Tổ chức bộ máy ngành DS-KHHGĐ: Cần một mô hình hoạt động ổn định

0
156

GiadinhNet – Trong 2 ngày (19-20/5), tại tỉnh Quảng Bình, Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp cùng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tổ chức Hội nghị các chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ.
Tại Hội nghị, đại biểu 63 tỉnh, thành trong cả nước đã được nghe báo cáo về tình hình thực hiện mô hình tổ chức công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện, xã; tập huấn về công tác lập kế hoạch, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, quản lý sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Tổ chức bộ máy ngành DS-KHHGĐ: Cần một mô hình hoạt động ổn định 1

 
Vướng mắc tại cấp xã
Mô hình tổ chức công tác DS-KHHGĐ theo Thông tư 05/2008/TT-BYT phát huy được hiệu quả hoạt động từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Tuy nhiên, ở tuyến xã lại có một số vướng mắc, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo đa số ý kiến của các đại biểu, vướng mắc chủ yếu là mối quan hệ công tác giữa các đơn vị thuộc ngành Y tế, sự phối kết hợp khi triển khai nhiệm vụ được giao hoặc các đợt ra quân Chiến dịch chăm sóc SKSS tại địa phương. Khi thực hiện mô hình mới, khó khăn nhất của cán bộ dân số cấp xã là họ không nhận được nhiều quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy- UBND xã, không được hoạt động độc lập mà phụ thuộc vào trạm y tế xã nên không chủ động trong công việc.
Cán bộ dân số xã đến từ tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Nhiều lúc công việc (đặc biệt là vào mùa cao điểm Chiến dịch) của đội ngũ cán bộ dân số đang “ngập đầu ngập cổ” thế nhưng bên trạm y tế có các chương trình khác thì vẫn phải dành đa số thời gian để tham gia cùng. Bên cạnh đó, trang thiết bị cấp cho cán bộ dân số để phục vụ cho công tác tuyên truyền vận động lại phụ thuộc vào trạm y tế dẫn đến việc báo cáo, làm mẫu theo dõi rất khó khăn. Công việc chính của cán bộ dân số là tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số, nhưng thời gian chủ yếu lại dành cho công tác y tế nên không thể làm tốt được!
 
Làm sao để đội ngũ cán bộ dân số cơ sở phát huy hết khả năng?

TS Dương Quốc Trọng-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Để vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương chính sách về dân số của Đảng, Nhà nước, điều quan trọng nhất là phải có một mô hình tổ chức phù hợp giúp đội ngũ cán bộ dân số phát huy được vai trò tại cơ sở, tạo cơ hội để họ vận dụng tối đa khả năng của mình khi tuyên truyền vận động người dân, “kéo” cả hệ thống chính trị từ trên xuống dưới chung tay làm công tác DS-KHHGĐ. Đây chính là điều mà ngành DS-KHHGĐ đang rất cần.

Tại buổi thảo luận mô hình tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ theo Thông tư 05/2008/TT-BYT, nhiều địa phương rất đồng tình với việc đưa cán bộ dân số cấp xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện để có thể phát huy tốt nhất năng lực, sở trường cho đội ngũ này.
Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tại cán bộ dân số của Quảng Bình vẫn trực thuộc trạm y tế xã và họ gặp khá nhiều khó khăn trong công việc. Mới đây UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý đưa Trung tâm DS-KHHGĐ huyện trực thuộc UBND huyện. Đây là một bước tiến phù hợp theo Thông tư 05 nhưng vướng mắc lớn nảy sinh chính là việc các cán bộ dân số xã nên thuộc trạm y tế hay là người của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện?

Theo ông Cường, việc đưa Trung tâm DS-KHHGĐ huyện về trực thuộc UBND huyện sẽ nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo huyện, phát huy tối đa việc vận động các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc cùng ngành Dân số. Còn các cán bộ chuyên trách xã sẽ không bị chi phối về thời gian, công việc sẽ hiệu quả hơn. “Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh đưa số cán bộ dân số xã trở thành viên chức do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện quản lý. Họ sẽ là những cán bộ được cử về “biệt phái” tại xã, hoạt động đúng chuyên môn của mình”, ông Cường cho hay. Đây cũng chính là mô hình có nhiều điểm ưu việt, giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Hiện đã có 15 tỉnh, thành phố trong cả nước  triển khai mô hình này.
Tại Hội nghị, Tổng cục DS-KHHGĐ đã thông báo kết quả lấy ý kiến thăm dò việc thực hiện mô hình tổ chức công tác DS-KHHGĐ của 63 Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã, 63 Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, 695 Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách văn xã, 2.488 Trạm trưởng Trạm Y tế xã và 2.497 cán bộ DS-KHHGĐ xã về mô hình tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện và tuyến xã.
Kết quả như sau: Có 8.843 ý kiến phản hồi, trong đó có 59,2% ý kiến mong muốn đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện. 29,1% ý kiến đề nghị Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, 11,6% ý kiến đề nghị sáp nhập vào các đơn vị y tế trên địa bàn huyện. 78,6% ý kiến mong muốn cán bộ DS-KHHGĐ xã do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện quản lý và làm việc tại UBND xã.
 
Những thuận lợi khi Trung tâm trực thuộc UBND huyện
 
– Có sự thống nhất sự chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong các hoạt động về dân số với sự phát triển kinh tế 4 xã hội của địa phương.
– Cả hệ thống chính trị đều có trách nhiệm trong công tác DS-KHHGĐ.
– Được tham mưu trực tiếp với UBND huyện trong việc thực hiện chính sách dân số.
– Là cơ quan của huyện nên có sự hướng dẫn, chỉ đạo UBND phường, xã thuận lợi hơn, thực hiện nhanh hơn, có sự hỗ trợ kinh phí thêm cho các đợt Chiến dịch… thuận lợi hơn.
 
Vĩnh Quý