GiadinhNet – “Chất lượng dân số cải thiện chưa vững chắc”- Đó là một trong những hạn chế trong công tác DS-KHHGĐ được đặt ra trong dự thảo Tờ trình Đề án “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển dân số bền vững trong tình hình mới”. Ngày 20/4, Bộ Y tế đã có cuộc họp xin ý kiến các Ban Đảng và Ủy ban Quốc hội về Đề án trên nhằm hoàn thiện để sớm trình lên Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Những thành tựu quan trọng
Dự thảo Đề án đã có đánh giá tổng quát về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và DS-KHHGĐ. Theo đó, đã khẳng định những thành tựu quan trọng mà công tác DS-KHHGĐ đã đạt được trong thời gian qua.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Dân số trong hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã khống chế được tỷ lệ tăng dân số, đạt và duy trì ổn định mức sinh thay thế tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ 21 (theo dự báo và ước tính, năm 2017 dân số nước ta khoảng 93,422 triệu người). Như vậy, 25 năm qua, Việt Nam đã hạn chế, tránh sinh được hơn 27 triệu người – Đây là thành công lớn mà chương trình DS-KHHGĐ đã đạt được và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với điều kiện kinh tế – xã hội của nước ra trong thời gian qua, là tiền đề tiến tới ổn định quy mô dân số khoảng 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21.
Mức sinh thay thế này đã được duy trì ổn định trong một thập kỷ qua, tính trung bình trên phạm vi toàn quốc là 2,1 con (năm 2016). Cơ cấu dân số theo tuổi có sự thay đổi theo hướng tích cực; Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động – nền tảng cơ hội “vàng” cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự báo dân số cho thấy, thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” của Việt Nam kéo dài khoảng 40 năm, tức là sẽ kết thúc khoảng gần giữa thế kỷ này. Cơ cấu dân số “vàng” mang lại nhiều “dư lợi” về lao động đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng để tận dụng được cơ hội này phải vượt qua những thách thức đảm bảo khả năng lao động của người trong độ tuổi, tạo việc làm và việc làm có năng suất cao.
Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng cao. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng từ 40,1 tuổi (năm 1960) lên 73,4 (năm 2015) và hiện ở mức cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Đặc biệt là triển vọng sống của người Việt Nam khi ở tuổi 60 đã tương đương các nước châu Âu và bỏ xa một số nước trong khu vực (Châu Âu: 21,78 tuổi, Việt Nam: 22,02 tuổi). Ngoài ra, các chỉ báo khác về chất lượng dân số như thể lực, trí lực và tinh thần của con người cũng có những thay đổi tích cực trong thời gian qua.
Đổi mới căn bản công tác DS-KHHGĐ
Trong dự thảo Tờ trình Đề án cũng đã chỉ rõ những mặt còn hạn chế của công tác DS-KHHGĐ. Công tác DS-KHHGĐ còn nặng về thực hiện mục tiêu giảm sinh, chưa theo kịp yêu cầu phát triển bền vững. Mức sinh ở khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, trong khi xuất hiện mức sinh thấp từ những thành phố, khu vực phát triển. Trung du miền núi phía Bắc là 2,18 con, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 2,37 con, Tây Nguyên là 2,49 con và đã có 18 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2 con.
Những hạn chế khác cũng là vấn đề cần được chú trọng: Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh ở mức nghiêm trọng. Tuổi thọ bình quân tăng lên 73,4 nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh thấp, chỉ đạt 64 tuổi. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng và sức bền. Tầm vóc thể lực tụt hậu so với các nước trong khu vực; chiều cao tăng chậm, nam thanh niên đạt 164cm, nữ là 153cm, thấp hơn khoảng 10cm so với Nhật và Hàn Quốc. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ khá cao, chiếm 1,5%. Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và suy dinh dưỡng thể thấp còi còn khá cao, trong khi tình trạng thừa cân, béo phì, rối nhiễu tâm lý, tự kỷ… có xu hướng tăng, nhất là ở khu vực đô thị. Kiến thức, kỹ năng sống về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế. Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở một số dân tộc ít người vẫn còn phổ biến. Chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với tốc độ già hóa dân số, chưa cung cấp đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục cho việc xác định tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay, các thông điệp truyền thông về dân số vẫn nặng về KHHGĐ, chưa kịp chuyển đổi cho phù hợp với những vấn đề dân số mới phát sinh của quá trình biến động dân số trong thực tế như nâng cao chất lượng dân số, dân số “vàng”, già hóa dân số, di cư… Việc xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình truyền thông về DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa được các tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm nên giảm nhanh cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các mô hình.
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong công tác DS-KHHGĐ, dự thảo của Đề án đã chú trọng vào các giải pháp như: Điều tiết mức sinh, đảm bảo duy trì mức sinh thay thế; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số này về mức cân bằng tự nhiên càng sớm càng tốt; khai thác có hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực; tăng cường lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và cải tiến phương thức quản lý dân số; đổi mới căn bản công tác DS-KHHGĐ.
Chuyển hướng chính sách từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển và phân công hợp lý giữa các Bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ dân số và phát triển để giải quyết đồng bộ, toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa. Thống nhất và ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số, đặc biệt là tuyến huyện, xã; thực hiện chính sách dân số theo nguyên tắc khuyến khích tỷ lệ sinh đẻ theo vùng miền và bảo đảm tốt nhất quyền của bà mẹ, trẻ em.
Mục tiêu cụ thể trong dự thảo Đề án:
> Đến năm 2020: Tuổi thọ trung bình khoảng 74 tuổi, đạt 9 – 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% dân số. Tối thiểu 70% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe ngay tại trạm y tế xã và bác sỹ gia đình;
> Đến năm 2030: Tuổi thọ trung bình: 75,5 tuổi; đạt 11 – 12 bác sĩ và trên 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt tối thiểu 95% dân số. Tối thiểu 95% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe ngay tại trạm y tế xã và bác sỹ gia đình. Duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, quy mô dân số không quá 103 triệu người.
Dự thảo Đề án nhấn mạnh về bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ
Củng cố, kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ mạnh phù hợp với yêu cầu chuyển hướng chính sách từ DS – KHHGĐ là chủ yếu sang Dân số và Phát triển bền vững để thực hiện các chức năng tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện ở các cấp.
> Đối với Trung ương và cấp tỉnh cơ bản ổn định như hiện nay, đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực về Dân số và phát triển. Đối với tuyến huyện và tuyến xã, kiện toàn theo hướng: Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cán bộ chuyên trách dân số xã là viên chức thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện làm việc tại xã, gắn trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền với công tác dân số và phát triển.
> Ổn định và từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, đặc biệt là cán bộ dân số xã và đội ngũ cộng tác viên dân số ở các thôn, xóm, bản, làng, cụm dân cư. Thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với nhiệm vụ đối với cán bộ dân số xã.
Hà Thư