GiadinhNet – Sáng nay (27/2), lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với các chuyên gia đến từ tổ chức FP2020 (Tổ chức Hợp tác quốc tế hỗ trợ các quyền của phụ nữ và trẻ em gái).
Tham dự buổi làm việc có ông Hồ Chí Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, lãnh đạo các vụ/đơn vị thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ và các chuyên gia đến từ tổ chức FP2020.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, ông Hồ Chí Hùng hoan nghênh các chuyên gia đến từ FP2020 đồng thời nêu khái quát những nội dung trọng tâm làm việc giữa hai bên.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: N.Mai
Theo đó, làm thế nào để đẩy mạnh đa dạng hóa các
phương tiện tránh thai
(PTTT) và hàng hóa sức khỏe sinh sản (SKSS) có chất lượng đến tay người dân Việt Nam là mục tiêu cốt lõi xuyên suốt buổi thảo luận.Ông Hồ Chí Hùng cho biết, hiện nay, việc cung ứng PTTT và hàng hóa SKSS tại Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tâm lý bao cấp các PTTT và hàng hóa SKSS đã ăn sâu trong tâm trí của người dân, do đó, để họ từ bỏ thói quen này để chuyển sang sử dụng PTTT và hàng hóa SKSS từ nguồn tiếp thị xã hội không phải là chuyện một sớm một chiều.
Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ làm việc với các chuyên gia đến từ FP2020. Ảnh: N.Mai
Hơn nữa, chất lượng các loại PTTT và hàng hóa SKSS trên thị trường Việt Nam hiện nay vẫn chưa được đảm bảo, vẫn còn xuất hiện hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương dành cho chương trình DS-KHHGĐ ngày càng bị cắt giảm, gây khó khăn nhất định đến việc cung ứng và nâng cao chất lượng PTTT và hàng hóa SKSS cho cộng đồng.
Theo ông Hồ Chí Hùng, hiện nay, để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam đang tập trung vào 2 chiến lược chính là tiếp thị xã hội và xã hội hóa PTTT, hàng hóa SKSS.
Các chuyên gia đến từ Tổ chức FP2020. Ảnh: N.Mai
Về tiếp thị xã hội các PTTT, Việt Nam đã triển khai từ năm 1993, tuy nhiên chưa đạt được nhiều kết quả khả quan. Do đó, năm 2013, Trung tâm tư vấn và cung ứng dịch vụ (thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ) được thành lập để tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng và nâng cao chất lượng các PTTT và dịch vụ chăm sóc SKSS.
Bên cạnh đó,năm 2015, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt Đề án xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (Đề án 818).
Mục tiêu của Đề án nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ có chất lượng. Đồng thời, huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường.
Tình hình sử dụng phương tiện tránh thai tại Việt Nam trong những năm gần đây. Ảnh: N.Mai
Theo báo cáo tại buổi làm việc, hiện nay, thông qua sự vào cuộc vận động của đội ngũ cộng tác viên dân số trên cả nước(hơn 170 nghìn người), việc tiếp thị xã hội và xã hội hóa PTTT đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn chưa được như kỳ vọng.
Do đó, Tổng cục DS-KHHGĐ đang tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch thúc đẩy việc tiếp thị xã hội và xã hội hóa PTTT đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng các PTTT và dịch vụ chăm sóc SKSS có chất lượng đến tay người tiêu dùng,
Đoàn làm việc chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: N.Mai
Trước thực tế trên, đại diện FP2020 nhận định, những khó khăn mà Việt Nam gặp phải gần như tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, giải quyết những khó khăn tại Việt Nam sẽ phần nào giúp FP2020 rút ra những kinh nghiệm để xử lý những trường hợp tương tự khác.
Bên cạnh đó, phía FP2020 nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo cung ứng và nâng cao chất lượng các PTTT và hàng hóa SKSS là phải kêu gọi tất cả các cơ quan, ban ngành cùng vào cuộc, trong đó, tập trung ưu tiên khối kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển lâu dài để tăng cơ hội hợp tác và phát triển bền vững.
Mai Thùy