GiadinhNet – Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ xây dựng đề án nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân các khu công nghiệp trên toàn quốc sau hai năm triển khai thí điểm tại 3 địa phương, dự kiến năm 2016 sẽ trình Chính phủ đề án thiết thực này.
Phó Tổng cục trưởng DS-KHHGĐ Hồ Chí Hùng đang phát biểu khai mạc hội thảo.
Thông tin trên được lãnh đạo Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng Hồ Chí Hùng cho biết hôm 29/9 tại hội thảo “Huy động nguồn lực và mở rộng Mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho công nhân một số khu công nghiệp”.
Hội thảo quy tụ các đại biểu đến từ ngành Y tế-Dân số tỉnh Long An, Nghệ An, Nam Định là 3 địa phương thực hiện thí điểm Mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho công nhân một số khu công nghiệp từ đầu năm 2014, do Tổng cục DS-KHHGĐ khởi xướng và Quỹ dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam hỗ trợ.
Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ KH-ĐT, Phòng thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI)… cùng các doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm mô hình nói trên cũng tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng DS-KHHGĐ Hồ Chí Hùng và bà Phan Thị Lệ Mai-đại diện UNFPA tại Việt Nam, đồng chủ trì, cùng ghi nhận, lắng nghe mọi đóng góp hữu ích từ thực tế triển khai mô hình.
“Sắp tới, Tổng cục sẽ phối hợp cùng UNFPA và các cơ quan liên quan xây dựng đề án trình Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân các khu công nghiệp trên toàn quốc. Đề án thiết thực nói trên dự kiến sẽ trình Chính phủ vào năm 2016”, Phó Tổng cục trưởng chia sẻ.
Do đó vị lãnh đạo Tổng cục cũng đề nghị đại biểu tham dự hội thảo tập trung làm rõ các khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm thực tế, các sáng tạo nhằm hóa giải khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm tại 3 địa phương.
Nữ công nhân tại một KCN ở Nghệ An đang được tuyên truyền viên chăm sóc SKSS/KHHGĐ tranh thủ truyền thông giờ giải lao, một hoạt động thuộc khuôn khổ mô hình thí điểm.
Hồi năm 2014, mô hình nói trên được thực hiện thí điểm tại 12 doanh nghiệp đóng tại 4 KCN thuộc 3 tỉnh Long An, Nghệ An, Nam Định. Đến năm 2015, mô hình được thí điểm nhân rộng tại 25 doanh nghiệp đóng tại 5 KCN, cũng thuộc 3 địa phương trên.
Sau thời gian thí điểm, mô hình trên đã giúp mỗi doanh nghiệp tham gia thực hiện có ít nhất 1 tuyên truyền viên về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Mỗi KCN tham gia thực hiện mô hình đều thiết lập thành công ít nhất 2 phòng tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Riêng hoạt động truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các KCN tham gia mô hình được cải thiện rõ rệt, 100% công nhân tiếp cận hoạt động truyền thông.
Đối với hoạt động tư vấn lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và phương tiện tránh thai, được đánh giá là trực tiếp cải thiện khía cạnh cần thiết trong đời sống nữ công nhân, đều gia tăng rất nhiều so với trước đó. Đáng chú ý là hoạt động tư vấn khám bệnh (1.875 lượt), tư vấn cấp phương tiện tránh thai (2.000 lượt), khám sức khỏe tiền hôn nhân (600 lượt), khám phụ khoa (1.738 lượt), siêu âm và siêu âm đầu dò (4.833 lượt), đặt vòng tránh thai và cấp phát bao cao su miễn phí…
Một hoạt động cần thiết mang nhiều ý nghĩa khác cũng thu nhiều kết quả trong thời gian thí điểm mô hình, đó là quá trình vận động lãnh đạo các KCN, lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp, công ty liên quan đến nhận thức “công nhân khỏe, hiệu xuất lao động tăng” diễn ra mạnh mẽ với hình thức phong phú, đa dạng.
Tại hội thảo, đại biểu đã thẳng thắng chia sẻ, đóng góp những khó khăn trong quá trinh thực hiện thí điểm Mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho công nhân một số khu công nghiệp. Trong đó, có khó khăn đến từ doanh nghiệp, có khăn khăn đến từ bản thân công nhân các KCN. Một số khó khăn khác đến từ đơn vị quản lý các KCN.
Đại diện công ty Simone Việt Nam (KCN Long Hậu, 100% vốn Hàn Quốc) nói tại hội thảo rằng đơn vị mình có 6.000 công nhân với 95% là nữ. Tham gia thực hiện thí điểm mô hình, không chỉ nữ công nhân phần khởi vì được chăm lo sức khỏe, mà lãnh đạo đơn vị cũng muốn tự nhân rộng tại cơ sở 2 (thuộc KCN Tân Hương, Tiền Giang) vì nhận thấy hiệu suất lao động tốt hơn.
Trong một đánh giá mang tính tổng thể, lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng trong thời gian thực hiện thí điểm, Ban chỉ đạo thực hiện mô hình đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể liên quan và cấp ủy-chính quyền địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng hành của hầu hết doanh nghiệp tham gia, nhờ đó những đối tượng yếu thế trong xã hội là giới công nhân được chăm sóc tốt hơn.
Dự kiến trong thời gian tới, ngoài mục tiêu dài hơi là xây dựng đề án trình Chính phủ nhằm chăm lo SKSS/KHHGĐ đối với nữ công nhân các KCN trên toàn quốc, theo Tổng cục DS-KHHGĐ trước mắt sẽ mở rộng mô hình tại 15 KCN thuộc 7 tỉnh, thành khác ngoài 3 địa phương Long An, Nghệ An, Nam Định.
Chiều cùng ngày, Phó tổng cục trưởng Hồ Chí Hùng cùng đại biểu tham dự hội thảo thực hiện chuyến tham quan KCN Long Hậu (tỉnh Long An), nơi có 15 doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm mô hình và thu nhiều kết quả nổi bật.
Toàn cảnh hội thảo.
Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội