Hoạt động DS-KHHGĐ tại 3 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ: Công việc gấp đôi nhưng thù lao còn khiêm tốn

0
198

GiadinhNet – Đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ do Phó Tổng cục trưởng phụ trách Nguyễn Văn Tân làm Trưởng đoàn vừa kết thúc chuyến làm việc với Ban Chỉ đạo công tác dân số TP HCM, Đồng Nai, Tây Ninh (từ 5-8/8). Dịp này, Đoàn công tác đã thăm và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhiều cán bộ dân số tuyến cơ sở.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc cùng Ban Chỉ đạo công tác dân số TP HCM. Ảnh: Đỗ Bá
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc cùng Ban Chỉ đạo công tác dân số TP HCM. Ảnh: Đỗ Bá

Hai, ba người gánh việc cả một trung tâm

TP HCM là địa phương có mô hình tổ chức bộ máy hoạt động DS-KHHGĐ đặc thù. Cụ thể, tuyến quận, huyện có 3-5 nhân sự thực hiện công tác DS-KHHGĐ thuộc Phòng Y tế với lãnh đạo là Phó Trưởng phòng y tế kiêm nhiệm vụ dân số. Ở tuyến phường, xã, cán bộ dân số làm việc tại UBND phường, xã, hưởng lương theo trình độ (đại học hệ số 2,34; trung cấp hệ số 1,86) nhưng không được tăng lương theo định kỳ như một viên chức sự nghiệp. Điều này khiến cán bộ dân số tuyến cơ sở tại TP HCM luôn thấy mình không “bằng chị, bằng em” so với viên chức sự nghiệp nhiều ngành nghề khác trên cùng địa bàn.

“Điều này khiến đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở luôn thiếu ổn định vì hầu như không ai an tâm công tác dài hơi với ngành Dân số. Đa số cán bộ dân số tuyến cơ sở tham gia hoạt động với ngành độ khoảng 2-3 năm, vừa cứng cáp, nắm chắc địa bàn, đủ kinh nghiệm thì chuyển công tác sang các ban, ngành, đoàn thể khác, trở thành công chức, viên chức với chế độ chính sách và vị thế xã hội tốt hơn rất nhiều…”, lãnh đạo Phòng Y tế quận Bình Thạnh chia sẻ cùng Đoàn công tác của Tổng cục.

Lãnh đạo Phòng Y tế quận 8 còn chia sẻ thêm khó khăn của đội ngũ thực hiện công tác dân số tuyến quận. Cụ thể, hiện tại Phòng Y tế quận 8 có 4 biên chế (là công chức) thực hiện công tác dân số, trên thực tế một biên chế là lãnh đạo cấp Phó Trưởng phòng (kiêm nhiệm công tác dân số), một biên chế khác đảm nhiệm vai trò kế toán Phòng Y tế. Tính ra chỉ còn 2 biên chế thuần thực hiện công tác DS-KHHGĐ. “Nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ đội ngũ thực hiện công tác dân số tuyến quận, huyện khó mà đảm đương nổi khối lượng công việc, vốn của cả một Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến quận, huyện tại những địa phương khác”, lãnh đạo Phòng Y tế quận 8 bộc bạch.

Cán bộ dân số tuyến cơ sở “thiệt đơn, thiệt kép”

Liên quan đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ dân số tuyến cơ sở, vốn là thực trạng đang diễn ra tại hầu hết 24 quận, huyện ở TP HCM, ông Trần Văn Trị – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã lên tiếng lý giải. Theo đó, phía Chi cục đã tham mưu Sở Y tế kiến nghị, đề xuất và Sở Nội vụ đã ghi nhận, song quá trình thực hiện còn đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

“Thông tin từ Sở Nội vụ cho hay, nếu thực hiện chế độ tăng lương theo định kỳ đối với cán bộ dân số tuyến phường, xã thì cũng phải thực hiện đồng loạt đối với nhiều cán bộ không chuyên trách khác trên toàn địa bàn TP HCM ngoài ngành DS-KHHGĐ, do đó tính khả thi không cao vì ngân sách chịu không nổi. Tuy nhiên, phía Sở Nội vụ cũng đang xem xét nếu không tăng lương định kỳ thì sẽ tăng lương hàng năm theo tỷ lệ % nhất định”, ông Trần Văn Trị cho biết.

Tại Đồng Nai hiện có 26 cán bộ dân số được tuyển dụng thành viên chức dân số làm việc tại trạm y tế vì có chuyên môn trung cấp y tế. Hầu hết số cán bộ này đều bức xúc về quyền lợi so với các đồng nghiệp. “Chúng tôi vừa làm việc y tế vừa làm nhiệm vụ dân số – tức là công việc gấp đôi. Vậy mà khi tính trợ cấp thù lao thì chỉ được hưởng 30%, trong khi những đồng nghiệp khác tại trạm hưởng đến 40%. Nhiều người làm đến 9 -10 năm mà lương chỉ bằng đồng nghiệp khác vào trạm mới 2 năm. Điều này khiến chúng tôi  không chỉ bức xúc mà còn bất mãn nữa…”, một cán bộ dân số phường Tam Hòa, TP Đồng Nai bày tỏ nỗi niềm.

Bà Bùi Thị Ngọc Phượng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh thì chia sẻ mối lo lắng mất nguồn nhân lực vì liên quan đến nhu cầu nâng cao trình độ (chuyên môn y tế) của cán bộ dân số tuyến cơ sở, từ trung cấp lên đại học (hệ liên thông). Theo đó, cán bộ dân số đang làm việc tại trạm y tế nếu thi đỗ và được phê duyệt đi học liên thông đại học ngành Y thì phải bàn giao nhiệm vụ dân số cho người khác tại trạm (ít nhất 4 năm). Điều này khiến hoạt động dân số bị gián đoạn, bên cạnh đó gánh nặng công việc tại trạm y tế cũng gia tăng đáng kể đối với đội ngũ nhân viên y tế tại trạm. “Thế nhưng biên chế tại trạm chỉ có chừng ấy người, không thể tuyển dụng thêm. Mà hợp đồng nhân sự mới thì vừa trả lương người mới vừa trả lương người đi học, sao có thể thực hiện nổi?”, bà Bùi Thị Ngọc Phượng chia sẻ.

Tăng cường vai trò tham mưu tốt

Trong các buổi làm việc cùng Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ 3 địa phương trên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân đều lưu ý Chi cục Dân số trong vai trò thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo phải nỗ lực tham mưu, đề xuất đến Ban Chỉ đạo nhằm sớm có biện pháp tháo gỡ các khó khăn phát sinh, giúp hoạt động dân số tuyến phường, xã; quận, huyện ổn định hơn.

“Trong bối cảnh các địa phương phải chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ phía Trung ương về một mô hình tổ chức bộ máy mang tính phổ quát,   phù hợp trong thời gian sớm nhất, mong rằng các địa phương cần nỗ lực nhằm giảm thiểu hạn chế  từ mô hình hiện tại, để duy trì, phát huy những thành quả đã đạt được”, Phó Tổng cục trưởng chia sẻ.

Về kết quả hoạt động DS-KHHGĐ tại TP HCM, Đồng Nai và Tây Ninh thời gian qua, mặc dù còn một vài chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn, nhưng đánh giá tổng thể, Phó Tổng cục trưởng cho rằng “có thể yên tâm”. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh tại 3 địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ này dù có biểu hiện gia tăng nhưng không quá “nóng”, đáng báo động như khu vực phía Bắc. Về quy mô dân số, cả 3 địa phương đều có mức sinh thấp, song TPHCM và Đồng Nai đang đối mặt tình trạng tăng dân do nhập cư. Về các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, cả 3 địa phương đều triển khai và thu được các kết quả nhất định, đặc biệt là tại TP HCM.

“Từ nay đến cuối năm, ngoài nỗ lực nhằm đạt các chỉ tiêu, kế hoạch năm, ngành DS-KHHGĐ từng địa phương còn phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch hoạt động với hàng loạt nhiệm vụ mới vừa phù hợp với tình hình địa phương vừa đảm bảo các mục tiêu cốt lõi của ngành DS-KHHGĐ trong giai đoạn 2016-2020. Vì cuối năm nay cũng là thời điểm khép lại Chương trình Mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015. Trong bối cảnh đó, để thực hiện tốt các nhiệm vụ ngày càng nặng nề, rất cần năng lực tham mưu chủ động và phù hợp của đội ngũ cán bộ – lãnh đạo dân số tuyến tỉnh thành, giúp cấp ủy, chính quyền, HĐND các địa phương sớm ban hành các quyết sách hỗ trợ ngành Dân số hoàn thành nhiệm vụ”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.

Ngành tư pháp cùng vào cuộc

Sự đồng hành của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại TPHCM đối với công tác dân số trước nay luôn có tiếng là mạnh mẽ. Mới đây, tại buổi làm việc cùng Đoàn công tác Tổng cục, bà Lê Thị Bình Minh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban Chỉ đạo công tác dân số TP HCM, đã đưa ra gợi ý hợp tác được đánh giá cao. Theo bà Bình Minh, ngành tư pháp TPHCM có Hội đồng Tư vấn-Phổ biến-Giáo dục pháp luật các cấp (thành phố, quận, huyện, xã, phường) cùng với kinh phí hoạt động không nhỏ được cấp từ ngân sách TP HCM. Vì vậy, theo bà Bình Minh, ngành DS-KHHGĐ TPHCM hoàn toàn có thể phối hợp với ngành tư pháp để tận dụng nguồn tài lực này phục vụ hoạt động truyền thông-vận động.

Cần tăng cường đội ngũ chuyên trách dân số

“…Công tác DS-KHHGĐ là một trong 5 nội dung cơ bản của chiến lược phát triển nhân lực. Trong thời gian 10 năm tới, ngành DS-KHHGĐ phải tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo cơ cấu dân số, mức sinh thấp hợp lý và nhất là kiểm soát tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh.

Để làm được điều đó, giải pháp đầu tiên là các cấp ủy, chính quyền phải luôn quan tâm tới vấn đề DS-KHHGĐ; Coi đây như một giải pháp quan trọng nhằm góp phần tạo sức mạnh về nhân lực cho địa phương, làm nền tảng đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Về mặt tổ chức, cần xác định chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ không chỉ cho quốc gia mà đến từng địa phương. Các chỉ tiêu này cần hợp lý theo tình hình phát triển của mỗi vùng, miền và phải được giám sát hàng năm.

Giải pháp thứ hai, là cần tăng cường đội ngũ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ cơ sở, tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ này. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý xung quanh công tác DS-KHHGĐ…”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội