“Ít nhất phải có Chương trình Mục tiêu quốc gia về Y tế”

0
168

GiadinhNet – Đó là ý kiến khẳng định của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Hội thảo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) thuộc lĩnh vực y tế trong tình hình mới do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức tối 28/10.

Tại hội thảo, một số đại biểu Quốc hội đã băn khoăn về tính thiết thực, hiệu quả của các chương trình MTQG và có nên tiếp tục chương trình MTQG hay chuyển về chi thường xuyên… TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã lấy chương trình MTQG Dân số – KHHGĐ để minh họa thêm trong phần lý giải này của mình. 
 
Nếu cắt chương trình MTQG, mọi thành quả trước đây sẽ bị “đổ bể”

Có thể nói trong suốt thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ tập trung vào mục tiêu duy nhất là giảm sinh. Từ năm 1989, các nhà khoa học đã dự báo: đến năm 2010, dân số Việt Nam là 105 triệu người; đến năm 2013 là 110,8 triệu người. Trên thực tế, theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, ngày 1/11/2013 tới đây, dân số Việt Nam tròn 90 triệu. Trước đó, năm 1989, các nhà khoa học dự báo Việt Nam đã đạt 90 triệu từ năm 2002. Như vậy, Việt Nam đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp.
 
“Ít nhất phải có Chương trình Mục tiêu quốc gia về Y tế” 1
TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHDGĐ(Bộ Y tế): Ngành Dân số luôn coi nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu ưu tiên nhất trong thực hiện Chiến lược Dân số và SKSS cũng như chương trình MTQG Dân số – KHHGĐ
 
Một minh chứng khác, cũng vào năm 1989, dân số Việt Nam hơn dân số Philippines 6 triệu người. Hiện nay, dân số nước này hơn Việt Nam 14 triệu người. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là Việt Nam có chương trình MTQG về Dân số. Giai đoạn 1989- 1999, mỗi năm Việt Nam tăng trung bình 1,2 triệu người. Giai đoạn 1999-2009, dù dân số tăng, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tăng, nhưng dân số Việt Nam giai đoạn này mỗi năm chỉ tăng 952.000 người. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm dân số Việt Nam tăng không quá 900.000 người. Đây là minh chứng cho việc chương trình MTQG rất hiệu quả.
 
Vậy có nên tiếp tục chương trình MTQG hay không hay chuyển về chi thường xuyên? TS Trọng khẳng định: Bản chất chương trình MTQG theo đúng tên gọi của nó, như lời của GS Mai Kỷ – một trong những người đầu tiên đề xuất chương trình MTQG thì: Đây là “cây chương trình MTQG”: đề ra mục tiêu nào thì có chỉ tiêu kèm theo, chỉ tiêu nào thì phải có giải pháp, giải pháp nào thì phải có kinh phí, phải có đầu ra, có đầu ra mới có tiền. Đó là bản chất của Chương trình MTQG. Quản lý chương trình MTQG khác hoàn toàn với quản lý chi thường xuyên. 
 
Trả lời cho câu hỏi có nên tiếp tục Chương trình MTQG Dân số – KHHGĐ hay không, TS Trọng khẳng định: Chương trình MTQG đã góp một phần rất quan trọng trong công tác Dân số trong thời gian qua. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cách đây 50 năm (1961) là 6,4 con, đến nay là 2,05 con. Tôi cho rằng đây là một thành tựu ngoạn mục của Việt Nam, trong khi đó, thế giới giảm từ 5 con xuống còn 2,5 con.
 
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý để đảm bảo một cơ cấu dân số hợp lý trong tương lai. Công tác Dân số hiện có những thách thức rất lớn về mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, chất lượng dân số còn thấp… Nếu trong thời gian tới không đầu tư mạnh cho chương trình MTQG thì có thể nói, chúng ta sẽ lỡ nhịp, những thành quả trước đây sẽ đổ bể. 
 
Một bài học nhỡn tiền khi nhìn ra khu vực Đông Nam Á, đó là Indonesia, trước đây, chúng ta sang học hỏi họ về chương trình Dân số của họ. Nhưng sau đó, họ chủ quan khi đã cắt giảm nguồn lực đầu tư, giải thể bổ máy, chuyển đầu tư kinh phí từ nhà nước về địa phương. Đến nay, họ phải sang Việt Nam để học hỏi trở lại bài học kinh nghiệm của Việt Nam, nhất là về chương trình MTQG.
 
Luôn ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng dân số
 
“Ít nhất phải có Chương trình Mục tiêu quốc gia về Y tế” 2
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Phải có ít nhất một chương trình MTQG về y tế.

Từ một góc độ khác, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đặt vấn đề: “Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn tới (sau 2015), chúng ta sẽ cắt giảm các chương trình MTQG xuống còn vài ba chương trình (trong đó có các chương trình như giảm nghèo, nông thôn mới hay môi trường…). Theo quan điểm của tôi, ít nhất phải có chương trình MTQG về Y tế” – ông Hùng nói. 
 
Về chương trình MTQG về Dân số – KHHGĐ, theo ông Hùng, “Dân số không chỉ quan tâm đến vấn đề sinh, tỷ lệ sinh, mà còn cần quan tâm đến vấn đề chất lượng dân số, phải quan tâm ngay đến giai đoạn đầu đời của trẻ. Đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nói thêm quan điểm của ngành Dân số về vấn đề này?”. 
 
Trả lời câu hỏi này, TS Dương Quốc Trọng cho biết: Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có 5 nội dung ưu tiên trong thời gian tới, nội dung ưu tiên số một chính là tập trung nâng cao chất lượng dân số; (2) Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, (3) Tận dụng cơ cấu dân số “vàng”; (4) Chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số; (5) Kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh. Tập trung nâng cao chất lượng dân số cũng là nội dung ưu tiên trong thực hiện chương trình MTQG Dân số – KHHGĐ giai đoạn 2011-2015.
 
Ngành Dân số hiện đã và đang thực hiện một số đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số như: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân (dự phòng cấp 1); Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh (dự phòng cấp 2); Sàng lọc, chẩn đoán sơ sinh (dự phòng cấp 3). 
 
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đã tiến hành mô hình Nâng cao chất lượng dân số một số đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. “Chúng ta thường nói đến việc suy giảm dân số tại một số dân tộc ít người, nhưng khi chúng tôi kiểm tra qua các kỳ điều tra dân số cũng như thực tế khi đến các vùng này thì thấy không có một dân tộc nào suy giảm về số lượng nhưng chất lượng sống, chất lượng giống nòi tại các vùng đồng bào này thì rõ ràng là đang giảm xuống” – TS Trọng chia sẻ. 
 
Ngoài ra, tại một số dân tộc thiểu số, đặc biệt đồng bào dân tộc Mường (ở Hòa Bình, Điện Biên) và một số dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ mang gene bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) lên tới 50%, thậm chí có vùng đến 60%. Chúng tôi đã triển khi đề án can thiệp làm giảm thiểu mắc bệnh Thalassemia. Chúng tôi khẳng định rằng khi đã mắc bệnh này thì bệnh nhân không thể sống đến tuổi trưởng thành. Trong khi đó, nếu chúng ta can thiệp sớm cho những người có nguy cơ cao mang gene bệnh ngay từ lúc trước khi kết hôn, chúng ta có những tư vấn thỏa đáng cho họ, cùng với những can thiệp dự phòng cấp 2, cấp 3, chúng ta sẽ tránh được tỷ lệ người mắc bệnh này, giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
 
Như vậy, trong thời gian tới, ngành Dân số luôn coi nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu ưu tiên nhất trong thực hiện Chiến lược Dân số và SKSS cũng như chương trình MTQG Dân số – KHHGĐ.
 
 
Võ Thu