Truyền thông DS-KHHGĐ: Vào cuộc mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tình hình mới

0
173

GiadinhNet – Trong thời gian tới, công tác truyền thông về dân số vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Nhưng bài toán truyền thông cần phải hết sức linh hoạt tại từng địa phương khác nhau, đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới.

TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về công tác DS-KHHGĐ với các phóng viên, báo chí (tổ chức ngày 14/8 tại Hà Nội). Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ của 12 tỉnh, thành có mức sinh cao và đông đảo các phóng viên báo chí.
 
Truyền thông DS-KHHGĐ: Vào cuộc mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tình hình mới 1

Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều ban, ngành, đoàn thể và phóng viên báo chí. Ảnh: Chí Cường

 
Cuộc cách mạng về mức sinh
Khi điểm lại một số kết quả đã đạt được trong thời gian qua, TS Dương Quốc Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh thành tựu trong lĩnh vực giảm sinh. Ông gọi đây là một “cuộc cách mạng trong sinh đẻ”, khi hiện nay số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam khoảng 2 con, bằng một phần ba so với cách đây hơn 50 năm. Tính trên bình diện chung cả nước, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn đạt dưới mức sinh thay thế, giao động khoảng 2 con.
“Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam (giai đoạn 2011-2020) đề ra chỉ tiêu đến năm 2015, quy mô dân số nước ta dưới 93 triệu người. Tôi chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được chỉ tiêu này”, TS Dương Quốc Trọng khẳng định. Ông dẫn số liệu chứng minh: Xu hướng những năm vừa qua, số người tăng bình quân hàng năm ngày càng giảm. Tháng 11/ 2013, Việt Nam chào đón công dân thứ 90 triệu. Nếu trước đây, mỗi năm nước ta tăng khoảng 1,1-1,2 triệu người (giai đoạn 1999-2009), tăng bình quân mỗi năm 932.000 người thì đến giai đoạn 2009-2013, mức tăng chỉ khoảng 925.000 người. Theo tính toán, đến năm 2015, dân số Việt Nam sẽ không vượt quá 92 triệu người, thấp hơn mức chỉ tiêu Chiến lược đặt ra.
Tuy nhiên, bức tranh về mức sinh tại các địa phương, vùng, miền lại hết sức khác biệt. “Do đó, bài toán cho công tác truyền thông trong giai đoạn tới về quy mô dân số phải rất linh hoạt, tùy từng tỉnh khác nhau. Nếu thông điệp truyền thông ở TP HCM (nơi tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,3 con) lại đem áp dụng ở các tỉnh như Lai Châu, Hà Giang (nơi có mức sinh rất cao) thì rõ ràng không hợp lý”, TS Dương Quốc Trọng phân tích.
Để thích ứng với tình hình mức sinh trong giai đoạn mới, nhằm duy trì một mức sinh hợp lý, ngành Dân số đã đưa ra thông điệp chung cho cả nước là “Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con”, thay cho thông điệp trước đây là “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con”. Và mỗi địa phương sẽ có cách thức truyền thông, diễn giải để người dân hiểu đúng, thực hiện đúng thông điệp này.
Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cũng lưu ý về những thách thức, khó khăn khác trong công tác dân số như tốc độ già hóa đang gia tăng nhanh chóng, vấn đề tận dụng cơ cấu dân số vàng và đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS).
Từ năm 2006 đến nay, đây đã trở thành vấn đề “nóng”, ngày càng gia tăng nhanh, phức tạp. Nhìn ngược lại các con số, nếu năm 2010, tỷ số này là 111,2 bé trai/100 bé gái; năm 2011: 111,9/100; năm 2012: 112/100 thì năm 2013 đã lên tới 113,8/100. Sáu tháng đầu năm 2014, dù số sinh giảm nhưng chỉ giảm ở số trẻ em gái, còn trẻ em trai vẫn tăng. Do đó, tỷ số GTKS vẫn chênh lệch mạnh, ước tính con số này đã vượt quá 114/100. Trong khi đó, Chiến lược DS – SKSS đề ra chỉ tiêu năm 2015, tỷ số này không vượt quá 113 bé trai/100 bé gái.
Bàn luận về vấn đề này, TS Dương Quốc Trọng cho rằng: “Chúng ta làm quyết liệt, mạnh mẽ, các phương tiện thông tin đại chúng cũng vào cuộc nhưng dường như chừng đó vẫn chưa đủ sức mạnh để thay đổi tập quán, thói quen, hành vi thích sinh con trai của người dân. Chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tỷ số GTKS. Nếu trong thời gian tới, chúng ta không làm quyết liệt vấn đề này thì sẽ để lại những hệ lụy vô cùng nặng nề. Bởi công tác dân số không chỉ là đáp ứng những vấn đề của ngày hôm nay, mà quan trọng hơn là đáp ứng những vấn đề tương lai sau này. Điều đó đã được khẳng định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII: Công tác dân số là vấn đề chiến lược, mang tính lâu dài”.
 
