Hội thảo Chính sách và pháp luật về y tế, dân số

0
101

GiadinhNet – Ngày 27/6, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chính sách và pháp luật về y tế, dân số”.

Tham dự Hội thảo có các lãnh đạo đến từ Ủy ban về các vấn đề xã hội; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dân số trên cả nước.


Toàn cảnh Hội thảo Chính sách và pháp luật về y tế, dân số diễn ra ngày 27/6 tại Hà Nội. Ảnh N.Mai

Toàn cảnh Hội thảo Chính sách và pháp luật về y tế, dân số diễn ra ngày 27/6 tại Hà Nội. Ảnh N.Mai

Hội thảo được chia thành hai chuyên đề thảo luận là “Thúc đẩy và đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân” và “Dân số và định hướng chính sách về chăm sóc người cao tuổi”.

Phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu tập trung “mổ sẻ” các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính y tế, bảo hiểm y tế toàn dân. Đề cập đến những vấn đề còn tồn tại trong chính sách tài chính y tế, TS Trần Thị Mai Oanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay việc huy động nguồn tài chính y tế chưa thực sự bền vững trong tạo nguồn tài chính công.

Cụ thể, nguồn ngân sách Nhà nước không cao (chiếm 35%), nguồn bảo hiểm xã hội thấp (19%), chủ yếu từ nguồn hộ gia đình (44,3%); mức phân bổ ngân sách nhà nước cho y tế khó tăng lên, tốc độ tăng chi cho y tế thấp hơn tốc độ tăng GDP; việc cân đối thu chi bảo hiểm y tế khó khăn trong mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tăng giá viện phí, tăng tần suất sử dụng dịch vụ, gia tăng chi phí khám chữa bệnh, viện trợ bị cắt giảm.


Tham dự Hội thảo có các lãnh đạo đến từ Ủy ban về các vấn đề xã hội; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dân số trên cả nước. Ảnh N.Mai

Tham dự Hội thảo có các lãnh đạo đến từ Ủy ban về các vấn đề xã hội; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dân số trên cả nước. Ảnh N.Mai

Bên cạnh đó, mức phân bổ và sử dụng kinh phí chưa phù hợp. Vẫn còn diễn ra tình trạng lãng phí trong sử dụng thuốc, kỹ thuật y tế; việc xác định các thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế trong gói quyền lợi của bảo hiểm y tế chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu bằng chứng về tính chi phí hiệu quả và chưa dựa trên quy trình minh bạch; chưa sử dụng công cụ giá một cách chiến lược để điều chỉnh số lượng, chất lượng dịch vụ cung ứng.

Ngoài ra, theo TS Trần Thị Mai Oanh, phương thức chi trả dịch vụ y tế chưa hợp lý; mức độ bảo vệ rủi ro về tài chính chưa cao; có sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, sử dụng dịch vụ y tế và mức độ bảo vệ rủi ro về tài chính giữa nhóm thu nhập cao và thấp, giữa miền núi và thành thị, giữa dân tộc ít người và người Kinh.


Các đại biểu đến từ Bộ Y tế tham dự tại Hội thảo. Ảnh N.Mai

Các đại biểu đến từ Bộ Y tế tham dự tại Hội thảo. Ảnh N.Mai

Để đảm bảo công bằng về tài chính y tế hiện nay, GS.TS Phạm Mạnh Hùng – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Một nền y tế tốt là một nền y tế có khả năng phòng bệnh và chữa bệnh tốt đồng thời phải là một nền y tế có cơ chế tài chính tốt đảm bảo để người dân không bị nghèo hóa do không vượt qua nổi những gánh nặng chi phí. Do đó, xây dựng một cơ chế tài chính tốt trong y tế là nhiệm vụ của ngành y tế”.

Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng, hiện nay, mặc dù tỷ trọng ngân sách công trong tổng chi y tế có tăng nhưng tỷ trọng của tiền túi người dân vẫn cao (vẫn trong ranh giới gây ra mất công bằng); tỷ trọng của bảo hiểm y tế có tăng nhưng chưa đạt kỳ vọng…


Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh N.Mai

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh N.Mai

Vì vậy, cần xác định tỷ trọng giữa nguồn chi trả trực tiếp của người dân bao nhiêu là vừa, nhưng không thể để xấp xỉ hoặc lớn hơn 50%; tập trung mổ sẻ vấn đề bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, phải xây dựng bộ phận chuyên trách thống kê tài chính y tế Việt Nam để đưa ra con số thống nhất và có những nhận định nhất quán về xu thế tài chính đảm bảo công bằng trong y tế.

Trong bối cảnh già hóa dân số ở nước ta hiện nay, nội dung chuyên đề hai tập trung thảo luận về vấn đề định hướng chính sách chăm sóc người cao tuổi. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết: Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống. Già hóa dân số làm thay đổi cơ cấu chi của mỗi gia đình và cơ cấu chi của toàn xã hội.


Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh N.Mai

Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh N.Mai

Phân tích rõ về vấn đề này, GS.TS Phạm Thắng – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, chi phí y tế cho người cao tuổi cao gấp 7-10 lần người trẻ, trong đó người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, tuy nhiên khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu bác sỹ chuyên khoa lão khoa, điều dưỡng viên lão khoa, thiếu kiến thức về lão khoa và người chăm sóc.

Do đó, theo GS.TS Phạm Thắng, trong thời gian tới cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thành lập Khoa Lão tại các bệnh viện, tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh. Tại y tế cơ sở, nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi; từng bước phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; chú trọng phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài ngày, tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi.

Mai Thùy