GiadinhNet – Thiên tai không chỉ đơn thuần là sự tàn phá của một cơn bão, trận lũ, sóng thần, hay động đất mà nó còn làm thay đổi những đặc điểm về nhân khẩu học, về kinh tế- xã hội của một vùng miền. Những cơn lốc xoáy lớn, dữ dội đi qua một cánh đồng trống sẽ ít nguy hiểm, trong khi một cơn lốc xoáy tương đối yếu có thể gây ra những rủi ro lớn đối với cuộc sống con người và dẫn đến thiệt hại lớn ở khu vực đông dân cư.
Phụ nữ, trẻ em gái – đối tượng dễ tổn thương trong thiên tai
Sự tổn thương trong thiên tai được được hiểu là “những đặc điểm của một nhóm người và tình trạng của họ bị ảnh hưởng bởi mối nguy hiểm từ thiên nhiên”. Các nhóm dân số khác nhau có thể chịu hậu quả, tổn thương khác nhau vì thiên tai, do đó, chính sách nhằm giải quyết rủi ro và tổn thương cũng phải tính đến tác động khác nhau của thiên tai.
Gần 80% dân số Mỹ sống ở các khu vực đô thị, dẫn đến việc tăng độ tập trung dân cư tại khu vực này. Các thành phố khác trên thế giới cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu cho rằng, tại Trung Quốc khi có động đất xảy ra, khu vực đô thị sẽ nguy hiểm hơn vì mật độ hạ tầng dày đặc. Việc phát triển rầm rộ các dịch vụ giải trí ven biển ở Ấn Độ cũng là một trong những yếu tố dẫn đến số người tử vong cao trong trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương.
Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng gặp nhiều thách thức khi phải đối mặt với thiên tai. Mặc dù nhiều tài liệu cho rằng phụ nữ có nhiều khả năng nhận thức và ứng phó với rủi ro, nhưng hầu hết họ lại có thu nhập thấp hơn so với nam giới và không có các nguồn lực cần thiết để ứng phó, phục hồi sau thiên tai. Một ví dụ: Trong trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, phụ nữ và trẻ em bị tổn thương và tử vong nhiều hơn so với nam giới.
Dịch vụ chăm sóc SKSS góp phần giảm rủi ro thiên tai
Các trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra ngày 25/4 và 7,3 độ Richter ngày 12/5 tại Nepal vừa qua đã làm hơn 3.600 người thiệt mạng, chưa kể đến rất nhiều công trình xây dựng, nhà cửa bị đổ nát, xới tung. Sau động đất này, nhiều người dân Nepal sống trong hoảng loạn và sợ hãi vì mất hết nhà cửa. Có ít nhất khoảng 3.500 người cần được cứu sống và chăm sóc y tế, kể cả các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS).
Nhiều tổ chức nhân đạo đã viện trợ, cung cấp các dịch vụ cơ bản về lương thực thực phẩm, nước uống, chỗ ở tạm cho người dân. Tuy nhiên có một nhu cầu chuyên biệt của phụ nữ mang thai, các bà mẹ cho con bú, trẻ em gái…là được cung cấp dịch vụ sinh đẻ an toàn, bảo vệ các thiếu nữ không mang thai ngoài ý muốn thì lại ít được quan tâm!
Hơn một phần ba trường hợp tử vong mẹ trên toàn thế giới xảy ra trong các điều kiện khủng hoảng do không được tiếp cận với các dịch vụ cấp cứu sản khoa cơ bản và thiếu sự sẵn sàng của các nhà cung cấp dịch vụ. Điều này dẫn đến tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh tại các vùng bị thiên tai khá cao mà trong khí đó chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Trong điều kiện khủng hoảng, những nhóm người dễ bị tổn thương (đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em gái) tăng lên đáng kể.
