GiadinhNet – Người ta vẫn nghĩ, nhóm gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế và trình độ học vấn thấp thường có tâm lý chuộng con trai hơn. Tuy nhiên, những kết quả thu thập, nghiên cứu được lại cho thấy kết quả bất ngờ: Ở những nhóm gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn và trình độ học vấn cao hơn thì tỉ số giới tính khi sinh (GTKS) lại càng cao.
Càng giàu, càng muốn có con trai
Theo những phân tích trước đây về các nguyên nhân khiến người Việt thích sinh con trai, ngoài yếu tố “nối dõi tông đường” và thờ cúng thì một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng là do an sinh xã hội. Có tới 70% người dân sống ở nông thôn, họ không có lương hưu, không có nguồn thu nhập đảm bảo cho tuổi già thường nương tựa vào con cái. Theo tập tục thì con gái định cư bên nhà chồng, là “con người ta”, tuổi già chỉ có thể dựa vào con trai và con dâu.
Chính vì những yếu tố đó, tâm lý phải sinh được “thằng chống gậy” (đã được phản ánh ở số báo trước) càng ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người dân. Nhưng một thực tế gần đây lại đang cho thấy, không chỉ người nghèo có mong muốn đẻ con trai để “già cậy con” mà bộ phận khá giả đến bộ phận giàu nhất cũng chạy đua trong việc “sinh quý tử” để thừa kế gia sản.
Anh Mạnh (ở Ninh Bình), một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh xe hơi cho biết, gia đình anh sinh được hai cô con gái rất xinh xắn, đáng yêu, học giỏi. Dù mọi người hay đùa là ai sinh nhiều con gái thường giàu, nhưng anh lại không thấy thoải mái với sự trêu đùa đó. Hơn một năm nay, vợ chồng anh thường ra nước ngoài để làm hỗ trợ sinh sản nhằm sinh được con trai. Chị Lan, vợ anh cho biết: “Thực tế nhà tôi không phải muốn sinh con trai để nương tựa tuổi già, mà đó là vì không chịu nổi áp lực của gia đình, họ tộc. Anh Mạnh là cháu trưởng của dòng họ, dù em trai anh ấy đã có con trai nhưng theo các cụ thì “dù mày giỏi giang, tài cán gì mà không có con trai nối dõi là vứt”, nên kiểu gì vợ chồng tôi cũng phải sinh cho được con trai”.
Cùng tâm trạng trên, anh Tuấn (ở Hà Nội), một nhà đầu tư tài chính được thừa kế gia tài kếch xù của bố mẹ cũng đau đáu chuyện làm thế nào đẻ được con trai. Theo anh Tuấn thì mỗi lần nghe thấy bạn bè gọi mình là “nhà từ thiện vĩ đại”, sau này tài sản và hai cô con gái được coi là làm “từ thiện” cho các chàng rể là anh càng thấy “cay cú”. Anh có hai người bạn kinh doanh bất động sản cùng sinh con một bề là gái cũng đang có tâm trạng làm thế nào để sinh được con trai. Bởi theo anh Hoàng – một trong hai người bạn của anh Tuấn: “Nếu không những thành quả mình gây dựng nên để thằng “trời ơi đất hỡi” hưởng thì thật đắng lòng”. Anh Hoàng cho biết, vợ anh năm nay 29 tuổi, đã sinh hai cô con gái. Anh và vợ bàn sẽ đẻ khi nào có con trai thì thôi. “Đẻ bao nhiêu tôi nuôi được hết, không sợ thiếu tiền, chỉ sợ không đẻ được thằng cu”, anh Hoàng nói.
Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy, nhóm 20% dân số nghèo nhất thường có tỉ số GTKS rất gần với mức tự nhiên là 105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Trong khi đó, với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112. Khi xem xét theo thứ tự sinh, nghiên cứu của UNFPA chỉ ra sự khác biệt của tỉ số GTKS theo 5 nhóm kinh tế – xã hội, cho thấy: Ở các lần sinh thứ nhất và thứ hai, các nhóm nghèo nhất và nghèo, đạt đỉnh ở mức chênh lệch là 111,9 rồi giảm xuống. Nhưng đối với các lần sinh thứ ba trở lên thì tỉ số GTKS ở nhóm dân số nghèo cũng chỉ nhỉnh hơn mức bình thường chút ít (108), trong khi ở 3 nhóm mức thu nhập trung bình, giàu và giàu nhất, tỉ số GTKS rất cao, lần lượt là 116, 121 và 133.
Mẹ học vấn càng cao, tỉ số GTKS càng lớn
Cũng từ nghiên cứu trên cho thấy, tỉ số này còn tăng tỷ lệ thuận với trình độ học vấn của người mẹ: Học càng cao lại càng lựa chọn sinh con trai hơn. Tỷ số mất cân bằng GTKS thấp nhất ở nhóm phụ nữ không biết chữ là 107 và tăng dần theo trình độ học vấn lên 111,4 ở nhóm THPT và học nghề và tới 114 ở nhóm bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên. Có thể thấy, những phụ nữ có trình độ giáo dục cao sống trong các hộ gia đình khá giả về tiềm lực tài chính, dễ dàng tiếp cận với các kỹ thuật chọn lọc giới tính trước khi sinh hiện đại, tỉ số GTKS càng cao.
Ngoài các nguyên nhân do yếu tố tâm lý chuộng con trai và áp lực muốn sinh ít con nhưng phải có con trai thì một nguyên nhân khá quan trọng ảnh hưởng đến tỉ số GTKS là sự xuất hiện các biện pháp chẩn đoán trước sinh hiện đại trong nước. Cuộc điều tra biến động DS-KHHGĐ năm 2013 cho thấy, 96% phụ nữ có sử dụng dịch vụ khám thai trong lần mang thai gần nhất của họ. Dịch vụ siêu âm rất phổ biến ở nước ta, bất chấp quy luật cấm tiết lộ giới tính thai nhi. Cũng theo nguồn số liệu này, 83% bà mẹ biết về giới tính của con mình trước khi sinh nhờ công nghệ siêu âm.
Để nâng cao nhận thức người dân, nhằm giảm tình trạng mất cân bằng GTKS, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác truyền thông chuyển đổi hành vi trong giai đoạn 2016 – 2020 với trọng tâm tăng cường sự hiểu biết về mất cân bằng GTKS. Phấn đấu 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hiểu biết đầy đủ các hành vi bị cấm về lựa chọn giới tính thai nhi và 90% nam giới, phụ nữ từ 15 tuổi trở lên hiểu biết về nguyên nhân và tác hại của mất cân bằng GTKS. Ngoài ra, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về việc thực hiện hiệu quả KHHGĐ, giảm sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các địa phương và giữa các tầng lớp dân cư, góp phần duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Trong đó, để công tác truyền thông chuyển đổi hành vi đạt kết quả tốt nhất thì việc tăng cường lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, các ngành, đoàn thể nhằm phát huy lợi thế của các vấn đề dân số, đảm bảo sự thích ứng của xã hội với sự chuyển đổi nhân khẩu học và đảm bảo tính hiệu quả của chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được xem là một trong những mục tiêu cần được chú trọng hơn nữa.
Theo UNFPA, hình thức phân biệt đối xử và thiên vị giới tính từ những lần sinh đầu tiên ở nhiều gia đình là rất đáng quan tâm, vì nó đã đóng góp vào tình trạng mất cân bằng GTKS của cả nước khi số trẻ em trai dư thừa từ lần sinh đầu tiên chiếm tới 40%.
Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội