Việt Nam Nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ: Tỷ lệ đến trường của trẻ em gái và trẻ trai ngang nhau

0
123

GiadinhNet – Chính phủ Việt Nam luôn xác định việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ là mục tiêu quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt và liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội, lấy việc cải thiện điều kiện sống của con người làm trọng tâm. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, cách làm phù hợp với hoàn cảnh, phát huy sức mạnh tổng hợp và tham khảo các bài học kinh nghiệm của các nước trong quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế trẻ em gái và phụ nữ. Ảnh: P.V
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế trẻ em gái và phụ nữ. Ảnh: P.V

Tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho trẻ em gái và phụ nữ

Trong bản Báo cáo quốc gia “Kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam” hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững – Vì một thế giới không ai bị bỏ lại phía sau, đại diện Bộ Kế hoạch& Đầu tư đã nhấn mạnh hai nhóm bài học kinh nghiệm chính từ 15 năm thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ: Quốc gia hóa và lồng ghép các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào hệ thống các kế hoạch, chương trình, chính sách của quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Đồng thời, xây dựng mô hình tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển vì người nghèo.

8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã ký cam kết với Liên hợp quốc gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói; Phổ cập giáo dục tiểu học; Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; Giảm tử vong ở trẻ em; Tăng cường sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm; Đảm bảo bền vững môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển. Trong 8 Mục tiêu trên, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 3 mục tiêu (Xóa bỏ tình trạng nghèo cực cùng, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận các mục tiêu còn lại.

Trên thực tế, rất ít quốc gia đã đạt được kết quả như Việt Nam. Việt Nam đạt được những thành tựu này là nhờ sự nỗ lực hành động của cả cộng đồng theo hướng thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Một trong những điểm mạnh của các Mục tiêu này là được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm thực tế của cuộc sống. Những thành tựu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ tại Việt Nam đã tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho cuộc sống của người dân.

Sự phân biệt về giới tính đã được loại bỏ trong hệ thống giáo dục

Tỷ lệ nhập học bậc tiểu học của Việt Nam đã đạt đến 99%. Ảnh: Chí Cường
Tỷ lệ nhập học bậc tiểu học của Việt Nam đã đạt đến 99%. Ảnh: Chí Cường

Khoảng hơn 43 triệu người (45% tổng dân số Việt Nam) đã thoát khỏi nghèo đói. Tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đạt đến 99% trẻ em đúng độ tuổi đến trường, tỷ lệ đến trường của trẻ em gái và trẻ em trai nhìn chung đã ngang bằng nhau. Điều này cho thấy sự phân biệt đối xử về giới tính đang được từng bước loại bỏ trong hệ thống giáo dục. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm được ba phần tư.

Các điều kiện ở Việt Nam đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi trong quá trình Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Cụ thể, những áp lực cho bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường và làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương có thể sẽ mạnh hơn. Điều này cần có phản hồi chính sách tích cực hơn và khác hơn nhằm tác động, khuyến khích và định dạng lối ứng xử của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, cần thực hiện song song với việc phát triển quan hệ đối tác và chịu trách nhiệm chung. Đây là ý tưởng lớn được đưa vào các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Một bài học then chốt rút ra từ kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam là Nhà nước không thể thành công trong việc bảo đảm phát triển quốc gia nếu không tạo dựng quan hệ đối tác mới với doanh nghiệp, xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ là quan hệ đối tác dưới hình thức tham vấn mà còn trong nỗ lực thực hiện và quan trọng nhất là cung cấp nguồn lực cho thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong những năm tới đây, các nguồn viện trợ và tài trợ ưu đãi có xu hướng giảm xuống trong khi kỳ vọng của người dân lại tăng lên. Do đó, quan trọng là Chính phủ bảo đảm huy động được các nguồn lực trong nước, thông qua các kênh công và tư. Thời gian qua, Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân Việt Nam nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và tiếp tục đạt được những thành tựu mới có ý nghĩa đột phá, hướng tới Mục tiêu Phát triển bền vững.

99% trẻ em đúng độ tuổi được đến trường

Nhờ những nỗ lực hết mình, hiện tại Việt Nam, tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đạt đến 99% trẻ em đúng độ tuổi đến trường, tỷ lệ đến trường của trẻ em gái và trẻ em trai nhìn chung đã ngang bằng nhau. Điều này cho thấy sự phân biệt đối xử về giới tính đang được từng bước loại bỏ trong hệ thống giáo dục. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm được ba phần tư. Các điều kiện ở Việt Nam đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi trong quá trình Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Ông Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Nên có chính sách ưu đãi trẻ em gái khi đi học

Trong một bài trả lời phỏng vấn của báo GĐ&XH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông Nguyễn Văn Tiên từng chia sẻ: “Có thể nói, thời gian qua chất lượng dân số Việt Nam đã được cải thiện nhiều nhờ các chính sách, giải pháp về KHHGĐ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Sự phát triển kinh tế nói chung đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Các đợt Chiến dịch tăng cường dịch vụ chăm sóc SKSS đến các vùng sâu, vùng xa của ngành Dân số đã góp phần thay đổi nhận thức cho đông đảo người dân, giúp họ hiểu hơn về các chính sách Dân số của Đảng, Nhà nước.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một vấn đề lớn, cần giải quyết nếu không hệ lụy của nó rất nặng nề! Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dân số, nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức. Ngành Dân số cũng đã rốt ráo phối hợp với các ban, ngành kiểm tra… Tuy nhiên việc này gặp không ít khó khăn. Để giải quyết, cần có những biện pháp tổng thể như tuyên truyền, xử phạt, thực hiện các chính sách động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số. Nói cách khác, chúng ta phải thực hiện tốt Luật bình đẳng giới. Ví dụ: Nên có chính sách ưu đãi trẻ em gái khi đi học hoặc nên có chính sách ưu đãi người già không có con trai như ở Trung Quốc đang áp dụng chẳng hạn. Hiện nay, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang là thách thức lớn, cần tất cả các ban, ngành cùng vào cuộc…”.

P.V (ghi)

Minh Trang