Hiệp hội KHHGĐ quốc tế (IPPF) – nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, là một trong số các tổ chức quốc tế có mặt đầu tiên để góp phần giúp đỡ người dân Nepal thoát khỏi thảm hoạ. IPPF đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia hỗ trợ dự án ứng phó khẩn cấp (thông qua Văn phòng IPPF khu vực Nam Á) cam kết cấp 50.000 USD để hỗ trợ công tác cứu trợ. Các tổ chức này đã giúp Hội KHHGĐ Nepal cung cấp dịch vụ bảo vệ sức khỏe chung và các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất thông qua hệ thống các phòng khám. Một Đội cơ động được thành lập để giám sát hoạt động y tế. Các phòng khám đã cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, chăm sóc toàn diện trước – sau sinh cho các bà mẹ, cung ứng kịp thời các sản phẩm phục vụ nhu cầu KHHGĐ, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một hệ thống chuyển tuyến toàn diện cũng được ra đời. Kế hoạch này nhằm đưa các dịch vụ y tế quan trọng tiếp cận được tới hơn 18.000 người dân. Các khoản viện trợ lên tới 100.000 USD đã được cung cấp trong 5 tháng (bắt đầu từ tháng 5/2015).
Sáng kiến có tên SPRINT là một chương trình chăm sóc SKSS/ Sức khỏe tình dục cho người dân trong các tình trạng khủng hoảng và sau khủng hoảng do IPPF khởi xướng từ năm 2007. Chương trình nhân văn này nhằm cung cấp dịch vụ cứu người, chăm sóc SKSS (gồm cấp cứu sản khoa, chăm sóc trẻ sơ sinh, chuyển tuyến, chăm sóc nạn nhân trong các lều trại, phân phối đồ dùng vệ sinh phụ nữ, dịch vụ KHHGĐ…) đã góp phần nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, chung tay giúp đỡ đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trên thế giới. Trong những năm 2000-2012, thiên tai đã ảnh hưởng tới 2,9 tỷ người, làm chết 1,2 triệu người và gây thiệt hại hơn 1.700 tỷ USD. Tuy nhiên những con số to tát này cũng chưa thể tính toán hết được tổn thất lâu dài của người dân vùng thiên tai phải gánh chịu. Họ đã phải trả bằng mạng sống, sinh kế và triển vọng phát triển trong tương lai. Rất nhiều điều có thể thực hiện được nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tác động của thiên tai cũng như tăng cường sự ứng phó của cộng đồng.
Nhiều chuyên gia y tế bày tỏ quan điểm: Vấn đề chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là SKSS/sức khoẻ tình dục, cần được đưa vào các Chương trình nghị sự giảm thiểu rủi ro thiên tai và chống biến đổi khí hậu của tất cả các quốc gia- Điều mà những nội dung này thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ. Tất cả các quốc gia cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác chăm sóc SKSS/sức khoẻ tình dục trong các cuộc khủng hoảng và cách thức triển khai các dịch vụ y tế nhằm can thiệp kịp thời, cứu sống và giảm tử vong mẹ, trẻ sơ sinh…
Nâng cao tính chủ động trước nguy cơ thiên tai
Báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thảm họa cho thấy, trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 650 đợt thiên tai xảy ra như: Lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở… gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 5,2 tỷ USD/năm. Nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á chỉ ra rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính chiếm 1,5% GDP hàng năm.
Thiên tai không trừ một ai, nên việc phòng chống cần có sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng. Năm 2013, tại Hội nghị lần thứ 7, BCHTW Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường". Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tới năm 2020” và “Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu”. Luật Phòng, chống thiên tai đã có hiệu lực thi hành với phương châm "chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả".
Nội dung phòng, chống thiên tai cần được đưa vào công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, các ngành, địa phương, vào hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp các đô thị, điểm dân cư nông thôn, các công trình cơ sở hạ tầng. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, kết hợp kinh nghiệm truyền thống với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Trên cơ sở nâng cao hiểu biết về tổn thương do nguy cơ thiên tai gây ra, chúng ta cần đề ra các hành động hiệu quả hơn, kể cả các chính sách liên quan đến việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm bảo vệ các nhóm dân số khác nhau tránh khỏi thảm họa thiên tai, chuyển từ ứng phó sang cách tiếp cận chủ động hơn.
Võ Anh Dũng – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Thông tin và Dữ liệu (Tổng cục DS-KHHGĐ)