GiadinhNet – Ban chấp hành Trung ương ban hành đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới (Nghị quyết số 20). Trong đó, một trong 5 quan điểm được nhấn mạnh là: Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.
Theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong mục tiêu tổng quát của Nghị quyết có nêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế.
Mục tiêu cụ thể tới năm 2025: 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Đến năm 2030: đạt 11 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.
Đối với nhóm giải pháp phát triển nhân lực và khoa học – công nghệ y tế, Nghị quyết chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học. Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế.
Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế. Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đo huyết áp cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: V.Thu
Chia sẻ về những thuận lợi mà ngành Y tế có được để thực hiện những mục tiêu Nghị quyết số 20 đề ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhìn nhận, điểm thuận lợi đầu tiên là Ngành Y được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước trong các chủ trương, chính sách cũng như cung cấp nguồn lực cho ngành. Điều đó cho thấy, mọi người nhìn nhận ngành y tế rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân.
“Chúng tôi coi trọng vừa phát triển y tế cơ sở, y học dự phòng cũng như phát triển y tế mũi nhọn với đào tạo các bác sĩ, nhất là bác sĩ tuyến dưới để tránh quá tải tuyến trên. Nếu bác sĩ tuyến dưới chữa bệnh tốt, bệnh nhân không phải dồn lên trên, tránh được cả những trường hợp đáng tiếc khi chẩn đoán nhầm, khi đưa bệnh nhân lên tuyến trên thì đã muộn. Y tế cơ sở chính là nòng cốt và là tuyến trước, do đó, nếu hàng rào này mà làm tốt thì chắc chắn ở trên sẽ giảm tải, chi phí điều trị ít tốn kém hơn và vẫn đạt được kết quả tốt” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.
Theo TS Phạm Văn Tác, trong Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo“. Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ đãi ngộ chưa được thực hiện theo Nghị quyết số 46.
Theo TS Tác, ước tính, cán bộ y tế đang công tác ở những thành phố lớn chỉ chiếm chừng 1/20 đội ngũ cán bộ của toàn ngành y tế. Còn lại, 19/20 chủ yếu đang “nằm” ở tuyến huyện, tuyến xã. Trong đó, tính riêng tuyến xã, trung bình mỗi xã có 5 người, nhân với 11.000 xã trên địa bàn cả nước, số lượng cán bộ y tế cơ sở là rất lớn. Đó là chưa kể một số lượng lớn nữa cán bộ y tế tuyến huyện. Mỗi bệnh viện đa khoa tuyến huyện có ít nhất cả chục khoa với hàng trăm y sĩ, bác sĩ. Những con người đó đang hằng ngày chăm sóc sức khỏe cho hàng chục triệu người dân. Thu nhập của họ chỉ trông vào chế độ của Nhà nước. Người bệnh có cảm ơn thì nhiều lắm là con gà, chục trứng…
Cho nên, theo TS Tác, đừng nhìn các bác sĩ ở những bệnh viện tuyến Trung ương với xe nọ, xe kia mà hình dung ra đời sống của tất cả đội ngũ cán bộ y tế. Số đó là rất ít. Bệnh viện cũng giống một xã hội thu nhỏ, với đủ mọi thành phần. Còn có rất nhiều cán bộ y tế đang tiếp xúc với những bệnh nguy hiểm và hàng ngày phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, oái oăm.
Đánh giá về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên y tế hiện nay, TS Phạm Văn Tác cho biết, theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã có những chính sách tương đối bảo đảm cho ngành y tế. Chẳng hạn như Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Nghị định này quy định dải tần ưu đãi là 20-70% lương tối thiểu. 70% dành cho những y sĩ, bác sĩ làm về bệnh lây nhiễm cấp tính và nguy hiểm như: Phong, lao, tâm thần, HIV-AIDS… 20% dành cho những người làm công tác trạm y tế… Như vậy, Nghị định số 56 cũng đã khuyến khích cán bộ y tế thực hiện trách nhiệm tốt hơn.
Cùng với đó còn có Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30-7-2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản…
Những chính sách của Nhà nước đã bảo đảm bước đầu cho hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế nhưng chưa thực sự có thể thu hút người tài về vùng sâu, vùng xa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mức lương khởi điểm của bác sĩ học 6 năm cũng chỉ bằng cử nhân 4 năm (2,34 lần mức lương tối thiểu). Theo nghị quyết của Quốc hội, chế độ chính sách của ngành giáo dục và y tế tương đồng nhau. Nhưng thực tế, ngành giáo dục vẫn có những thứ hơn như phụ cấp thâm niên nghề, trong khi ngành y tế thì không.
Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát Đề án cải cách chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công của Trung ương diễn ra tại Bộ Y tế cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất một số nội dung như xây dựng bảng lương đối với công chức, viên chức, người lao động.
Theo đó, bảng lương của các đối tượng này cần gắn với vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt, chức danh nghề nghiệp và hiệu quả công tác thực tế. Bộ trưởng Y tế cũng đề xuất cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ ngành y tế theo hướng mức lương cơ sở được tính bằng mức lương tối thiểu vùng và được tính vào giá dịch vụ y tế.
Đồng thời, lương khởi điểm của bác sĩ sau khi hết thời gian thử việc được xếp vào bậc 2 của ngạch lương trình độ đại học. Ngoài ra, công chức, viên chức, ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề theo tinh thần Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị và Kết luận số 42/LK/TW ngày 01/04/2009 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
T.Nguyên