GiadinhNet – Ngày 20/4, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 1472/QĐ-BYT về việc ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (mcbgtks) giai đoạn 2016 – 2025. Trước đó, ngày 23/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án này. Đây là một Đề án mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục về giảm thiểu MCBGTKS, định hình vững chắc quan điểm, nhận thức về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ…
Giảm thiểu hậu quả của việc MCBGTKS
Việc triển khai có hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGTKS sẽ trực tiếp góp phần làm giảm thiểu các hậu quả về an ninh và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Bên cạnh đó, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, cải thiện bình đẳng giới, tác động tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Vài năm trước, câu chuyện về một phụ nữ tại một tỉnh phía Bắc phải “năm lần bảy lượt” phá thai để “sinh bằng được” cho nhà chồng một “quí tử” đã khiến dư luận hết sức xôn xao. Đây là một trong vô vàn những sự thật đau lòng về áp lực sinh con trai “nối dõi tông đường” và quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại nặng nề ở nhiều gia đình Việt Nam. Tư tưởng này được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về dân số nhận định là nguyên nhân gốc rễ trong vấn nạn MCBGTKS ở nước ta hiện nay.
MCBGTKS đang là mối quan ngại ngày càng tăng ở một số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, tỷ số này đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2014) và xu hướng này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Hiện 55/63 tỉnh, thành đang có TSGTKS 108 bé trai/100 bé gái. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.
Thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng cố sinh con thứ ba và muốn đó là con trai. Họ lựa chọn giới tính cho con ngay từ trước khi mang thai như tìm đọc các loại sách, các mẹo mách nhau ăn gì để sinh con trai, tính ngày rụng trứng, siêu âm để biết thời điểm trứng rụng. Thậm chí, áp dụng cả phương pháp dân gian như thụ thai tháng nào thì có con trai hay gái(?!).
Theo đánh giá của những người làm công tác DS-KHHGĐ, việc lạm dụng kỹ thuật siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi và nạo phá thai với lý do giới tính đang diễn ra phức tạp, rất khó kiểm soát, gây khó khăn trong việc ổn định TSGTKS theo quy luật tự nhiên.
Nỗ lực nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái
Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, thời gian vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới. Tiêu biểu là sự kiện Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu MCBGTSK với chủ đề “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi” do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức cuối năm 2015.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã nhấn mạnh: “Khi phụ nữ và các em gái được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai vẫn làm, thậm chí có thể làm tốt hơn”.
Ngày 15/3/2016, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường giải quyết tình trạng MCBGTKS. Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, TSGTKS vẫn ở mức cao và có xu hướng lan rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững.
Trên cơ sở đó, ngày 20/4 vừa qua, Bộ Y tế đã ký Quyết định triển khai Đề án Kiểm soát MCBGTSK giai đoạn 2016 – 2025 (Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/3). Đây là một quyết định mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục về công tác này, định hình vững chắc quan điểm, nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng.
Cụ thể, mục tiêu Đề án đề ra là phấn đấu giảm tốc độ tăng TSGTKS xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115/100 vào năm 2020. Ở các tỉnh có TSGTKS từ 115/100 trở lên, giảm TSGTKS ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016 – 2020; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng TSGTKS, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107/100 sau năm 2025, đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Để thực hiện được mục tiêu trên, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sự cam kết vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.
Một số nhiệm vụ chủ chốt mà Đề án đưa ra, đó là: Nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS; tăng cường truyền thông, giáo dục các đối tượng có liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn giới tính thai nhi; thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới với nội dung, hình thức thích hợp cho từng cấp học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành bình đẳng giới và định hình vững chắc quan điểm nhận thức về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, cần đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật quy định về kiểm soát MCBGTKS kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Việc triển khai có hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGTKS sẽ trực tiếp góp phần làm giảm thiểu các hậu quả về an ninh và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Bên cạnh đó, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, cải thiện bình đẳng giới, tác động tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Riêng với chương trình DS-KHHGĐ, việc thực hiện Đề án góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược dân số, đặc biệt là đóng góp trực tiếp vào việc giảm MCBGTKS của cả nước, có tác dụng lan tỏa trở thành phong trào ở các địa phương, tạo nền tảng tiến tới đạt mức cân bằng giới tính tự nhiên khi sinh trên phạm vi cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, để giảm tình trạng MCBGTKS là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự góp sức, tập trung trí tuệ, sự sáng tạo của những nhà khoa học, nhà quản lý, người tham gia công tác xã hội và của tất cả mọi người quan tâm đến sự phát triển của đất nước, dân tộc. Ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: “Đây là một việc làm rất gian nan và khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn chúng ta vẫn phải kiên trì và quyết liệt thực hiện, nhằm giảm tối đa những hệ lụy của MCBGT trong tương lai”.
Hai giai đoạn của Đề án
– Từ 2016 – 2020: Tập trung triển khai các nghiên cứu về MCBGTKS, triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp các dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên phạm vi cả nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm giảm đáng kể tốc độ gia tăng TSGTKS.
– Từ 2021 – 2025: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động truyền thông; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp các dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên phạm vi cả nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm giảm đáng kể tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại gần mức cân bằng tự nhiên.
Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội