Gắn dân số với phát triển kinh tế – xã hội

0
200

GiadinhNet – Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ, nhưng cũng đang đối mặt với các vấn đề mới như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh… Theo các chuyên gia, thời điểm này là lúc Việt Nam cần chuyển hướng chính sách dân số, gắn công tác này với tất cả các hoạt động khác, nhằm tận dụng thành công những biến đổi trong dân số cho sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo bền vững của đất nước.

Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, một lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Chí Cường
Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, một lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: Chí Cường

Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu dân số

Dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học chưa từng có trong lịch sử. Đó là giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; Từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn; Từ mức chết cao sang mức chết thấp, nhất là mức chết trẻ em; Từ cơ cấu “dân số trẻ” sang giai đoạn “già hóa dân số” và chuyển sang “dân số già”; Từ cơ cấu “dân số phụ thuộc” sang cơ cấu “dân số vàng”… Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ với cường độ lớn và số lượng người di cư ngày càng đông. Vì vậy, còn nhiều những thách thức và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước cần phải quan tâm giải quyết.

Theo số liệu thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp hơn 10 lần trong vòng hơn 20 năm qua, từ 140 USD/người (năm 1992) lên 1.540 USD/người (năm 2012), trong đó có sự góp sức quan trọng của việc tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp.

Bà Ritsu Nacken – Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm rất quan trọng để Việt Nam chuyển hướng các chính sách của mình về dân số nhằm đạt được những kết quả tích cực hơn nữa. Quan sát về tình hình dân số ở Việt Nam, bà Ritsu thấy Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “già hóa dân số” rất nhanh, hơn cả bên châu Âu, cùng với đó là tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Việt Nam đang bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” và đây chính là thời kỳ phát triển chưa từng có của đất nước.

Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam đã sớm quan tâm đến vấn đề dân số và coi trọng việc hoạch định chính sách dân số. Từ năm 1961, khi dân số Việt Nam đang ở khoảng 31 triệu người, Việt Nam đã ban hành các chính sách liên quan đến dân số như chính thức tiến hành chương trình DS-KHHGĐ. Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã chuyển hướng chính sách từ “kiểm soát quy mô dân số” sang “nâng cao chất lượng dân số”. Nội dung chính sách về quy mô dân số chuyển từ “chủ động kiểm soát” sang “chủ động điều chỉnh”; Tốc độ tăng dân số từ “cản trở” đã trở thành “động lực” cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Chính sách dân số bao gồm cả “cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh”.

Tận dụng cơ hội “vàng ròng” trong dân số

Trong cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương gần đây, bà Ritsu Nacken nhấn mạnh, cơ cấu “dân số vàng” cũng là “vàng ròng trong dân số”. Việc tận dụng cơ hội này rất quan trọng, nhất là nó chỉ kéo dài trong vòng vài chục năm nữa. Cùng với đó là bài toán giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh- một vấn đề mà nhiều nước, trong đó có một số nước ở khu vực châu Á cũng đang vướng mắc.

Vấn đề dân số liên quan mật thiết đến kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Vấn đề này cần phải được giải quyết ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội, chứ không chỉ ở lĩnh vực y tế. Kinh nghiệm thành công ở các nước cho thấy, chỉ khi có một Ủy ban Dân số dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì vấn đề dân số mới được được lồng ghép đầy đủ và có ý nghĩa vào các lĩnh vực khác để tạo ra hiệu quả rõ rệt. Theo bà Ritsu Nacken, hiện Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”. Để tận dụng được cơ hội phát triển của giai đoạn “dân số vàng”, cần có chính sách hỗ trợ cho thanh niên, trong đó đặc biệt chú trọng đến các điều kiện cho giới trẻ tiếp cận với chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Từ năm 2011 tới nay, Việt Nam đã bắt đầu có chuyển hướng chính sách từ kiểm soát quy mô dân số sang nâng cao chất lượng dân số với ba mục tiêu cơ bản: Có quy mô dân số hợp lý; Cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách để tận dụng được cơ hội “dân số vàng” và thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”. Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ không thể tận dụng được cơ hội “dân số vàng” trong dân số nếu không cải thiện được năng suất lao động. Do đó, Việt Nam cần phải có các chính sách kịp thời và đúng đắn để tận dụng cơ hội nguồn nhân lực dồi dào vì cơ hội vàng sẽ kết thúc sau năm 2040.

Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội

“Vàng trong dân số không tự nhiên chuyển thành lợi tức cho nền kinh tế. Những thay đổi sâu sắc trong dân số yêu cầu Việt Nam chuyển hướng trọng tâm Chính sách dân số từ “kiểm soát quy mô dân số” sang hướng tiếp cận toàn diện “dân số và phát triển”. Và kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy, đây là thời điểm chúng ta cần đầu tư cho thanh, thiếu niên, nếu không muốn đánh mất cơ hội này”.

Ritsu Nacken– Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Cơ hội chia sẻ kinh nghiệm

Ngày 14/7/2015, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện từ Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL và các bộ, ban, ngành liên quan, có đại diện các đại sứ quán, viện nghiên cứu và các tổ  chức quốc tế ở Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Úc, Mỹ, Đài Loan và Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các nước trong khu vực. Các đại biểu sẽ thảo luận những vấn đề liên quan đến dân số, xu hướng nhân khẩu học và tác động của sự biến đổi dân số đến phát triển bền vững.

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội