Kiến tạo một tương lai tươi sáng cho trẻ em gái

0
130

GiadinhNet – Chiếm 16,3% dân số thế giới và đang ở ngưỡng cửa cuộc đời, một bộ phận vị thành niên thế giới đang đối mặt với nhiều vấn nạn, thách thức như tảo hôn, mang thai và sinh đẻ, HIV/AIDS, thất học, lao động kiếm sống, bạo lực, xâm hại tình dục… Điều đó đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế nhằm kiến tạo một tương lai tươi sáng cho đối tượng này!

Khám bệnh miễn phí cho trẻ em tại huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Dương Ngọc
Khám bệnh miễn phí cho trẻ em tại huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Dương Ngọc

Khoảng 720 triệu phụ nữ kết hôn trước tuổi 18

65 năm trước, năm 1950, thế giới có chưa đầy nửa tỷ vị thành niên (VTN) và phải đến 35 năm sau, năm 1985, thế giới mới có khoảng 1 tỷ em. Liên hợp quốc cho biết, thế giới hiện có 1,2 tỷ em, chiếm 16,3% dân số thế giới. Dự báo, sẽ tăng lên hơn 1,3 tỷ vào năm 2030 (nhưng chỉ chiếm 15,6%) và đến năm 2050 là 1,35 tỷ em (nhưng chỉ còn 13,9%).

Trong số 1,2 tỷ VTN hiện nay, có tới 89% sinh sống tại khu vực đang và kém phát triển, chỉ có 11% sống ở khu vực phát triển. Châu Á là nơi đông nhất với 700 triệu em, chiếm 58.3%. Châu Úc là nơi ít nhất với chưa tới 6 triệu em. Tuy nhiên, châu Phi (hiện có 261 triệu em, chiếm 28%) sẽ vươn lên đứng đầu thế giới về số lượng và tỷ trọng từ những năm 2075. Mặc dù số lượng VTN các châu lục có sự tăng giảm khác nhau nhưng đều có điểm chung là tỷ trọng VTN trong tổng dân số của mỗi châu lục và trên toàn thế giới đều giảm bởi mức sinh thấp và người cao tuổi ngày càng tăng. Trong số 1,2 tỷ VTN hiện nay, em gái chiếm 48%. Tỷ số giới tính của nhóm dân số này là 1,07 tức cứ 1,07 VTN trai có 1 VTN gái. Hai chỉ báo này gần như không đổi từ năm 1950 đến 2050.

Theo UNICEF, hiện có khoảng 720 triệu phụ nữ kết hôn trước tuổi 18, trong đó hơn 1/3 (khoảng 250 triệu) bước vào “đời sống vợ chồng” trước tuổi 15! Khu vực có đông “cô dâu trẻ em” nhất thế giới là Nam Á. Chỉ riêng Ấn Độ, nơi vẫn duy trì nhiều tập tục lạc hậu tại các làng quê, chiếm tới 33%. Điều đó có nghĩa rằng, trên thế giới, cứ 3 “cô dâu trẻ em”, trong đó có một cô người Ấn Độ. Ngoài ra còn phải kể đến châu Phi, Đông Á-Thái Bình dương, châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean.

Niger, Bangladesh, Ấn Độ, Afganistan, Ethiopia, Guineo, Nepal và Burkina Faso là những nước thuộc nhóm “top ten” về tỷ lệ kết hôn trẻ em cao nhất thế giới. Điều nghiêm trọng là tại Bangladesh, cứ 3 cô dâu thì có 1 cô mới ở tuổi 15. Thậm chí có tới 20% “cô dâu” Bangladesh và khoảng 10% ở Afghanistan, Bhutan, Mongolia…. chỉ ở độ tuổi 10+.

Ở độ tuổi các em cần được cắp sách đến trường thì đã vội vã ôm quần áo về làm dâu nhà chồng! Phần nhiều trong số đó chưa kịp chuẩn bị tâm lý, sức khỏe để bước vào đời sống vợ chồng nhưng lại phải đối mặt với quãng đời phía trước của vai trò người vợ, người mẹ. Các cuộc hôn nhân do sự ép buộc của cha mẹ mà ở đó các ông bố bà mẹ ngỡ là mang đến hạnh phúc cho con cái nhưng thực ra là vi phạm luật pháp và đánh mất các cơ hội tương lai của các em.

Em ru con, ai ru em?

Trẻ em gái và phụ nữ có quyền được sống, được chăm sóc chu đáo như mọi đối tượng khác. Ảnh: Dương Ngọc
Trẻ em gái và phụ nữ có quyền được sống, được chăm sóc chu đáo như mọi đối tượng khác. Ảnh: Dương Ngọc

Trên thế giới, mỗi năm có 16 triệu nữ VTN sinh con, trong đó có khoảng 2 triệu mang thai khi dưới 15 tuổi. Mức sinh của VTN tại những khu vực nghèo cao gấp 4 lần so với khu vực kinh tế khá giả hơn. Tại Zimbabwe, Senegal và Colombia cứ 5 VTN thì có hơn 1 em mang thai.

Mức sinh của VTN ở các nước phát triển là 17%o còn các nước kém phát triển là 99%o. Tại châu Phi, tỷ suất này lên đến 91%o và Trung Nam Á là 62%o. Ngân hàng Thế giới cho biết, có tới 23 quốc gia ở mức trên 100%o: Niger: 204%o, Mali: 175%o, Angola: 167%o, Mozambique: 143%o, Guinea: 142%o, Chad, Malaw: 137%o…

UNFPA ước tính số ca phá thai không an toàn của VTN là 3,2 triệu ca. Tự tử và biến chứng thai sản là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái 15-19 tuổi.

Mặc dù thế giới đã đạt được những thành tích trong phổ cập giáo dục tiểu học nhưng vẫn còn gần 58 triệu em bỏ học. Cuối năm 2015, có khoảng 1/6 các em ở nhóm nước nghèo và trung bình, tức khoảng 100 triệu em-không hoàn thành bậc tiểu học. Tỷ lệ theo học của em gái luôn thấp hơn em trai, đặc biệt tại nước nước nghèo nàn, lạc hậu. Tại tiểu vùng Saharan, châu Phi, hầu như những em gái thuộc nhóm gia đình nghèo nhất chưa bao giờ được đến trường. Tại Guinea và Niger, tỷ lệ này là 70%. Tỷ lệ đi học chung của thanh niên các nước phát triển là 100% trong khi tại các nước kém phát triển chỉ có 39,5%. Nhiều nơi còn dưới 30% thậm chí tới 10%, tức có tới 70% đến 90% các em không được đến trường THCS như: Burkina Faso, Coote d’Ivoire, Mauritania, Niger, Sierra Leone, Burundi, Mozambique, Somali, Uganda…

Hầu hết các quốc gia, khu vực có tỷ đi học chung của thanh niên còn thấp là ở các nước kém phát triển, nghèo đói, chiến tranh, bạo loạn. Giáo dục mở ra các cửa sổ cơ hội cho các em về sức khỏe, việc làm, cuộc sống, kinh tế… tạo nền tảng bền vững cho cuộc đời mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, khi cánh cửa này khép lại thì các cửa sổ cơ hội khác cũng thu hẹp hơn và đẩy các em đến gần hơn với một tương lai mờ mịt. Thất học sẽ buộc các em phải bươm trải kiếm sống sớm và vướng vào các cuộc hôn nhân sớm, sinh con sớm, nguy cơ bệnh tật cao rồi lại rơi vào cảnh túng quẫn. Đó thực sự là một vòng lẩn quẩn của sự đói nghèo, thất học, mức sinh cao và bạo lực.

Hiện có 168 triệu lao động trẻ em, trong đó 47,5 triệu lao động VTN đang làm những công việc độc hại, nguy hiểm, chiếm 40% nhóm dân số 15-17 tuổi. Tỷ lệ này ở vùng nông thôn cao hơn vùng đô thị. Nơi có đông VTN làm công việc độc hại nguy hiểm là Ấn Độ (2,4 triệu), Pakistan (1,3 triệu) và Indonesia (1,2 triệu).

Kiến tạo tương lai tươi sáng

Tiến sỹ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA nói: “Trẻ em gái chịu thiệt thòi, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhìn từ góc độ sức khỏe sinh sản. Các em rất có thể buộc phải làm mẹ trong khi bản thân vẫn còn là trẻ em. Các em có quyền được hiểu, kiểm soát cơ thể mình và quyết định cuộc sống của chính mình”.

UNAIDS đã chỉ ra bốn nguyên chính dẫn đến tình trạng VTN gái và nữ thanh niên bị bỏ lại phía sau: Bạo lực giới, Thiếu hụt cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, Thiếu hụt cơ hội tiếp cận giáo dục và Chính sách không được triển khai trên thực tiễn. Cũng theo cơ quan này thì có bốn cách để đóng lại các khoảng cách này là: Chấm dứt bạo lực giới, Bảo đảm tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, Đưa trẻ em gái đến trường, Trao quyền cho trẻ em gái, phụ nữ trẻ và thay đổi những quan niệm xã hội cũ.

UNFPA năm nay đã đưa ra chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái VTN” nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các chính phủ, các tổ chức, các cộng đồng, gia đình hãy quan tâm và đầu tư cho trẻ em gái VTN, mang đến các cơ hội cho các em được học tập, vui chơi, sinh hoạt phù hợp, được chăm lo sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống và được đảm bảo thực hiện các quyền của mình. Các em cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh, đồng thời các em cũng cần có cơ hội để có thể có được tương lai tươi sáng.

Tổng thư ký LHQ ông BanKi-moon nói: “Tôi đặc biệt quan tâm đến các nữ VTN/TN, những người mà có thể phải đối mặt với sự kỳ thị, bạo lực tình dục, kết hôn sớm và thai ngoài ý muốn”. LHQ mới đây đã đưa ra Chiến lược Sức khỏe Phụ nữ, Trẻ em và Vị thành niên Toàn cầu giai đoạn 2016-2030 với thông điệp: “Mọi phụ nữ, mọi trẻ em và mọi vị thành niên- Sinh tồn, Thịnh vượng và Biến đổi”- Chiến lược nhấn mạnh đến quyền và khả năng thực thi sự tiếp cận, thụ hưởng chăm sóc sức khỏe bao gồm thể chất, tinh thần và sự hài hòa với xã hội của phụ nữ, trẻ em và vị thành niên trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Việc chăm sóc này được lồng ghép vào các chương trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu.

Tổng thư ký LHQ, ông Ban Kimoon khẳng định: “Bằng việc trao quyền cho thanh niên hôm nay, chúng ta sẽ đặt nền tảng vững chắc cho tương lai phát triển bền vững ở thế hệ tiếp theo”.

Câu kết cho lời tựa của Chiến lược toàn cầu nêu trên, ông viết: “Cùng với nhau, chúng ta có thể chấm dứt và ngăn chặn những cái chết của phụ nữ, trẻ em và VTN ở mọi nơi và tạo nên thế giới mà ở đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả đều có thể thịnh vượng và đạt tới tất cả các tiềm năng của họ…”.

ThS. Lương Quang Đảng