GiadinhNet – Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số; hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa; đầu tư nguồn kinh phí hơn nữa để đảm bảo đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của công tác DS-KHHGĐ… là những vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Hội thảo chuyên đề công tác DS-KHHGĐ vừa được Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội.
Những nỗ lực không ngừng
Trình bày báo cáo tại Hội thảo, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết: Theo số liệu thống kê của 63 tỉnh/thành phố, tổng số trẻ em sinh ra 6 tháng đầu năm 2017 là 484.946 trẻ, tăng 7.167 trẻ (tăng 1,5%) so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, số trẻ nam sinh ra là 257.727 trẻ, tăng 3.809 trẻ; số trẻ nữ sinh ra là 227.219 trẻ, tăng 3.358 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) tại thời điểm tháng 6/2017 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đạt xấp xỉ 40% kế hoạch cả năm.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra trong năm cũng đang tiếp tục được duy trì có hiệu quả như: Tầm soát các bệnh, dị tật bẩm sinh thông qua khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; công tác đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ được duy trì đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa các biện pháp tránh thai và mở rộng các kênh cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ), đồng thời tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch cụ SKSS/KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có mức sinh cao.
Về việc kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, đến nay, đã có 48/63 tỉnh/thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016-2025, trong đó, 28 tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để triển khai thực hiện Đề án. Do đó, một số địa phương đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc can thiệp, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS như: Tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin về hệ lụy của MCBGTKS, lồng ghép với các kiến thức về bình đẳng giới; tư vấn, cung cấp thông tin về GTKS cho các cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn; duy trì các mô hình, câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái; thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi…
Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) cũng đang được quan tâm, đầu tư. Hiện có 17/63 tỉnh đã được phê duyệt thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2015. Các chương trình, hoạt động như: Mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng; câu lạc bộ NCT giúp NCT vẫn được duy trì mang lại nhiều kết quả khả quan.
Cần tiếp tục đầu tư hơn nữa
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian vừa qua, song công tác DS-KHHGĐ vẫn đang đứng trước muôn vàn những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, đến ngày 30/6/2017, dự toán tạm ứng và kế hoạch hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số năm 2017 mới được phê duyệt. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này chủ yếu chi trả cho các hoạt động đã triển khai năm 2016 như thù lao cộng tác viên dân số; dịch vụ KHHGĐ; xây dựng kho dữ liệu điện tử, đổi sổ A0 và các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, mua phương tiện tránh thai… Bên cạnh đó, ngày 31/7, Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020 mới được Chính phủ phê duyệt nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành. Ngân sách Trung ương năm 2017 chậm, trong khi nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế (đến nay, chỉ có 6/63 tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và một số tỉnh đã phê duyệt đề án và bố trí ngân sách địa phương) là khó khăn lớn nhất đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2017.
Ngoài ra, tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tại địa phương mặc dù đã được củng cố và hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; chế độ thù lao của đội ngũ cộng tác viên dân số được hưởng hàng tháng từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ quá ít (100.000 đồng/tháng), chưa tương xứng với công sức bỏ ra; cơ sở vật chất của các cơ sở y tế địa phương tuy đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng cao. Những vướng mắc trên đã khiến việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch gặp không ít khó khăn.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Tô Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, trong những khó khăn về công tác DS-KHHGĐ, nổi cộm lên hai vấn đề là nguồn kinh phí Trung ương hạn chế và tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ còn nhiều bất cập. Đây không chỉ là những vấn đề được tỉnh Thái Bình quan tâm mà cũng là mối lo của nhiều địa phương khác trong cả nước. Theo ông Tô Hồng Quang, công tác DS-KHHGĐ có rất nhiều việc phải làm, nhưng nếu kinh phí cũng như bộ máy cán bộ không theo kịp việc làm sẽ gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Để công tác DS-KHHGĐ đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tân đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương cần nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức, thẳng thắn cùng nhau bàn luận, phân tích nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, từ đó đề xuất những kinh nghiệm, sáng kiến giải pháp thiết thực để xử lý khó khăn cũng như duy trì và phát huy những lợi thế nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2017 và cho giai đoạn 2016-2020 một cách tốt nhất. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong 4 tháng cuối năm 2017 và giai đoạn 2018-2020 là cần tiếp tục quán triệt các quan điểm của Chiến lược DS/SKSS đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kết luận 119 của Ban Bí thư trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế và giải quyết tốt các vấn đề về dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển bền vững của đất nước.
Kế hoạch hóa gia đình vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ), trong những năm gần đây, mức sinh đã tăng lên đáng kể trên phạm vi cả nước, song vẫn dao động xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, việc mức sinh tăng lên không diễn ra đồng đều giữa các khu vực và các nhóm đối tượng. Cụ thể, trong 6 khu vực trên cả nước, mức sinh tăng lên nhiều chủ yếu thuộc khu vực phía Bắc (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung). Ba khu vực còn lại, trong đó có hai khu vực có mức sinh dưới mức sinh thay thế (Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) mức sinh không tăng lên hoặc tiếp tục giảm. Vì vậy, theo bà Đặng Quỳnh Thư, thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về quy mô dân số và KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Theo đó, các địa phương cần tăng cường theo dõi sát diễn biến về mức sinh và sử dụng các biện pháp KHHGĐ để có kế hoạch và biện pháp giải quyết cụ thể.
Mai Thùy