Hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ: Gia tài triệu đô được để lại

0
256

GiadinhNet – Đến năm 2014, các quận, huyện của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo thống kê và cơ sở dữ liệu điện tử (MIS P/FP). Đây được coi là sự tiếp nối kế thừa thành quả quan trọng về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu dân cư, đã được tiến hành từ cách đây gần 20 năm, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH từng năm, từng giai đoạn của đất nước.

Hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ: Gia tài triệu đô được để lại  1

Kho dữ liệu dân số điện tử đã góp phần đắc lực cho công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

 
Hiệu quả to lớn từ hệ thống đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư
TS Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho hay: Công tác thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ được bắt đầu từ Quyết định 138/UB-QĐ ngày 10/11/1993 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ. Việc thực hiện hệ thống trên cả gồm 4 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; huyện, quận và xã, phường. Hệ thống sổ ghi chép và báo cáo thống kê của cộng tác viên dân số là cơ sở ban đầu của hệ thống thông tin dân số.
Năm 1996, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ bắt đầu giai đoạn hợp tác với Trung tâm dữ liệu Hoàng gia Na Uy (SDS) để trao đổi hợp tác về lĩnh vực thông tin dữ liệu dân số. TS Nguyễn Quốc Anh kể: Theo yêu cầu của đoàn chuyên gia của Chính phủ Hoàng gia Na Uy, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã đưa đoàn chuyên gia đến tham quan, khảo sát hệ thống thu thập thống kê dân số của các bộ, ngành như: Công An, Tư pháp,  Tổng cục Thống kê, Bộ LĐ,TB&XH… Phía bạn đã đánh giá rất cao hệ thống thu thập thông tin của ngành DS-KHHGĐ và quyết định viện trợ, chuyển giao kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống này. Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ yêu cầu quản lý chuyên ngành của cơ quan nhà nước và nhu cầu của mọi người dân trong kiểm soát dân cư, phía Na Uy cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện, nâng cấp, tin học hóa hệ cơ sở dữ liệu DS-KHHGĐ. Tới tháng 7/1997, Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Na Uy về việc giúp đỡ xây dựng dự án thí điểm đăng ký dân số tại Việt Nam đã được ký kết. Bước đầu triển khai tại 3 tỉnh thuộc 3 miền là Hà Tây (cũ), Bình Thuận và Tây Ninh.
“Sở dĩ Na Uy chọn ngành DS-KHHGĐ  vì mục tiêu hướng tới là cải cách hành chính từ quản lý hành chính đơn thuần sang quản lý hành chính công, tức mang dịch vụ phục vụ tới mọi người dân. Khi đó, hệ thống “chân rết” của Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ là đội ngũ  cộng tác viên đến từng nhà dân, từng hộ gia đình để vận động và ghi chép thông tin cần thiết. Đấy chính là cách tiếp cận hiện đại, dân chủ”, TS Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
Cũng trong thời gian đó, phía Na Uy giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ để thử nghiệm mô hình đăng ký dân số mới cho Việt Nam, theo mô hình đã thành công ở các nước Bắc Âu. Mỗi công dân Việt Nam sẽ có ID (mã số định danh cá nhân) riêng – một con số mang tính quốc gia, sử dụng thống nhất trong cả cuộc đời. Mã số định danh cá nhân cũng sử dụng để truy cập vào cơ sở dữ liệu của người dân để lấy các thông tin cần thiết, phục vụ các giao dịch dân sự, tinh giảm tối đa các thủ tục hành chính, giấy tờ phiền hà.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu, chất lượng hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ được đánh giá cao, trong quá trình lập kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Có tới 83,7% số cán bộ ngành kế hoạch, tài chính và UBND đã sử dụng nguồn thông tin số liệu của hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ, cao hơn nhiều so với việc sử dụng số liệu của ngành thống kê (68,9%) và so với số liệu của chính ngành đó (59,5%). Mặc dù hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ còn non trẻ, nhưng kết quả thu được đã cho phép khẳng định về tính đúng đắn của hệ thống thông tin này và thực sự đáp ứng yêu cầu quản lý trong công cuộc cải cách quản lý hành chính, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Năm 2002, đánh dấu sự hoàn thành hệ thống thông tin dữ liệu về dân số, gia đình và trẻ em trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin theo Quyết định số 05 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS,GĐ&TE) Việt Nam. Năm 2005, hệ cơ sở dữ liệu DS,GĐ&TE đã cung cấp các thông tin cơ bản cho việc cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và hình thành hệ cơ sở dữ liệu quản lý gần 10 triệu trẻ em thuộc nhóm đối tượng này. Năm 2007, hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ đã hỗ trợ tích cực cho việc lập danh sách cử tri bầu cử HĐND các cấp.
 
Kiên trì thực hiện
Năm 2007, khi có sự thay đổi về bộ máy tổ chức, ngành DS-KHHGĐ trở thành đơn vị Tổng cục trực thuộc Bộ Y tế. Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã bàn giao cho Bộ Công An thực hiện theo phân công của Chính phủ.
Để thừa kế các kết quả giúp đỡ của Chính phủ Na Uy, thông qua SDS, cơ sở dữ liệu (CSDL) về dân số được Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục thực hiện phục vụ quản lý chuyên ngành như quy định trong Luật Thống kê, hệ CSDL đã phủ đến 98% dân số Việt Nam, được thường xuyên cập nhật để phục vụ công tác kế hoạch – thống kê chuyên ngành. Theo đánh giá trong Hội nghị Tổng kết công tác thống kê Bộ, ngành do Bộ KH&ĐT chủ trì (tháng 1/2008) thì “Hệ thống thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ báo cáo đúng thời gian, chất lượng tốt. Cần củng cố, kiện toàn để giảm thiểu sai sót xuống mức cho phép, tiến tới đưa hệ thống số liệu này thành một kênh số liệu chính thức, cung cấp phục vụ sử dụng chung cho các bộ, ngành”.
Năm 2009, hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ đã hỗ trợ tích cực cho công tác Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trong việc lập bảng kê danh sách số hộ, số người. Kết quả cho thấy, số liệu giữa Tổng điều tra Dân số và Nhà ở  2009 và số liệu của ngành DS-KHHGĐ chỉ chênh khoảng 1% (thấp hơn rất nhiều so với sai số cho phép là dưới 5% – PV). Điều đó chứng tỏ tính chính xác, khoa học của hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư điện tử của ngành DS-KHHGĐ mà không phải ngành nào cũng có được. Những năm tiếp theo, hệ thống đã từng bước được tin học hóa thông qua việc xây dựng kho dữ liệu điện tử các cấp từ Trung ương đến huyện, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm kết suất biểu báo cáo thống kê, nâng cấp hỗ trợ đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin…
TS Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết thêm: Ngay ở Tổng cục Thống kê hiện nay cũng chưa lập được hệ thống báo cáo thống kê định kỳ và xây dựng CSDL điện tử về thống kê dân số, mà phải tiến hành bằng phương pháp điều tra như: Tổng điều tra dân số (10 năm một lần), Điều tra dân số giữa kỳ (5 năm một lần) và Điều tra biến động dân số và KHHGĐ hàng năm. Sau điều tra, thu phiếu, nhập tin, xử lý, phân tích… thường một năm sau, kết quả số liệu điều tra của năm trước mới được công bố.
Hiện nay, từ cơ sở dữ liệu thống kê điện tử, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê để hình thành hệ  cơ sở dữ liệu bản đồ điện tử của 28 tỉnh, thành phố thuộc Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52). Theo đó, chỉ cần một cú click chuột, tất cả dữ liệu thông tin về dân cư tại các xã, huyện, tỉnh triển khai Đề án 52 sẽ được hiển thị trên hệ thống bản đồ. Theo Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu: Năm 2014, Trung tâm sẽ cố gắng đưa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của 63 tỉnh, thành lên bản đồ điện tử.
 

Dự án Hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành Dân số Việt Nam đã được trao giải thưởng Công nghệ thông tin xuất sắc ASEAN 2010. Năm 2011, Dự án cơ sở dữ liệu chuyên ngành Dân số Việt Nam được trao giải thưởng dự án ứng dụng công nghệ thông tin xuất sắc khu vực Châu Á–Thái Bình Dương theo sự bình chọn của tập đoàn FutureGov.

 
TS Nguyễn Quốc Anh (nguyên là Giám đốc Ban quản lý dự án “Đăng ký dân số” Việt Nam – Na Uy), nói: Trong giai đoạn chuyển tiếp, dự án đã xác định việc sử dụng mã số định danh cá nhân (ID). Số ID trong hệ thống đăng ký dân số sẽ đáp ứng tất cả các điều kiện: Là con số mang tính thống nhất, duy nhất của mỗi con người sử dụng cho toàn bộ dân cư cả trong vòng 200-300 năm mà không bị trùng lặp; Sử dụng suốt đời để tránh tình trạng lẫn lộn dữ liệu của các cá nhân…
 

Võ Thu