Công tác DS-KHHGĐ tại TPHCM: Chính quyền tập trung nguồn lực cho công tác dân số

0
121

GiadinhNet – Trong tháng Tư đầy ký ức hào hùng, đánh dấu thời khắc 41 năm đất nước được giải phóng, Bắc Nam thống nhất, những người làm công tác DS-KHHGĐ ở TPHCM vừa chung niềm vui với cả nước, vừa riêng niềm hân hoan công việc được thuận lợi, khởi sắc nhờ sự ủng hộ hết lòng của các cấp ủy, chính quyền của một đô thị năng động, sáng tạo.

Ra quân thực hiện chiến dịch DS-KHHGĐ đợt 1/2016 hôm 20/4 tại TPHCM. Ảnh: TL
Ra quân thực hiện chiến dịch DS-KHHGĐ đợt 1/2016 hôm 20/4 tại TPHCM. Ảnh: TL

Truyền thông dân số trong các rạp chiếu phim

Ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM đã chia sẻ với PV Báo GĐ&XH về những thành công trong nỗ lực giúp người dân (đặc biệt là với nhóm dân cư yếu thế) được hưởng lợi nhiều hơn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trị rất phấn khởi khi đề cập đến bản kế hoạch hoạt động trong năm nay với sự phê duyệt của lãnh đạo thành phố. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm hết sức thiết thực của chính quyền đối với công tác dân số.

“Thuận lợi đầu tiên có thể kể đến là chuyện cấp ngân sách cho hoạt động dân số.Với bản kế hoạch do UBND TPHCM ký và ban hành, chuyện Chi cục DS-KHHGĐ làm việc cùng Sở Tài chính về kinh phí hoạt động trong năm trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Thứ đến là thuận lợi trong việc triển khai hoạt động xuống đến 24 quận/huyện. Với tinh thần chung tay vì sự nghiệp dân số, trước nay cấp ủy, chính quyền các quận/huyện đã đồng hành hết lòng, nay với sự quan tâm được thể hiện cụ thể hơn của Thành ủy, UBND thành phố, các đơn vị cơ sở còn vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa”, ông Trị chia sẻ thêm.

Trong tình hình khó khăn chung của ngành DS-KHHGĐ cả nước về kinh phí, việc vận động các nguồn lực của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố càng trở nên thiết thực, hữu ích hơn bao giờ hết. Theo ông Trị, việc tranh thủ được nguồn lực đầu tư vừa đảm bảo công tác được thông suốt, vừa gia tăng lợi ích đối với người dân trên địa bàn thành phố.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM không ngừng triển khai các hoạt động, mới đây nhất là Lễ ra quân đợt 1 “Chiến dịch lồng ghép truyền thông với cung ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số”. Ông Trị cho hay, nếu không có sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố với nguồn kinh phí tại chỗ (48 tỷ đồng cho năm 2016) thì Chi cục khó lòng triển khai được hoạt động ngay từ đầu năm.

Hiệu quả vận động của Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM còn rộng mở hơn với hàng loạt sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị khác. Đầu tháng Tư vừa qua, đại diện lãnh đạo 10 cơ quan, đơn vị trên địa bàn cùng ký cam kết tiếp sức lĩnh vực dân số bằng những hoạt động cụ thể, phù hợp. Cuộc vận động vì sự nghiệp dân số của Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM còn vươn tới hàng loạt đơn vị kinh tế tư nhân khác trong nỗ lực gia tăng lợi ích thiết thực đối với người dân.

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phúc An Khang vừa giúp người, giúp của và giúp cả chuyên môn, đồng hành cùng ngành Dân số TPHCM chăm lo sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn, với tổng kinh phí tính đến nay đã hơn 1 tỷ đồng. Cụm rạp chiếu bóng Galaxy đã từ bỏ khoản thu quảng cáo vài trăm triệu đồng/tháng để giúp ngành Dân số tiếp cận giới trẻ bằng việc trình chiếu các video truyền thông về dân số, chăm sóc SKSS vị thành niên trước giờ chiếu bộ phim chính. Toàn bộ hệ thống bệnh viện công – tư trên địa bàn TPHCM đều hỗ trợ trình chiếu thông tin liên quan đến hoạt động DS-KHHGĐ trên các màn hình lớn tại sảnh chờ. “Sắp tới đây, các doanh nghiệp phụ trách hệ thống xe buýt tại thành phố cũng sẽ ủng hộ việc truyền thông cho ngành Dân số. Với sự tiếp sức của nhiều đơn vị, lĩnh vực truyền thông DS-KHHGĐ tại TPHCM đã có rất nhiều kênh tiếp cận cộng đồng”, ông Trị vui vẻ chia sẻ thêm.

Trong các cuộc làm việc với địa phương, lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ thường xuyên lưu ý, cốt lõi của công tác dân số vẫn là truyền thông – vận động. Sự lưu ý này luôn cần thiết, bởi chỉ thông qua truyền thông – vận động thì cấp ủy, chính quyền các cấp mới thực sự quan tâm, cộng đồng xã hội mới cùng chung tay góp sức. Lúc đó ngành Dân số mới có đủ nguồn lực chăm lo người dân theo lĩnh vực hoạt động của mình.

Chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân

Cách đây 5 năm, TPHCM là địa phương trên cả nước tiên phong triển khai hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ miễn phí đến giới nữ công nhân tại các khu công nghiệp/khu chế xuất (KCN/KCX). Kế hoạch này được Chi cục DS-KHHGĐ xây dựng và tham mưu giúp lãnh đạo UBND thành phố phê duyệt, ban hành.

Ông Trần Văn Trị cho hay: “Vào thời điểm đó, Ban lãnh đạo Chi cục nhận thấy các KCN/KCX ngày càng nhiều và thu hút lượng nữ công nhân quá lớn, mà đa phần là nhập cư. Trong lĩnh vực chăm lo SKSS/KHHGĐ, giới nữ công nhân rất thiệt thòi vì ít thời gian để tìm hiểu thông tin và tiếp cận dịch vụ, lại ít cả tiền bạc để sử dụng các dịch vụ liên quan. Để lấp khoảng trống này, Ban lãnh đạo Chi cục đã quyết tâm chăm lo miễn phí SKSS/KHHGĐ cho các nữ công nhân. Chia sẻ ước nguyện này của những người làm công tác dân số, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM đã đồng ý để chúng tôi triển khai thực hiện thí điểm 5 năm. Nhờ đó mà từ tháng 9/2011, Phòng khám SKSS/KHHGĐ thuộc Chi cục ra đời. Đây là đơn vị chuyên chăm lo miễn phí giúp chị em công nhân, vừa tại trụ sở, vừa đi xuống tận nơi công nhân làm việc”.

Tháng Tư này cũng là thời điểm kết thúc 5 năm thí điểm Chương trình chăm lo SKSS/KHHGĐ miễn phí dành cho công nhân tại các KCN/KCX. Là một người gần gũi nhất với hoạt động này suốt 5 năm qua, BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông – Giáo dục Chi cục DS-KHHGĐ thành phố chia sẻ: “Đây là một hành trình đầy gian nan nhưng không cản nổi bước chân người làm dân số”. Theo BS Yến, điều gian nan nhất là tiếp cận các chị em công nhân. Tại thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình này, số liệu cho thấy TPHCM có khoảng 220.000 nữ công nhân tại các KCN/KCX và 70% trong số đó còn hiểu rất “lơ mơ” về quan hệ tình dục an toàn; 46% chị em công nhân mắc bệnh phụ khoa thông thường; hơn 30% chị em chưa được cung tâp thông tin về SKSS/KHHGĐ. “Chúng tôi tiếp cận chị em công nhân để truyền thông, cung ứng dịch vụ SKSS/KHHGĐ miễn phí vào bất kỳ thời gian nào họ và chủ các doang nghiệp đồng ý”, BS Đặng Phi Yến giải thích thêm.

Với tính nhân văn sâu đậm và lòng nhiệt tâm của những người làm công tác dân số, tình hình ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chị em công nhân thì “mê tít” chương trình, còn chủ các doanh nghiệp cũng nhận ra sự cần thiết của việc chăm lo SKSS/KHHGĐ cho công nhân của mình. Sau 5 năm hoạt động, cả hai mặt khám – điều trị và truyền thông – tư vấn đều được triển khai đồng bộ, thu hiệu quả thiết thực. Tổng cộng có gần 70.000 chị em công nhân đã được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động này.

“Chúng tôi đã thực hiện Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình chăm lo SKSS/KHHGĐ miễn phí và báo cáo Thành ủy, UBND với đề xuất tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới. Thời gian tới, UBND TPHCM sẽ xem xét việc tiếp tục phê duyệt Đề án. Chúng tôi tin rằng, với nỗ lực, hiệu quả và lợi ích thiết thực mà hoạt động này đã mang đến cho người dân, đặc biệt là những nữ công nhân nhập cư đang góp phần tạo ra của cải xã hội, chương trình này sẽ được tiếp tục”, ông Trần Văn Trị bày tỏ.

Chị Lê Thúy Vi – một nữ công nhân tại Công ty giày Lạc Tỷ chia sẻ: “Là công nhân đi làm xa nhà, phải ở trọ, điều kiện khá khó khăn nên bản thân tôi rất ít khi đi khám sức khỏe. Nay Phòng khám SKSS/KHHGĐ thành phố về tận công ty tôi khám, điều trị các bệnh phụ khoa miễn phí cho chị em. Tôi thấy việc làm này rất cần thiết, chị em không phải đi xa, không mất thời gian vừa đảm bảo sức khỏe, công việc không bị ảnh hưởng”.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM vừa phối hợp cùng cấp ủy/chính quyền thị trấn Tân Túc (Huyện Bình Chánh) tổ chức Lễ ra quân thực hiện Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số năm 2016. Chiến dịch được triển khai tại 24 quận – huyện và 82 phường-xã, thị trấn trên địa bàn và chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 15/4 đến 15/5; đợt 2 từ ngày 15/9 đến 15/10.

Theo ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, ngoài cao điểm tuyên truyền, tư vấn, vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, chiến dịch năm nay tiếp tục tập trung vào một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng dân số. Do đó, khi tham gia chiến dịch, người dân được tiếp cận với các gói dịch vụ như: Khám sức khỏe tiền hôn nhân cho đối tượng là nam, nữ thanh niên sắp kết hôn; sàng lọc trước sinh cho phụ nữ đang mang thai từ tuần thai thứ 11 đến 14 có hoàn cảnh khó khăn đang cư trú trên địa bàn. Thông qua việc khám thai, sử dụng siêu âm để phát hiện những dấu hiệu bất thường về hình thể thai nhi. Tư vấn và giới thiệu những trường hợp có dấu hiệu bất thường đến các cơ sở y tế tuyến trên về sàng lọc trước sinh…

Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội