Cơ hội, thách thức khi dân số Việt Nam đạt 90 triệu người: Việt Nam đã là cường quốc dân số

0
436

GiadinhNet – Tháng 11 năm nay, dân số Việt Nam đạt đến 90 triệu người. Nhân dịp này, PV Báo GĐ&XH có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Đình Cử – Giảng viên cao cấp của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về những thời cơ và thách thức của dân số Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam đã là cường quốc dân số 1

 

Đạt con số 90 triệu, Việt Nam đã là “cường quốc dân số” xét theo cả về quy mô và thứ bậc. Ảnh minh họa

 
Nhiều thuận lợi cho sự phát triển

Thưa Giáo sư, chỉ còn mấy ngày nữa là dân số nước ta cán mốc 90 triệu người. Xin Giáo sư cho bình luận ngắn về sự kiện này?

– 90 triệu người là một con số ấn tượng! Việt Nam nhiều năm nay đã vượt lên, lọt vào nhóm 13 nước đông dân nhất trên thế giới. Vì vậy, có thể nói nước ta đã là “cường quốc dân số”, xét theo cả về quy mô và thứ bậc. 
Cũng cần nói thêm rằng, khoảng nửa thế kỷ qua, dân số nước Pháp chỉ tăng khoảng 1,5 lần, dân số thế giới tăng 2,3 lần, còn Việt Nam, mặc dù chiến tranh ác liệt, bão lũ liên miên, đời sống khó khăn, số con trung bình của người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm do làm tốt công tác KHHGĐ, dân số vẫn tăng lên gấp 3 lần! Điều này chứng tỏ sức sống mãnh liệt và khả năng phát triển giống nòi bền vững của dân tộc ta.
Xin ông cho biết, với quy mô dân số đạt 90 triệu người, sẽ mang lại cơ hội gì cho sự phát triển của nước ta?
 
– Với 90 triệu dân, trước hết chúng ta có thể thấy ngay rằng, Việt Nam là một thị trường lớn. Ngày nay, ai có sản phẩm hay dịch vụ gì, chỉ cần cung cấp được cho 1% dân số Việt Nam thì người đó đã có thể trở thành triệu phú đô la! Dân số đông, lao động dồi dào cũng là một lý do hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Đông dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội. Chúng ta có đủ lực lượng lao động để thúc đẩy cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mặt khác, giờ đây, mỗi người Việt Nam chỉ cần đóng góp một khoản tiền nhỏ, xã hội đã có một khoản tiền lớn để tập trung giải quyết một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, mỗi người chỉ góp 1.000 đồng, cả nước đã có hàng chục tỷ đồng, góp 2.000, cả nước có tới trăm tỷ, còn nếu đóng góp 12.000 đồng thì đã có trên nghìn tỷ đồng… Đây đúng là thời kỳ “tích tiểu thành đại”. 
Chúng ta lại mới bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, tức là thời kỳ  cứ 2 người lao động mới có 1 người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người từ 65 tuổi trở lên). Cách đây 30 năm thì gần như cứ 1 lao động có 1 người phụ thuộc. So sánh như thế để thấy “gánh nặng phụ thuộc” của Việt Nam đã giảm hẳn một nửa. Điều này tạo thuận lợi cho tiết kiệm và đầu tư. Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” dự báo kéo dài 30 – 35 năm nữa tạo ra nhiều thuận lợi cho phát triển.
 
Thách thức lớn hơn cơ hội

Bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, theo Giáo sư, với quy mô dân số 90 triệu người sẽ có những thách thức gì cho sự phát triển của Việt Nam?

– Có thể nói, 90 triệu dân tạo nên sức ép rất lớn cho sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường.
Trước hết là vấn đề việc làm. Dân số đông, lại trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nên số lao động rất lớn. Giải quyết đủ việc làm, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho hàng chục triệu lao động trong hoàn cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt đang là những thách thức lớn nhất hiện nay.
Thất nghiệp, thiếu việc làm, làm việc với năng suất thấp không những cản trở phát triển mà còn tác động xấu đến an ninh, trật tự xã hội. Hiện nay, vợ chồng ít con, gia đình nhỏ nên thường đòi hỏi những dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông… có chất lượng cao hơn. Khi dân số đông, “cung” hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao đang không theo kịp “cầu” dễ gây ra những căng thẳng xã hội.
Vấn đề đặc biệt quan trọng là tác động của 90 triệu dân đến tài nguyên, môi trường Việt Nam. Nhiều nước có dân số lớn hơn nước ta nhưng lại có diện tích lãnh thổ rộng hơn nhiều lần. Vì vậy, mật độ dân số của họ thấp hoặc rất thấp. Chẳng hạn, mật độ dân số của Nga chỉ có 8 người/km2, Mỹ: 33 người/km2, ngay Trung Quốc cũng chỉ có gần 140 người/km2, còn Việt Nam lên đến 272 người/km2!
Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao làm cho đất đai trở thành tài nguyên quý hiếm, giá cả đắt đỏ cản trở sự phát triển của đất nước, khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Những hiện tượng chậm giải phóng mặt bằng, khó tìm đất tái định cư, tranh chấp, tranh giành, đầu cơ đất đai diễn ra phổ biến khắp nơi. Dân số đông, lại tập trung cao ở vùng đồng bằng đã tạo ra dòng di cư lớn, là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt tài nguyên rừng và quá tải cơ sở kỹ thuật, ô nhiễm môi trường đô thị.
 
Giữa thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức của vấn đề vừa nêu; nếu chỉ nói một câu để khái quát lại, ông sẽ nói gì?
 
– Tôi thấy thách thức lớn hơn cơ hội, thuận lợi ít hơn khó khăn!
 
Trân trọng cảm ơn Giáo sư về những trao đổi này!
 
Cơ hội vàng cho nâng cao chất lượng dân số
“Đông dân nhưng tỷ lệ trẻ em của nước ta giảm mạnh đưa đến tình trạng “nhiều lao động hơn để nuôi dạy số trẻ em ít hơn”, tạo ra cơ hội vàng cho nâng cao chất lượng dân số. Chẳng hạn, nếu tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bây giờ mà cao như năm 1979 thì hiện nay chúng ta có tới hơn 36 triệu trẻ em! Trên thực tế thì chúng ta chỉ có khoảng 21 triệu! Đối với mỗi gia đình, thay vì có 4-5 con như trước đây, đã phổ biến mô hình 2 con.
Sự biến chuyển lớn lao này mở ra cơ hội to lớn cả trên tầm vĩ mô (toàn quốc) cho tới mỗi gia đình (tầm vi mô) chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt hơn. Thực tế thì tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ giảm nhanh, tỷ lệ nhập học và số năm đi học cả trẻ trai và trẻ em gái ngày càng lớn. Kết quả này góp phần nâng cao chất lượng dân số. Chất lượng dân số, chất lượng lao động sẽ ngày càng trở thành nhân tố quyết định phát triển của nước ta”.   
 
GS.TS Nguyễn Đình Cử

Hà Thư (Thực hiện)