Châu Á – Thái Bình Dương với số người trong độ tuổi lao động cao nhất lịch sử: “Bùng nổ” dân số trong độ tuổi lao động

0
352

GiadinhNet – Số người trong độ tuổi lao động chiếm 68% dân số toàn khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Theo nhận định của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP): “Nếu các nước trong khu vực không bắt đầu lên kế hoạch để tận dụng sự thay đổi về nhân khẩu học này, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư cho tương lai”.

Việt Nam đang là một trong những nước có lợi thế về tiềm năng lao động. Ảnh: Chí Cường
Việt Nam đang là một trong những nước có lợi thế về tiềm năng lao động. Ảnh: Chí Cường

Cơ hội duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng

Sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất chưa từng thấy trong lịch sử. Nếu như ở châu Âu, phải mất hàng thế kỷ mới có được sự “bùng nổ” dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ cần 30 năm để đạt được điều này.

Trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Phát triển con người của khu vực tại Hà Nội ngày 27/4, UNDP khuyến nghị: “Nếu các nước trong khu vực không bắt đầu lên kế hoạch để tận dụng sự thay đổi về nhân khẩu học này, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư cho tương lai”.

Báo cáo “Định hình tương lai: Nhân khẩu học thay đổi có thể là động lực cho phát triển con người thế nào?” cho biết các nước châu Á – Thái Bình Dương hiện nay có số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn và số người phụ thuộc ít hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Điều này tạo bàn đạp cho sự tăng trưởng. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 68% dân số toàn khu vực và số người phụ thuộc chiếm 32%.

Ông Thangavel Palanivel, tác giả chính của Báo cáo nhấn mạnh: “Nếu một quốc gia có nhiều người trong độ tuổi lao động, có thể làm việc, tiết kiệm và nộp thuế thì quốc gia đó có tiềm năng chuyển đổi nền kinh tế và đẩy mạnh đầu tư cho y tế, giáo dục và xây dựng sự thịnh vượng trong tương lai”.

Báo cáo kêu gọi các quốc gia khẩn trương xây dựng kế hoạch và khuyến nghị “9 hành động vì phát triển bền vững”. Đây là những chính sách cụ thể phù hợp với tình hình nhân khẩu học của mỗi nước. Đối với các quốc gia có số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ lớn, UNDP kêu gọi chính phủ tạo ra việc làm phù hợp với lực lượng lao động và bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời có giải pháp biến tiết kiệm thành đầu tư trong khu vực.

Đối với các quốc gia có dân số trẻ thì cần phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe, để thanh niên rời ghế nhà trường có thể làm việc một cách hiệu quả, đồng thời phải khuyến khích sự tham gia của thanh niên trong đời sống xã hội.

Ở những quốc gia có dân số già hơn, chính phủ cần thiết kế một hệ thống lương hưu hợp lý, bền vững, hỗ trợ người cao tuổi tham gia nhiều hoạt động xã hội và thúc đẩy giá trị của mỗi công dân cao tuổi. Nếu người cao tuổi muốn làm việc, cần đảm bảo rằng họ có thể đóng góp những kỹ năng và kinh nghiệm của mình trong thị trường lao động.

Ông Từ Hạo Lương, trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNDP, cho biết “Thời gian từ nay đến năm 2050 là cơ hội để tăng năng suất, đầu tư vào phát triển và tiết kiệm cho tương lai. Nếu các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương không tạo được điều kiện làm việc tối ưu thì nền kinh tế của khu vực sẽ bắt đầu chậm lại vào năm 2050 khi số lượng dân số trong độ tuổi lao động hiện tại sẽ bắt đầu nghỉ hưu”.

Cơ hội tận dụng cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam

Từ Báo cáo Phát triển con người của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có thể thấy, Việt Nam đang là một trong những nước có lợi thế về tiềm năng lao động.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để lực lượng lao động nước ta tiếp thu khoa học kỹ thuật, linh hoạt chuyển đổi ngành nghề, nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30 – 35 năm, thậm chí là 40 – 50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quí giá này.

Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

Thực tế cho thấy, cơ hội dân số vàng không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là một cơ hội hiếm hoi chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã từng trải qua thời kỳ này. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ dân số vàng để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 – 200 năm sau.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch tận dụng cơ hội “dân số vàng” và ứng phó với những thách thức của giai đoạn già hóa hiện nay trước khi quá muộn… GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Để đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” và đương đầu được với thách thức dân số “siêu già” của thời kỳ “hậu dân số vàng”, cần tận dụng những vận hội do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. “Mỏ vàng không khai thác thì còn, “cơ cấu dân số vàng”, nếu không khai thác thì sẽ hết. Bởi vậy, nhận rõ, nắm bắt và tận dụng cơ hội này càng sớm, càng tốt, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là của mỗi người dân”, GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Cơ hội “dân số vàng” đặt ra không ít thách thức, đó là lao động thất nghiệp gia tăng trong nhóm trẻ tuổi, biểu hiện ở con số trên 50% đối tượng thất nghiệp là người trẻ; 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất trong dài hạn của Việt Nam đã giảm sút. Trong vòng 20 – 30 năm nữa, tận dụng cơ hội “dân số vàng” để tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng. Điều này không thể chờ đợi được nữa, nếu như chúng ta không muốn già trước khi giàu, thậm chí già mà vẫn nghèo”.

Cần chia sẻ kinh nghiệm

Chiếm 58% số người trong độ tuổi lao động trên toàn thế giới, châu Á – Thái Bình Dương sẽ có ảnh hưởng đến cả các nước ngoài khu vực. “Tăng trưởng, việc làm và di cư ở các nước phương Tây được gắn bó chặt chẽ với những gì xảy ra ở các nước phương Đông”, ông Từ Hạo Lương cho biết. Không có một giải pháp chung cho tất cả các quốc gia, nhưng sự đa dạng của khu vực tạo cơ hội cho sự hợp tác Nam – Nam (việc trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển ở nam bán cầu – PV). Các chính phủ cần chia sẻ kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch tài chính dài hạn, bao gồm cả việc sử dụng bền vững các nguồn thuế thu được. Hợp tác hiệu quả cũng có thể khuyến khích sự di cư an toàn từ các quốc gia có dân số trẻ đến các quốc gia có dân số già trong khu vực và giảm sự di cư ồ ạt của nhiều người dân đến châu Âu.

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội