnh tật chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và mãn tính, dẫn tới chi phí chăm sóc cao, NCT sẽ lại càng khó khăn hơn khi họ là nhóm dân số tăng nhanh nhất và cũng là nghèo nhất.

Cuộc sống của NCT cũng đang thay đổi song song với những thay đổi của xã hội. Quy mô gia đình ngày càng giảm và các mạng lưới hỗ trợ liên thế hệ sẽ tiếp tục có những bước thay đổi đáng kể, nhất là trong những năm tới đây. Một số lượng lớn các hộ gia đình “khuyết thế hệ” bao gồm trẻ em và NCT, đặc biệt là ở các vùng nông thôn do kết quả của di cư từ nông thôn ra thành thị của nhóm “thế hệ giữa”. Các buổi tọa đàm với NCT khắp thế giới cho thấy có rất nhiều trường hợp NCT hỗ trợ cho con cháu họ, không chỉ chăm sóc trẻ nhỏ và làm việc nhà mà còn đóng góp đáng kể vào kinh tế gia đình.

UNFPA và Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế đã công bố báo cáo “Già hoá dân số trong thế kỷ 21- Thành tựu và thách thức”. Báo cáo nhấn mạnh “già hoá dân số tạo nên những thách thức cho các chính phủ và xã hội nhưng không nên coi già hoá dân số như một cuộc khủng hoảng” và đưa ra 10 khuyến nghị đối với các chính phủ, hiệp hội. Trong đó, nhấn mạnh già hoá dân số là tính tất yếu và sự cần thiết phải thực hiện “già hoá chủ động”, đảm bảo nhu cầu của NCT được tính đến trong tất cả các chương trình và chính sách phát triển cấp quốc gia.

Tuổi thọ cao không phải là trở ngại   

 

Ngày 14/12/1990, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế NCT nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến NCT. Đây cũng là một ngày để đánh giá cao những đóng góp mà những NCT đã làm cho xã hội, trở thành tâm điểm Chương trình về NCT của Liên Hợp Quốc và các tổ chức bảo vệ NCT.

“Tuổi thọ cao là thành tựu của nền y tế công cộng, chứ không phải là trở ngại về xã hội hay kinh tế” – Đó là thông điệp mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã gửi đến toàn thế giới.

Ông cũng cho rằng, thế giới bắt đầu định hướng chương trình phát triển Liên Hợp Quốc sau thời điểm năm 2015, cho nên chúng ta phải hình dung được một mô hình mới để có thể cân bằng giữa già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội cũng như bảo vệ quyền của NCT. “Tất cả chúng ta – mỗi cá nhân và tập thể, có trách nhiệm đưa nhóm dân số cao tuổi vào xã hội bằng việc xây dựng hệ thống giao thông và cộng đồng thân thiện với NCT, đảm bảo chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội phù hợp với NCT”, ông Ban Ki-moon nói.

Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương – nơi dân số cũng như số NCT đang chiếm trên 60% thế giới – cũng cho rằng chúng ta nên vui mừng vì tuổi thọ con người ngày càng tăng cao và cần chuẩn bị sẵn sàng hệ thống y tế và xã hội cho sự biến đổi nhân khẩu học sắp tới. “Nếu chúng ta không chuẩn bị, chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi sự gia tăng số lượng người tàn tật và người cần có sự chăm sóc như người mắc bệnh đột quỵ, đái tháo đường và ung thư”, TS Shin cảnh báo. Theo ông, để tuổi cao không phải là gánh nặng sẽ phụ thuộc phần nhiều vào cách chúng ta ứng xử với tuổi tác. Bằng cách ăn uống hợp lý, chăm vận động thể lực, không hút thuốc và tránh tác động có hại của rượu bia, chúng ta có thể sống thọ và sống khỏe. “Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận tuổi già không phải như một thời kỳ giảm sút sức khỏe không thể tránh khỏi mà phải như là một cuộc sống năng động, ý nghĩa và hữu ích. Chúng ta cần ghi nhận những đóng góp của NCT và chung tay góp sức cho cuộc sống tuổi già khỏe mạnh, vui vẻ, có ích”, TS Shin nói.

Tại Việt Nam, dân số toàn quốc sẽ tiếp tục gia tăng cho tới năm 2050, theo dự báo lên tới 111 triệu người. Trong đó, số lượng dân số già với những người trên 60 tuổi sẽ vượt quá số lượng trẻ dưới 14 tuổi vào năm 2032. Điều đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp với các chuyển đổi về cơ cấu dân số nước ta; góp phần phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số.

 

Liên Hợp Quốc đã dự báo, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ già hóa. Già hoá dân số đang diễn ra trên tất cả các khu vực và các quốc gia với các tốc độ khác nhau, trong đó, tốc độ gia tăng nhanh nhất là ở các nước đang phát triển. Hiện nay, trên thế giới có 7 trong số 15 nước có hơn 10 triệu người già là các nước đang phát triển. Nếu năm 1950, toàn thế giới mới có 205 triệu người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2012, con số này đã tăng lên đến gần 810 triệu người. Dự báo con số này sẽ đạt 1 tỷ người trong vòng 10 năm nữa và đến năm 2050 sẽ tăng lên 2 tỷ người.

Kỳ Anh