Hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc khi sinh con đúng chính sách dân số: Góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân

0
256

GiadinhNet – Liên bộ Y tế – Tài chính – LĐ,TB&XH vừa ban hành Thông tư liên tịch 07 quy định chi tiết Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Theo Bộ Y tế, số lượng phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số thuộc hộ nghèo hiện nay khoảng 97.500 người/năm. Ảnh: Dương Ngọc
Theo Bộ Y tế, số lượng phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số thuộc hộ nghèo hiện nay khoảng 97.500 người/năm. Ảnh: Dương Ngọc

Giải pháp mang tính nhân văn

Ngày 27/4/2015, Nghị định số 39/2015/NĐ/CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 15/6/2015.

Theo Nghị định số 39/2015/NĐ/CP, phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con. Có thể nói, Nghị định ra đời góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thực tế, phần lớn phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn khi sinh con, nhất là thiếu thốn về kinh tế.

Nghị định quy định rõ, đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sinh một hoặc hai con; sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người, hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ KH&ĐT; sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận…

Nghị định cũng quy định, đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 2 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con.

Hướng dẫn thủ tục và quy định rõ trách nhiệm

Để hướng dẫn việc thực hiện Nghị định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi kinh phí hỗ trợ; nguồn kinh phí; lập dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách Nhà nước; chế độ báo cáo; trách nhiệm của các cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, ngày 15/4/2016, Liên bộ Y tế – Tài chính – LĐ,TB&XH đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH

Đối tượng hưởng chính sách hoặc người thân trực tiếp của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ lập một bộ hồ sơ theo quy định trên gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới UBND cấp xã. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, UBND cấp xã xác minh các tiêu chí áp dụng cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ; ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí; thông báo và thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ cho đối tượng hưởng chính sách.

Thông tư cũng nêu rõ: Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày phát hiện đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận kinh phí hỗ trợ nhưng vi phạm cam kết, sinh thêm con trái chính sách dân số, UBND cấp xã ban hành Quyết định thu hồi kinh phí, gửi Quyết định và Thông báo thu hồi kinh phí cho đối tượng đã nhận hỗ trợ. Trong thời gian 45 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định và Thông báo, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận kinh phí hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả kinh phí tại UBND. Kinh phí hoàn trả được nộp lại ngân sách Nhà nước theo quy định.

Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện bao gồm: UBND cấp xã, Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, Phòng Tài chính, Phòng LĐ,TB&XH, Chi cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở LĐ,TB&XH, UBND cấp tỉnh và cấp huyện, Tổng cục DS-KHHGĐ. Trong đó, Tổng cục DS-KHHGĐ có trách nhiệm: Hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; giúp Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo hàng năm với Chính phủ việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong phạm vi cả nước; tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư này.

Thông tư cũng quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2016.

Hồ sơ xét hưởng chính sách hỗ trợ

Theo tính toán của Bộ Y tế, với số lượng phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số thuộc hộ nghèo hiện nay là 97.500 người/năm; với mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người thì ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 195 tỷ đồng/năm.

Thông tư liên Bộ hướng dẫn hồ sơ xét hưởng chính sách hỗ trợ gồm:

1. Tờ khai đề nghị hỗ trợ kinh phí sinh con đúng chính sách dân số của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Thân nhân trực tiếp của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện kê khai trong trường hợp đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã chết hoặc không biết chữ, sức khỏe yếu, không tự khai được.

2. Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu một số giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, bao gồm:

a) Giấy đăng ký kết hôn đối với đối tượng hưởng chính sách là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số.

b) Kết luận của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương đối với trường hợp sinh con thứ ba nếu đã có hai con đẻ, nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền;

Trong Thông tư cũng nói rõ, thân nhân trực tiếp của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện kê khai trong trường hợp đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã chết hoặc không biết chữ, sức khỏe yếu, không tự khai được. Hồ sơ có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới UBND cấp xã.

Sinh đủ hai con – ích nước lợi nhà

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ: Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, để đạt được mức sinh thay thế là khó, lâu dài nhưng để duy trì được mức sinh thay thế, tránh rơi vào mức sinh giảm xuống thấp, nhất là khi kinh tế – xã hội đã phát triển, chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng lên thì còn khó khăn nhiều hơn. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Tân, duy trì mức sinh thấp hợp lý là một trong những chỉ tiêu của Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó, năm 2015 quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người, tổng tỷ suất sinh vào khoảng 1,9 con và năm 2020 tương ứng là 98 triệu người và 1,8 con.

Ông Nguyễn Văn Tân cho biết: “Để làm được điều đó, chúng ta cần linh hoạt về chính sách: Với các tỉnh có mức sinh cao, chưa đạt mức sinh thay thế cần hạ mức sinh và phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Những tỉnh, thành phố mức sinh đã xuống thấp như TPHCM, cần duy trì để mức sinh không giảm nữa, rồi từng bước nâng dần lên”.

Bắt đầu từ năm 2013, thông điệp dân số cũng có sự thay đổi từ “Mỗi cặp vợ chồng sinh từ một đến hai con” chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ hai con”. Khẩu hiệu mới về cơ bản không thay đổi so với khẩu hiệu trước mà chỉ bao gồm hàm ý cần duy trì mức sinh hợp lý, không để mức sinh giảm xuống quá thấp đối với một số địa phương như TPHCM và một số tỉnh xung quanh. Đây cũng không phải là sự nới lỏng về chính sách dân số, không khuyến khích các gia đình có nhiều con mà hãy “sinh đủ hai con”, nhất là với những người đã sinh một con và ở những vùng có mức sinh thấp. Như vậy, thông điệp của ngành Dân số vẫn nhất quán là tiếp tục vận động các cặp vợ chồng không sinh ba con trở lên. Đối với những người đã có hai con rồi thì dừng lại, kể cả con trai cũng như con gái vì quy luật tự nhiên đã có sự cân bằng giữa số nam và số nữ.

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội