Giáo sư Hàn Quốc chia sẻ chuyện đưa TSGTKS trở về tự nhiên

0
266

GiadinhNet – “Thực tế đã cho thấy, khi vai trò của phụ nữ cao hơn, tỉ lệ nữ học đại học cao hơn, tỉ lệ nữ làm lãnh đạo cao hơn thì tư duy của người dân chỉ thích sinh con trai đã thay đổi” – GS Youngtae Cho, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã chia sẻ về những giải pháp đã giúp Hàn Quốc đưa tỉ số giới tính khi sinh trở về mức của tự nhiên.

Năm 2011 TSGTKS của Hàn Quốc đã trở về cân bằng ở mức tự nhiên là 105,7 và duy trì cho đến nay. ảnh minh họa.
Năm 2011 TSGTKS của Hàn Quốc đã trở về cân bằng ở mức tự nhiên là 105,7 và duy trì cho đến nay. ảnh minh họa.

Thích sinh con trai, tỉ lệ phá thai vì giới tính cao

Những năm 1980-1990, số trẻ trai sinh ra trên 100 trẻ gái – tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Hàn Quốc cao hơn của Việt Nam hiện nay. Năm 1990, TSGTKS của Hàn Quốc là 116,5 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

GS Youngtae Cho chia sẻ, khi đó tâm lý người dân Hàn Quốc rất thích sinh con trai bởi vai trò và vị thế của người đàn ông trong xã hội rất cao. Người đàn ông đóng vai trò làm chủ trong gia đình nên người phụ nữ luôn muốn sinh con trai. Thậm chí nếu chỉ sinh 2 con thì họ vẫn muốn cả 2 con đều là trai để nếu điều gì xảy ra với người con trai đầu tiên thì người con trai thứ hai có thể thay thế. Với tâm lý khao khát con trai như vậy, người mẹ nào cũng muốn siêu âm để có thể biết thai nhi trong bụng là trai hay gái. Do đó tỉ lệ nạo phá thai vì lý do giới tính khá cao.

Năm 1987, chính phủ Hàn Quốc đã có quyết định nghiêm cấm thông báo giới tính thai nhi và chấm dứt giấy phép hành nghề, phạt bỏ tù với những hành vi tiết lộ giới tính hoặc phá thai vì lý do giới tính. Tuy nhiên, những biện pháp đó vẫn không ngăn cản được việc người dân muốn biết giới tính của con mình. Các bác sĩ không trực tiếp nói về giới tính thai nhi nhưng lại ngầm báo hiệu cho các cặp vợ chồng qua cách nói hãy chuẩn bị quần áo “màu hồng” hoặc “màu xanh” cho bé. “Nỗ lực của chính phủ có thành công hay không? Không may là không!” – GS Youngtae Cho nhấn mạnh. Việc muốn sinh con trai cũng gây áp lực lên người phụ nữ, đặc biệt là các nàng dâu, khi mẹ chồng nói “con phải cố sinh một đứa con trai”.

Năm 1990, TSGTKS của Hàn Quốc là 116,5, trong đó ở lần sinh thứ nhất là 108,5 tăng lên 117,1 ở lần sinh thứ hai và tăng cao ngất ngưởng ở lần sinh thứ ba trở lên 193,3. Đến năm 1994, tỉ số này vẫn ở mức cao là 115,2 và đã giảm dần xuống còn 110,2 vào năm 2000. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, năm 2011 TSGTKS của Hàn Quốc đã trở về cân bằng ở mức tự nhiên là 105,7 và duy trì cho đến nay. Vậy điều gì đã khiến một quốc gia có TSGTKS cao như vậy trở về mức tự nhiên trong vòng 20 năm?

Người dân từ thích nam đã chuyển sang thích nữ

Đến nay, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đưa được TSGTKS trở về mức tự nhiên bởi tâm lý người dân đã chuyển từ ưa thích con trai sang ưa thích con gái.

Theo GS Youngtae Cho, có được sự chuyển biến trên là do 3 yếu tố. Thứ nhất là do sự tiến bộ của y tế và đời sống xã hội được nâng cao nên tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất thấp. Người dân không còn tâm lý sinh con “dự phòng”. Thứ hai là xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của con trai và con gái. Nhiều người trông chờ vào con trai nhưng họ nhận thấy, con trai cũng chẳng làm được gì cả, thường vòi vĩnh và tiêu tiền; trong khi đó con gái lại mang tiền về, chăm sóc cha mẹ tốt hơn và làm được nhiều việc cho gia đình. Thứ ba là suy nghĩ về giá trị truyền thống đã thay đổi, người dân đã không còn lo lắng và không quan tâm rằng sau khi mất đi ai sẽ là người lo hương khói, vì điều đó con gái cũng làm được. Sau năm 1990, người dân quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện nay, việc chăm sóc này xã hội đã đảm nhiệm chứ không phải là con trai nữa nên nhiều người không quan trọng phải có con trai.

Hiện nay, phụ nữ Hàn Quốc độc lập, tự chủ, thành công và kết hôn muộn hơn trước đây. Vì thế, khoảng cách tuổi giữa mẹ chồng và nàng dâu đã giảm, trình độ học vấn của con dâu cũng cao hơn, có tính độc lập hơn, có tiếng nói hơn nên nhiều mẹ chồng ngần ngại không dám nói với con dâu về nhiều vấn đề. Họ thường bày tỏ quan điểm với con dâu thông qua việc nói chuyện với con trai. “Mẹ tôi vẫn thích có cháu trai và nói với tôi rằng “sao con không sinh đứa thứ ba là con trai đi” nhưng không dám nói với vợ tôi” – GS Youngtae Cho tâm sự về câu chuyện của mình. Quan điểm của ông là thích có con gái và không có ý định là phải có con trai: “Có đứa con gái khi mình già yếu nó sẽ chăm sóc mình. Trước tôi ở với bố mẹ đẻ, sau chúng tôi tách ra ở với bố mẹ vợ để tiện cho việc ông bà chăm sóc các cháu. Vợ vui vẻ, tôi cũng thoải mái, hiện nay nhiều người Hàn Quốc cũng chọn cách này”. Hiện nay, không có chuyện đàn ông đi làm về thì nghỉ ngơi còn phụ nữ vẫn phải làm việc nhà. “Đàn ông ở Hàn Quốc mà làm như vậy sẽ không thể lấy được vợ. Nếu bạn trai của con gái tôi mà bắt con tôi phải làm hết việc nhà thì tôi không chấp nhận. Thực tế, tư duy xã hội đã thay đổi, nếu anh không theo được anh sẽ không có cơ hội lấy được vợ” – GS Youngtae Cho nói.

Theo GS Youngtae Cho, Việt Nam có thể đưa TSGTKS trở về mức của tự nhiên trong vòng 10 – 15 năm nữa. Điều này đòi hỏi không chỉ đối xử ngang bằng giữa trẻ nam và trẻ nữ mà phải đưa cơ hội lớn hơn đối với trẻ gái, đặc biệt là cơ hội học hành.

Hiện nay người Hàn Quốc thực sự thích con gái hơn, ngay cả việc nhận con nuôi người ta cũng thích nhận bé gái hơn bé trai. GS Youngtae Cho cho biết một số liệu khá thú vị là thị trường đồ chơi tính đến ngày 5/5/2017 tại Hàn Quốc, đồ chơi cho trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai 14 lần.

Hà Thư