Nhiều người dân vung tay sắm sửa, nhưng lại “hà tiện” mua phương tiện tránh thai

0
158

GiadinhNet – Mục tiêu về tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai năm 2015 khó đạt. Thông tin này được ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) chia sẻ tại khoá tập huấn kỹ năng đưa tin, bài và truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/dân số/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/DS/KHHGĐ) tổ chức tại Huế từ 17-19/3.

Cán bộ DS-KHHGĐ huyện Đông Anh- Hà Nội tư  vấn cho người dân các phương tiện tránh thai hiện đại.
Ảnh: Dương Ngọc
Cán bộ DS-KHHGĐ huyện Đông Anh- Hà Nội tư vấn cho người dân các phương tiện tránh thai hiện đại. Ảnh: Dương Ngọc

Thông điệp truyền thông cần phù hợp với mỗi vùng, miền

Đây là khoá tập huấn do Câu lạc bộ nhà báo với công tác dân số phối hợp với Marie Stopes International tại Việt Nam tổ chức cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương, cán bộ truyền thông của các chi cục DS-KHHGĐ, trung tâm truyền thông, giáo dục sức khoẻ của 5 tỉnh (Yên Bái, Quảng Bình, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Cà Mau).

Cung cấp một số thông tin về thực trạng, chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Tân cho hay, sau hơn 50 năm thực hiện công tác DS-KHHGĐ, trải qua một cuộc vận động kiên trì, bền bỉ, đến nay, trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta sinh khoảng 2 con, hầu hết các cặp vợ chồng đều chấp nhận mô hình quy mô gia đình ít con.

Dù cả nước đã đạt mức sinh thay thế từ 9 năm nay (từ năm 2005- PV), tuy nhiên mức sinh tại mỗi tỉnh, mỗi vùng miền lại rất khác nhau. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Văn Tân cho biết, nếu tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, mỗi người dân sinh tới hơn 3 con, thì tại vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi người dân chỉ sinh từ 1,3-1,5 con. Do đó, “thông điệp truyền thông phải có tính cá biệt hóa theo từng địa bàn, địa phương, đối tượng, chứ không còn là một khẩu hiệu dùng chung cho cả nước như trước đây. Bởi làm công tác DS-KHHGĐ không đơn giản là vì con số chung chung cho cả nước, mà là vì hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng…”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ.

Khó khăn rất lớn về kinh phí mua các phương tiện tránh thai

Về nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) và nhu cầu đáp ứng ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tân cho biết, từ năm 1994 – 2008, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) có chồng sử dụng BPTT, trong đó BPTT hiện đại có tăng lên, vòng tránh thai là biện pháp có tỷ lệ sử dụng cao nhất (55,8% năm 2008).

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2014, tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại lại có xu hướng giảm đi. Cụ thể: Giảm từ 79,5% xuống 77,2% (đối với  BPTT chung) và giảm từ 68,8% xuống 67% (đối với  BPTT hiện đại). Trong khi đó, mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ (giai đoạn 2011-2015) của Việt Nam đặt ra là 80% cặp vợ chồng sử dụng BPTT, trong đó có 71% là tỷ lệ dùng  BPTT hiện đại. Ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ: Tỷ lệ này khó đạt được!

Trong thời gian tới, số phụ nữ từ 15- 49 tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, người dân vẫn giữ thói quen sử dụng các BPTT miễn phí. Đặc biệt, kinh phí nhà nước dành cho công tác DS-KHHGĐ cũng như kinh phí mua phương tiện tránh thai giảm rất mạnh, cùng với việc thay đổi chính sách cung cấp (hiện chỉ cung cấp miễn phí cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, vùng khó khăn hoặc diện chính sách theo quy định), số còn lại, sẽ phải chi trả một phần cho dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Dù nhu cầu sử dụng các BPTT tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng kinh phí mua sản phẩm này đang giảm từng năm. Năm 2012, tổng ngân sách từ Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ là 970 tỷ đồng (trong đó có 131 tỷ dành cho kinh phí mua PTTT), đến năm 2015, ngân sách từ Chương trình mục tiêu Quốc gia DS – KHHGĐ chỉ còn 590 tỷ đồng, trong đó chỉ có 49 tỷ đồng để mua PTTT (chưa đến 10% tổng ngân sách chung). Từ sau năm 2010, Việt Nam hoàn toàn không có nguồn viện trợ biện pháp, phương tiện tránh thai từ các tổ chức quốc tế.

Có một thực tế, nhiều người dân không tiếc tiền, vung tay sắm sửa đồ đạc, nhưng khi bỏ một ít tiền để mua phương tiện tránh thai nhằm bảo đảm sức khỏe cho chính gia đình thì lại “hà tiện”.

300.000 ca đặt vòng được hỗ trợ

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Dân số, Y tế Việt Nam, bà Phan Hương Giang – Giám đốc phát triển Chương trình MSIVN, từ năm 2006-2015, trung bình mỗi năm, MSI hỗ trợ cho ngành Dân số hơn 200.000 ca đặt vòng trong các chương trình hoạt động. Dự kiến trong thời gian tới (2015-2020), MSI sẽ hỗ trợ cho ngành Dân số Việt Nam nguồn kinh phí 5 triệu USD, trong đó, tiếp tục hỗ trợ 300.000 ca đặt vòng.

Thu Nguyên