Mô hình tổ chức ngành dân số tuyến huyện, xã: Vấn đề “nóng” cần nhanh chóng giải quyết

0
156

GiadinhNet – Ngày 26-27/5 vừa qua, Hội nghị các vấn đề về công tác DS-KHHGĐ đã được tổ chức tại Tây Ninh với sự tham gia của đại diện 30 tỉnh, thành. Hội nghị là dịp để các lãnh đạo ngành Y tế và Dân số các tuyến cùng tìm ra một mô hình bộ máy công tác dân số tuyến cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vấn đề “nóng” cần nhanh chóng giải quyết 1

Truyền thông kiến thức chăm sóc SKSS cho công nhân tại khu công nghiệp ở Đà Nẵng. ảnh: Dương Ngọc

 
Các bước thăm dò cẩn trọng
Thời gian qua, mô hình tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ tuyến huyện, xã luôn là vấn đề “nóng” tại hầu hết các địa phương cả nước.
Đầu năm 2013, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân khi làm việc tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tục nhận được các phản hồi từ cán bộ chuyên trách tuyến xã về sự hạn chế vai trò của mô hình hoạt động hiện tại. Thậm chí, các Chi cục DS-KHHGĐ còn làm hẳn một bảng thống kê trên địa bàn tỉnh nhà nhằm mô tả sự kém hiệu quả trong hoạt động của cán bộ chuyên trách bởi phải lo quá nhiều việc không thuộc lĩnh vực dân số.
Tổng cục DS-KHHGĐ đã từng thực hiện một cuộc thăm dò với các vị trí chủ chốt liên quan đến hoạt động dân số tại 63 địa phương nhằm tìm lời giải đúng hơn cho bài toán mô hình hoạt động tuyến huyện, xã. Kết quả cho thấy: Với tuyến huyện (mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện) có 59% ý kiến ủng hộ; Tuyến xã (cán bộ chuyên trách trực thuộc Trung tâm, làm việc tại UBND xã) có 78,6% ý kiến ủng hộ.
Trước sự bức thiết của các địa phương về vấn đề mô hình bộ máy tổ chức, Bộ Y tế đã yêu cầu Tổng cục DS-KHHGĐ, Vụ Tổ chức- cán bộ (Bộ Y tế) thực hiện thăm dò lần 2 với sự tăng cường vào cuộc của Viện Chiến lược- Chính sách Y tế. 
Ngày19-20/5, Hội nghị các chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ được tổ chức tại Quảng Bình (đại diện 33 tỉnh, thành tham dự); Tiếp đó vào ngày 26- 27/5, một Hội nghị với nội dung tương tự cũng đã được tổ chức tại Tây Ninh (với sự tham gia của đại diện 30 tỉnh, thành còn lại). Tại 2 hội nghị, vấn đề mô hình tổ chức bộ máy tuyến huyện, xã đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo, góp ý…
 
Cán bộ dân số quá tải  trong công việc
Thực tế tại các địa phương, mô hình tổ chức bộ máy hoạt động DS-KHHGĐ tuyến huyện, xã hiện tại khiến đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã nhiều nơi luôn trong tình trạng quá tải, phải “căng mình” xử lý công việc chuyên môn.
Trong chuyến công tác tại cơ sở thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khi Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân hỏi: “Anh/chị nào phải làm nhiều việc không thuộc lĩnh vực dân số, xin giơ tay!” thì trong 10 cán bộ chuyên trách có đến 9 người giơ tay. Hàng loạt cán bộ chuyên trách chia sẻ tâm tư: Họ hầu như không còn thời gian cho việc xuống cơ sở để tiếp cận người dân và lực lượng cộng tác viên. Cố gắng lắm mỗi cán bộ chuyên trách mới xuống cơ sở trung bình được 3-4 lần/1 tháng.
Tại Hội nghị tổ chức tại Tây Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ- TS Dương Quốc Trọng đã đề cập đến sự cấp thiết của việc nhanh chóng ổn định bộ máy hoạt động của ngành. Theo TS Dương Quốc Trọng: Hiện nay, hoạt động của ngành Dân số đa dạng hơn với hàng loạt phương thức thực hiện mới, đòi hỏi bộ máy tổ chức phải thông suốt, linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ, cộng tác viên cơ sở phát huy khả năng. Ngoài vấn đề mô hình tổ chức bộ máy tuyến huyện, xã, Hội nghị đã bàn thảo 2 chuyên đề khác gồm: Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, quản lý sàng lọc trước sinh, sơ sinh; Tập huấn công tác lập kế hoạch, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Dịp này, Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng đã lưu ý các đại biểu về sự đóng góp của ngành vào tiến trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, thông qua hoạt động sàng lọc để cho ra đời những công dân khỏe mạnh.
 
Những thuận lợi khi chuyển cán bộ DS-KHHGĐ về làm việc tại UBND xã
Có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND xã. Việc chỉ đạo sẽ sâu sát và thiết thực hơn.
Cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ dưới sự quản lý, chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện; sự phối hợp quản lý để chủ động triển khai công việc của UBND xã.
Có sự đầu tư hỗ trợ kinh phí của UBND xã trong các hoạt động vì đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Chuyên trách tại UBND xã sẽ tham mưu tốt, nhanh, không qua trung gian, huy động được các cấp, các ngành phối hợp đồng bộ; được cả hệ thống chính trị ở xã phối hợp thường xuyên, liên tục, kịp thời.
Có điều kiện tuyển dụng cán bộ có năng lực; quản lý sát cán bộ vì là người địa phương, phục vụ cho địa phương.
(Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của Viện Xã hội học Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia)