Nghịch lý bằng cấp càng cao nguy cơ thất nghiệp càng lớn: Mối lo vuột mất cơ hội “dân số vàng”

0
107

GiadinhNet – Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để lực lượng lao động nước ta tiếp thu khoa học kỹ thuật, linh hoạt chuyển đổi ngành nghề, nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay, xét theo chuyên môn, người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp nhiều nhất, khoảng 150.000; kế đến là cao đẳng, trên 100.000 người…

Tuyên truyền kiến thức DS- KHHGĐ cho thanh niên. Ảnh P.V
Tuyên truyền kiến thức DS- KHHGĐ cho thanh niên. Ảnh P.V

Nghịch lý bằng cấp cao, nguy cơ thất nghiệp lớn

Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30- 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quí giá này.

Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

Thực tế cho thấy, cơ hội “dân số vàng” không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nếu giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, “dân số vàng” sẽ không có giá trị nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề.

Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 – 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, thế nhưng lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn? Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch… là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.

Tuy nhiên, một thực tế là phần lớn những người học càng cao thì cơ hội có được việc làm tương xứng lại càng khó, nhiều sinh viên Đại học ra trường 2-3 năm nhưng vẫn chưa thể kiếm được việc làm.

Theo thống kê trong 3 quý năm 2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội có thể thấy một điều rất lạ là người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Trong khi đó, người không có bằng cấp lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.

Tính hết quý 1/2015 thì nhóm thất nghiệp có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất từ 3,9% lên 4,6%/ năm. Trong quý 2 tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học cao đẳng có xu hướng tăng thêm 22.000 người. Hết quý 4/2015 thì cả nước có khoảng 156.000 người là cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, giảm gần 70.000 người so với quý 3/2015.

Thừa thầy, thiếu thợ

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Ảnh: Chí Cường
Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Ảnh: Chí Cường

Với tổng số dân là hơn 91 triệu người, số người trong độ tuổi lao động ở nước ta đã trên 62 triệu người. Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), đây là dư lợi lớn của “dân số vàng” cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

Tuy nhiên, theo Tổng điều tra dân số 2009, lao động Việt Nam tập trung nhiều trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, năng suất thấp. Tỷ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên còn rất thấp, mới khoảng 14,6% và mất cân đối theo hướng “thừa thầy, thiếu thợ”. Cộng với nhóm có trình độ cao đẳng đang trong diện thất nghiệp cao nhất, rõ ràng, đào tạo, tái cơ cấu đào tạo và chuyển đổi nghề cho hàng chục triệu lao động là một thách thức lớn. Trong khi đó, mới đây PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) đã chỉ rõ: “Việt Nam chỉ có thể có “dư lợi” dân số tới năm 2018, nếu năng suất lao động không thay đổi”. Nói cách khác, Việt Nam chỉ có “dư lợi dân số” tới năm 2018. Cũng theo phân tích của TS Thanh Giang, cơ hội chuyển thành “dư lợi dân số” chỉ còn vài năm nữa, nếu không thay đổi năng suất lao động thì dư lợi dân số Việt Nam đang dương sẽ trở về 0 vào năm 2018, sau đó sẽ là số âm.

Nói về thực trạng cơ cấu lao động hiện nay, ông Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cho hay, tỷ trọng lao động của ngành nông, lâm, thủy sản trong tổng số lao động của nền kinh tế vẫn đang trong xu hướng giảm dần, trong khi tỷ trọng lao động của các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng dần.

Chớp lấy thời cơ, ứng phó với thách thức

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là một cơ hội hiếm hoi chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã từng trải qua thời kỳ này. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ “dân số vàng” để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 – 200 năm sau.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch tận dụng cơ hội “dân số vàng” và ứng phó với những thách thức của giai đoạn già hóa hiện nay trước khi quá muộn… Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi có cái nhìn tổng thể, không bó hẹp trong lĩnh vực dân số mà liên quan đến mọi ngành như giáo dục, y tế, văn hóa, lao động, việc làm, văn hóa, đoàn thanh niên, công đoàn…

Theo GS Nguyễn Đình Cử, để đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” và đương đầu được với thách thức dân số “siêu già” của thời kỳ “hậu dân số vàng”, cần tận dụng những vận hội do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. “Mỏ vàng không khai thác thì còn, “cơ cấu dân số vàng”, nếu không khai thác thì sẽ hết. Bởi vậy, nhận rõ, nắm bắt và tận dụng cơ hội này càng sớm, càng tốt, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là của mỗi người dân” – GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Cơ hội “dân số vàng” đặt ra không ít thách thức, đó là lao động thất nghiệp gia tăng trong nhóm trẻ tuổi, biểu hiện ở con số trên 50% đối tượng thất nghiệp là người trẻ; 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất trong dài hạn của Việt Nam đã giảm sút. Trong vòng 20 – 30 năm nữa, tận dụng cơ hội “dân số vàng” để tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng. Điều này không thể chờ đợi được nữa, nếu như chúng ta không muốn già trước khi giàu, thậm chí già mà vẫn nghèo”.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) và Tổ chức Lao động Quốc tế, tại Việt Nam có khoảng 162.000 người có bằng cử nhân và thạc sĩ đang thất nghiệp. Ngoài ra, chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam khó có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Theo Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam bằng 40,7% so với Trung Quốc, 35% so với Thái Lan, 16,5% so với Malaysia, và 6% so với Singapore.

Hà Thư