Thiếu hụt trầm trọng kinh phí mua phương tiện tránh thai

0
214

GiadinhNet – Theo ước tính về nhu cầu ngân sách giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần khoảng 3.132 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) để mua phương tiện tránh thai phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Vậy nhưng, trong 3 năm 2012-2014, tổng ngân sách phân bổ cho việc mua sắm phương tiện tránh thai lại chỉ có 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu… Việc thiếu phương tiện tránh thai có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với người dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Nam nông dân - một trong những đối tượng mà ngành dân số luôn hướng tới trong việc truyền thông, thay đổi nhận thức về KHHGĐ. Ảnh: Dương Ngọc
Nam nông dân – một trong những đối tượng mà ngành dân số luôn hướng tới trong việc truyền thông, thay đổi nhận thức về KHHGĐ. Ảnh: Dương Ngọc

Mỗi năm cần hơn 300 tỷ đồng mua phương tiện tránh thai

Đối với công tác DS-KHHGĐ, một vấn đề được quan tâm đặc biệt là việc ngân sách Nhà nước dành cho chương trình DS-KHHGĐ bị cắt giảm mạnh trong những năm gần đây, dẫn tới không đủ nguồn lực để đảm bảo thực hiện các hoạt động thiết yếu nhằm đạt các mục tiêu Chương trình.

Theo ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), việc cắt giảm ngân sách đã gây khó khăn cho việc cung ứng các biện pháp tránh thai, đảm bảo dịch vụ KHHGĐ cho người dân. Theo định hướng chính sách của Việt Nam hiện nay, đối tượng được Nhà nước bao cấp, miễn phí các phương tiện tránh thai ngày càng thu hẹp. Hiện chỉ còn khoảng 30% số cặp vợ chồng được hưởng miễn phí các dịch vụ KHHGĐ, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, số còn lại phải mua qua kênh tiếp thị xã hội, thị trường… Trong khi đó, quá trình làm cho người dân quen với cơ chế tự chi trả, công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai còn gặp vô số khó khăn, do nhiều rào cản như tâm lý người dân quen được miễn phí, bao cấp; địa bàn dân cư rộng, đi lại khó khăn khiến công tác tiếp thị, mức độ tiếp cận của người dân còn hạn chế…

Số liệu của ngành Dân số cho thấy, số lượng phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ của Việt Nam tiếp tục gia tăng (theo lũy kế đà tăng dân số), đạt cực đại vào khoảng năm 2025-2027. Do đó, nhu cầu về phương tiện tránh thai, KHHGĐ vẫn rất lớn.

Trên thực tế, trước năm 2011, 80% tổng nhu cầu phương tiện tránh thai tại Việt Nam được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA và của các nhà tài trợ Quốc tế. Từ sau năm 2011, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ quốc tế chuyển trọng tâm hỗ trợ sang lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác, đến nay chưa có nhà tài trợ quốc tế nào cam kết nguồn vốn ODA để hỗ trợ phương tiện tránh thai, cấp miễn phí cho người dân như trước đây.

Theo ước tính về nhu cầu ngân sách giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam cần khoảng 3.132 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) để mua phương tiện tránh thai phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, có nghĩa là mỗi năm cần hơn 300 tỷ đồng. Thực tế thì, trong 3 năm 2012-2014, tổng ngân sách phân bổ cho việc mua sắm phương tiện tránh thai lại chỉ có 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu. Năm 2015, ngân sách chung cho chương trình DS-KHHGĐ có tăng lên nhưng không đáng kể.

Hiện nay, tỉ lệ dân cư có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng còn khá cao với 11,2% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn và khoảng 34,3% trong nhóm vị thành niên, thanh niên. Việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong chương trình DS-KHHGĐ, theo các chuyên gia, có thể dẫn tới việc gia tăng số phụ nữ mang thai, sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai, hoặc tăng dân số, đặc biệt ở vùng có mức sinh cao, chưa ổn định. Từ đó, sẽ gây ra gánh nặng về kinh tế cho cá nhân, gia đình, xã hội. Trên thực tế, biểu đồ biến động mức sinh của Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng “nhích” lên.