Chất lượng dân số vẫn là nhiệm vụ hàng đầu
Chia sẻ về mục tiêu số 1 trong Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản – vấn đề cải thiện và nâng cao chất lượng dân số, TS Dương Quốc Trọng trăn trở: “Vấn đề chất lượng dân số hiện nay hầu như chưa có sự cải thiện đáng kể. Mặc dù các chỉ tiêu trong Chương trình mục tiêu giao cho ngành Dân số, như tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, trước sinh; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân hay giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chúng ta đều đạt kết quả khá tốt được nhờ sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác của chất lượng dân số nói chung, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn thua kém rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Do đó, Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng đã đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí tập trung đẩy mạnh truyền thông, đặc biệt là những vấn đề còn chưa tốt để đáp ứng nhiều hơn yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, Tổng cục trưởng nhấn mạnh về các phương thức truyền thông hiện đại, tận dụng sự tiến độ khoa học kỹ thuật, mạng Internet, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông.
 
Truyền thông DS-KHHGĐ: Vào cuộc mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tình hình mới 2

 
Nếu không còn Chương trình mục tiêu Quốc gia- công tác dân số sẽ rất khó khăn
Tại Hội thảo, TS Dương Quốc Trọng đề cập một vấn đề rất quan trọng, đó là mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
Theo đó, trong giai đoạn này, chỉ thực hiện 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia: Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các bộ, ngành đề xuất, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính có thể xây dựng các chương trình mục tiêu (CTMT) giai đoạn 2016-2020. “Trong giai đoạn tới, nếu không có CTMT về dân số thì các hoạt động sẽ vô cùng khó khăn, vì hiện nay công tác dân số nước ta không có kinh phí nào khác ngoài nguồn CTMT Quốc gia trước đây”. Do đó, Tổng cục trưởng mong các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các nhà báo có tiếng nói ủng hộ cho ngành Dân số có CTMT về dân số, phù hợp với tình hình giai đoạn mới.
 
Khẩn trương ổn định bộ máy tổ chức
 
Một vấn đề “nóng” khác được giới thiệu và chia sẻ tại Hội thảo là tổ chức bộ máy ngành Dân số tại cấp huyện, xã còn khá nhiều bất cập. Bàn về vấn đề này, TS Dương Quốc Trọng cho hay: “Ngành Dân số hầu như đồng lòng kiến nghị đưa Trung tâm DS-KHHGĐ là đơn vị trực thuộc UBND cùng cấp quản lý, thay vì trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ như trước đây. Cán bộ dân số cấp xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, biệt phái làm việc tại UBND xã. Với mô hình này, chúng ta đảm bảo không tăng biên chế, không tăng kinh phí nhưng hiệu quả thì chắc chắn tốt hơn rất nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư mới, thay thế Thông tư 03, 05 cũ”. Do đó, TS Dương Quốc Trọng bày tỏ mong muốn các nhà báo vào cuộc, truyền thông tích cực hiệu quả của mô hình ưu việt này. Bởi mô hình đã được chứng minh hiệu quả qua thời gian thử nghiệm.
Tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo ngành Dân số, TS Dương Quốc Trọng đã trân trọng cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí nói chung và các phóng viên gắn bó với công tác DS-KHHGĐ nói riêng trong suốt thời gian qua. Tổng cục trưởng hy vọng trong thời gian tới, ngành Dân số tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, các nhà báo để công tác dân số đạt được kết quả tốt, đóng góp cho sự phát triển KT-XH chung của cả nước.
 
Thu Nguyên