Suckhoedoisong.vn – Đó là Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm TP.HCM, việc đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005 vào tháng 8/2017 đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng cho hoạt động chuẩn hoá chất lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế theo Quyết định của Chính phủ và Bộ Y tế (Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng và Quyết định 2429/QĐ-BYT của Bộ Y tế).

0
112

GiadinhNet – “Chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ của nhân viên y tế nâng lên rõ rệt. Điều này có được không đơn thuần chỉ một ngày đã làm được mà là kết quả của rất nhiều nỗ lực” – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Y tế năm 2018 và Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới ngày 19/1.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PV

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PV

Khắc phục khó khăn, cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh

Biểu dương những nỗ lực của ngành Y tế trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, qua những chuyến đi thực tế tại y tế cơ sở, điều nổi bật có thể cảm nhận là khi người dân đi viện, từ chất lượng khám, chữa bệnh đến tinh thần, thái độ của nhân viên y tế đã nâng lên rõ rệt.

“Điều này có được không đơn thuần chỉ một ngày đã làm được mà là kết quả của rất nhiều nỗ lực”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. Thêm vào đó, trong nhận thức, hành động, ngành Y tế đã làm rất nhiều việc để y tế dự phòng, y tế cơ sở phát huy đúng vai trò của mình; cùng với y tế chuyên sâu tạo nên thế cân nhau. Theo Phó Thủ tướng, đây là điều vô cùng khó, ngành Y tế đã khắc phục được khó khăn, đặc biệt là Bộ Y tế phối hợp cùng BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính và các ban, ngành đã ban hành gói dịch vụ y tế cơ sở (theo Thông tư 39) trong khi trước đó có nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề này.

Một vấn đề khác được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh là đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia lần đầu tiên Bộ Y tế đã thực hiện được. Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục thực hiện và mở rộng ra đấu thầu các nhóm hoạt chất, biệt dược đã hết thời hạn bảo hộ; đồng thời làm thêm cả các lĩnh vực thiết bị, vật tư y tế giúp tiết kiệm chi phí cho người dân.

Nhấn mạnh về việc Bộ Y tế phải quán triệt tinh thần thực hiện phương châm hành động của Chính phủ: Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo – Hiệu quả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ví dụ sáng tạo trong vấn đề y tế cơ sở. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển y tế cơ sở nhưng không phải là làm cho tất cả các trạm y tế trên cả nước thiết kế mẫu giống y như nhau mà cần tùy từng nơi, tùy điều kiện và khả năng để thực hiện chứ không được áp đặt, bởi áp đặt sẽ dẫn đến lãng phí. “Đó là chưa kể nảy sinh tâm lý chờ đợi các trang thiết bị mới là không đúng, không phải cứ đầu tư nhiều máy móc là được. Trên thực tế, không ít trạm y tế có phòng rộng, cơ sở vật chất nhiều nhưng có tuần chỉ 1-2 bệnh nhân đến, vậy là sử dụng không hiệu quả”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Xây dựng môi trường bệnh viện tốt không chỉ về nhà đẹp, sạch sẽ


Người dân ngày càng hài lòng với các dịch vụ khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ của nhân viên y tế (ảnh chụp tại BVĐK thị xã Mường Lay, Điện Biên). Ảnh: V.Thu

Người dân ngày càng hài lòng với các dịch vụ khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ của nhân viên y tế (ảnh chụp tại BVĐK thị xã Mường Lay, Điện Biên). Ảnh: V.Thu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu, các bệnh viện cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính, không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương (như Bạch Mai, Việt Đức…) mà thực tế cho thấy nhiều y tế cơ sở hoàn toàn tự chủ được. Tinh thần tự chủ là sử dụng toàn bộ các nguồn lực ở địa phương để phục vụ người dân mà không phân biệt công – tư, trong khi đó sẽ giải quyết được câu chuyện biên chế, không phải chỉ cắt giảm hành chính sự nghiệp theo nghĩa thông thường.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các danh mục không chỉ về khám, chữa bệnh mà còn về dịch vụ y tế dự phòng, trang thiết bị; làm nhanh phác đồ điều trị. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng Hội Y học Việt Nam vào cuộc mạnh mẽ để xây dựng cùng Bộ Y tế.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin phải bằng kỷ cương, dù ban đầu ai cũng “ngại ngần”. “Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, thời gian tới, phải cập nhật bệnh án điện tử tại cả các trạm y tế, các phòng khám tư… để có cơ sở cập nhật thông tin theo dõi hồ sơ sức khỏe cho người dân. Người dân khám ở bất kỳ đâu cũng được cập nhật theo dõi. Vấn đề công nghệ thông tin phải làm thành đồng bộ, hệ thống”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Vấn đề môi trường bệnh viện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện tượng bác sĩ bị hành hung cần phải nghiêm trị những kẻ gây rối, nhưng ngành Y tế cũng cần nhìn nhận lại những sự cố y khoa của ngành, phải làm sao cho môi trường bệnh viện thật tốt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Môi trường bệnh viện tốt ở đây không có nghĩa chỉ là nhà đẹp, sạch sẽ mà còn là sự minh bạch, liêm chính công khai, thông tin rõ ràng cho người bệnh hiểu rõ”.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến mô hình quản trị bệnh viện giữa y tế công và tư và đề nghị các bệnh viện lớn, có uy tín cần tiếp tục vai trò hỗ trợ theo mô hình bệnh viện vệ tinh, cần tự chủ sớm và làm theo hình thức chuỗi bệnh viện (ví dụ như chuỗi bệnh viện chuyên ngành Ung thư…) để chất lượng các tuyến có sự đồng đều, giảm tải tuyến trên…

Năm 2017, 11/11 chỉ tiêu Chính phủ giao, ngành Y tế đều đạt

Tại Hội nghị, báo cáo tổng kết công tác năm 2017 do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày cho thấy, năm qua, ngành Y tế đã hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân: Giao 25,5%, đạt 25,7%; chỉ tiêu tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT): giao 82,2%, đạt 86,4%. Đạt 11/11 chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, những sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2017 có thể kể đến như: Đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế lên 84,6%, đặc biệt là việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…

Cũng trong năm 2017, ngành Y tế đã thực hiện đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố… Theo đó, sẽ giảm ít nhất 1.260 vị trí lãnh đạo (cấp Trưởng, Phó các đơn vị), giảm biên chế làm gián tiếp như: Hành chính văn thư, lái xe, bảo vệ… (đến nay đã giảm được 3.400 cán bộ làm gián tiếp).

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại các trạm y tế xã và triển khai Đề án Tăng cường y tế cơ sở – đây là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuy nhiên, tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ; hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được đưa vào sử dụng, bảo đảm quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng đến suốt đời thông qua cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng; đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia giúp giảm chi phí thuốc và tiết kiệm ngân sách; Việt Nam cũng đã tự chủ sản xuất vaccine Sởi-Rubella…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2018, ngành sẽ tập trung 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe y tế toàn dân theo các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó, có nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em…

Nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Y tế đề ra trong năm 2018 là phát triển y tế cơ sở, hướng tới đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ban đầu, điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật. Phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 88,5%. Cũng trong năm nay, tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM phải cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép sau 24 hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Hiện vẫn còn 2 bệnh viện Trung ương chưa ký cam kết thực hiện

Võ Thu