Nhận thức của người dân đã dần thay đổi

Nhờ nỗ lực truyền thông của ngành Dân số, nhiều người dân đã thay đổi thói quen “được cho không” chuyển sang tự mua các sản phẩm tránh thai. Ảnh: D. Ngọc
Nhờ nỗ lực truyền thông của ngành Dân số, nhiều người dân đã thay đổi thói quen “được cho không” chuyển sang tự mua các sản phẩm tránh thai. Ảnh: D. Ngọc

Trong bối cảnh ngân sách dành cho chương trình DS-KHHGĐ bị cắt giảm, để đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu của người dân, ông Nguyễn Văn Tân cho biết, những phương tiện tránh thai Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc chưa sản xuất phổ biến trong nước (như vòng tránh thai, thuốc cấy, tiêm tránh thai..), cần được bố trí kinh phí để mua. Còn những phương tiện tránh thai có thể sản xuất được ở trong nước, Tổng cục DS-KHHGĐ đã đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ cho phép kết hợp với các nhà cung cấp để “kết nối”, đẩy mạnh hơn cơ hội “gặp nhau” giữa họ với người dân.

Trước đó, từ giữa năm 2012, Tổng cục DS-KHHGĐ đã từng mua và thực hiện phân phối dưới hình thức tiếp thị xã hội hai sản phẩm bao cao su (BCS) và viên uống tránh thai liều thấp kết hợp mang nhãn hiệu Night Happy trong hệ thống DS-KHHGĐ các cấp tại 63/63 tỉnh, thành phố. Nhờ nỗ lực kiên trì truyền thông, đến nay người dân đã dần chấp nhận tự nguyện bỏ một số tiền ra mua sản phẩm phương tiện tránh thai.

Cần xã hội hóa việc cung cấp phương tiện tránh thai

Năm 2015, trong điều kiện ngân sách cấp giảm, nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng, xã hội hóa được xác định là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây là mục tiêu, là động lực, chính sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ. Xã hội hóa cũng là biện pháp tăng đầu tư của xã hội trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ và trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng.

Đầu tháng 3/2015 vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu tổng quát của Đề án này là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ. Ngoài ra, chương trình còn huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Đề án này, đầu tháng 6/2015, Tổng cục DS – KHHGĐ đã ký hợp tác thỏa thuận với một số đối tác như công ty TNHH Thai Nakorn Patana Việt Nam (đưa viên uống tránh thai nhãn hiệu Anna) và Công ty liên doanh Medevice 3S (đưa bao cao su tránh thai) vào chương trình xã hội hóa. Theo thỏa thuận này, phía các công ty sẽ cung cấp có trợ giá sản phẩm tránh thai và phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động, quảng bá, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện trong thời gian 5 năm (từ 2015 – 2020). Trước đó, vào tháng 3/2015, Tổng cục DS- KHHGĐ và tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSIVN) đã ký kết một thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án mang tên “Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS chất lượng tại Việt Nam”. Đây là chương trình hợp tác trong 5 năm (2015 – 2020). MSIVN đóng góp 5 triệu USD, tương đương 105 tỉ đồng Việt Nam và Tổng cục DS – KHHGĐ cam kết đối ứng tối thiểu 50% hoặc hơn cho việc thực hiện chương trình.

Lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, việc tăng cường hợp tác với các công ty, các tổ chức cung ứng sản phẩm tránh thai là nhằm góp phần đa dạng hóa, cung cấp cho đối tượng có thu nhập trung bình trở lên để thực hiện mục tiêu phân khúc thị trường. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai lớn như hiện nay, Việt Nam vẫn rất cần thêm những nguồn cung cấp sản phẩm tránh thai có trợ giá để vừa phù hợp xu hướng thị trường, vừa phù hợp điều kiện kinh tế của người dân, đảm bảo thực hiện những mục tiêu trong Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội