GiadinhNet – Đây là khẳng định của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược và chính sách y tế tại Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu đánh giá 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chính sách DS-KHHGĐ. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức vào ngày 21/5 tại Hà Nội.
Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu trong Nghị quyết
Báo cáo do Viện Chiến lược và chính sách y tế thực hiện trong 4 tháng (từ tháng 8-12/2014), khảo sát tại ba tỉnh, thành là Bắc Ninh, Quảng Trị và TPHCM. Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh – Phó viện trưởng, đại diện nhóm nghiên cứu, đây là ba tỉnh thuộc các vùng/miền khác nhau, có sự khác biệt về mức sinh, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện và mức đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác DS-KHHGĐ. Ngoài ra, báo cáo còn phân tích tài liệu thứ cấp, thu thập thông tin bằng biểu mẫu thống kê tại 41/63 tỉnh, thành phố về quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết và kết quả đạt được trong 9 năm qua.
Báo cáo khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 47-NQ/TW đề ra. Theo bà Minh Hạnh, khảo sát cho thấy trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 47, hầu hết các địa phương đã có sự vào cuộc đồng bộ của Đảng ủy, HĐND, UBND các cấp.
Về sự phù hợp, tính khả thi của các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ, trong đó có mục tiêu 1 của Nghị quyết là “Nhanh chóng đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con)”. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng từ góc độ của các nhà nghiên cứu, bà Minh Hạnh cho rằng: Nghị quyết 47 ban hành tiếp tục khẳng định sự cam kết chính trị mạnh mẽ, nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với Chương trình dân số, duy trì mức sinh thay thế ở những năm tiếp theo.
Về mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần”, báo cáo đánh giá mục tiêu này là phù hợp với nhu cầu thực tế. Mục tiêu này được đề cập trong Nghị quyết cũng là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ nguồn lực để triển khai hoạt động dân số. Đơn cử, nếu năm 2005, tỉnh có tỷ lệ đầu tư chênh lệch so với kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia cao nhất là 124,8% (Bình Dương) thì đến năm 2010, tỷ lệ chênh lệch này đã là 201% (Đắk Lắk) và năm 2013 là 333% (Long An). Có nghĩa là, ngân sách địa phương đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ cao hơn gấp 3 lần ngân sách từ Trung ương. Tại nhiều địa phương cũng có sự linh hoạt, sáng tạo trong chính sách cho công tác DS-KHHGĐ. Tại TPHCM, để đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc SKSS của lượng công nhân, dân nhập cư tới thành phố đông dân nhất cả nước này, Sở Y tế thành phố đã thành lập Trung tâm Chăm sóc SKSS di động, hay hỗ trợ 50% chi phí cho phụ nữ cận nghèo và 100% cho phụ nữ thuộc hộ nghèo tham gia Chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Báo cáo cũng chỉ ra các kết quả đạt được của các chỉ tiêu DS-KHHGĐ trong Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh việc Việt Nam đã đạt và duy trì được mức sinh thay thế, tỷ suất sinh thô, tổng tỷ suất sinh đều giảm. Việt Nam cũng đạt được quy mô dân số ở mức 90,5 triệu người (hiện nay) và dự kiến năm 2015 là 91,5 triệu người. Với kết quả này, chúng ta đạt được quy mô dân số dưới 93 triệu người theo Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Với tỷ lệ gia tăng dân số (xung quanh 1,04%) như hiện nay, mục tiêu ổn định được quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI (như trong Nghị quyết), chúng ta có thể đạt được. Các hoạt động cải thiện, nâng cao chất lượng dân số cũng được triển khai, mở rộng, bước đầu đem lại hiệu quả nhất định, các chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tăng từng năm. Tỷ suất tử vong mẹ, tử vong sơ sinh giảm.
Khuyến nghị chuyển hướng chính sách dân số
Đánh giá cao cách thức, kết quả nghiên cứu khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách y tế, TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cùng nhiều ý kiến khác tại Hội thảo cho rằng, thời điểm Nghị quyết này ra đời (năm 2005) đã đáp ứng kịp thời nguy cơ mức tăng sinh trở lại sau những hiểu lầm của người dân về Pháp lệnh Dân số 2003. Tuy nhiên, tình hình DS-KHHGĐ có những biến đổi mau lẹ mà chúng ta chưa lường hết được về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số hay vấn đề di cư…
“Đơn cử trong vấn đề quy mô dân số. Trên bình diện chung, sau 9 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW, nước ta đã đạt được mức sinh thay thế (từ năm 2006). Tuy nhiên, mức sinh còn có sự khác biệt, chênh lệch rất lớn giữa các địa phương, vùng miền. Số liệu năm 2013 cho thấy, trong khi ở vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, mức sinh còn rất cao (2,18-2,49 con), thì vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long lại chỉ 1,83 -1,92 con. Thậm chí tại TPHCM, mỗi phụ nữ chỉ sinh khoảng 1,3-1,5 con. Nguyên nhân của sự chênh lệch này không hề đơn giản”, TS Lê Cảnh Nhạc nêu ý kiến.
Làm rõ thêm cho nhận định trên, bà Minh Hạnh dẫn ra một thông tin: Tại quận 3 (TPHCM), hiện có tình trạng người dân chỉ thích có 1 con. Tỷ lệ phá thai tại quận này gấp 3 lần tỷ lệ sinh. “Các bác sĩ sản khoa tại các trung tâm y tế ở TPHCM đang rất đau đầu về tình trạng này. Khi phụ nữ tại đây nếu “lỡ kế hoạch” mang bầu dù mới chỉ có một đứa con vẫn phá thai, bỏ qua các cảnh báo của bác sĩ về nguy cơ, biến chứng có thể gặp phải. Tôi nghĩ có thể do định hướng giá trị của người trẻ hiện nay đã khác. Họ muốn có thu nhập tốt hơn, có thời gian giành cho con cái, bản thân mình hơn. Hoặc cũng có thể, các trường hợp này rơi vào những công nhân đến từ các khu công nghiệp, khi cuộc sống còn bấp bênh, họ buộc phải tạm gác “nhu cầu sinh con” lại để chăm lo cuộc sống đã. Trước hiện tượng này, ngành Y tế – Dân số phải tính đến biện pháp đáp ứng nhu cầu tránh thai đa dạng của họ. Trước hết phải tạo điều kiện cho họ tiếp cận dịch vụ một cách sẵn có, thuận lợi, có chất lượng và phù hợp với điều kiện của họ”, bà Minh Hạnh nói.
Trước việc công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất cập và thách thức, các đại biểu khuyến nghị: Chính sách dân số của nước ta cần phải chuyển hướng từ chỗ chỉ tập trung vào kiểm soát mức sinh sang định hướng chính sách dân số toàn diện (dân số và phát triển), tập trung nguồn lực đáp ứng nhu cầu về SKSS và tránh thai, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, chuẩn bị cho một xã hội già hóa dân số, tận dụng cơ hội lực lượng lao động đông đảo để tạo ra tích lũy cho xã hội và cho người dân để chuẩn bị cho tuổi già của chính mình…
Khẳng định dân số là mẫu số chung của tất cả các bài toán phát triển KT-XH, các đại biểu cho rằng, cần tiến hành khẩn trương việc tổng kết đánh giá 10 năm triển khai Nghị quyết 47-NQ/TW trong phạm vi cả nước để tham mưu với Ban Bí thư ban hành văn bản quy định mới với những giải pháp mới, phù hợp với những thay đổi về nhân khẩu học của nước ta hiện nay.
Thu Nguyên/Báo Gia đinh & Xã hội