Bộ Y tế đề nghị địa phương thành lập Phòng Dân số khi sáp nhập Trung tâm Dân số với Trung tâm Y tế huyện

0
285

GiadinhNet – Bộ Y tế vừa có công văn số 4480 gửi các địa phương về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở, theo đó, giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế.

Sáng 8/8, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội bên lề Hội nghị Chuyên đề công tác DS-KHHGĐ năm 2018 khu vực phía Nam tạị Đà Nẵng, ông Lương Thế Khanh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, Bộ Y tế vừa có công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 3/8/2018 gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.

Công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khoá XII, hiện nay, một số tỉnh, thành đã và đang sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện (TTYT).


Tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho bà con nhân dân (ảnh tư liệu)

Tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho bà con nhân dân (ảnh tư liệu)

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số thông tư liên quan hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục DS-KHHGĐ, TTYT huyện, quận, thị, thành… và Trạm y tế xã, phường, để đảm bảo thống nhất và ổn định hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND một số nội dung liên quan.

Theo đó, tại tuyến tỉnh: Giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 năm 2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh/thành, và phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị thành” đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lại.

Tại tuyến huyện, khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế thì thực hiện thành lập Phòng Dân số thuộc TTYT trên cơ sở tổ chức tại Trung tâm DS-KHHGĐ. Giao nhiệm vụ cho TTYT thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ để triển khai thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, truyền thông íao dục về DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện; Tiếp nhận nguyên trạng, bảo đảm việc vận hành, khai thác kho dữ liệu điện tử DS-KHHGĐ cấp huyện được an toàn, bảo mật.

Đối với tuyến xã, giao cho Trạm Y tế xã thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Ở những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã thì có thể giao cho Trạm quản lý. Nơi chưa tuyển được thì cử viên chức của Trạm hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã.

Ông Lương Thế Khanh cho biết, theo báo cáo của một số Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thành hiện nay một số địa phương đang xây dựng đề án chuyển chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế.

Điều này đã tạo tâm lý lo lắng, ảnh hưởng tới công việc được giao” – ông Khanh nói.

Về tuyến huyện, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TƯ, một số tỉnh, thành phố đang xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện thành TTYT đa chức năng tuyến huyện.

Hiện cả nước có 43 tỉnh Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ. 9 tỉnh Trung tâm thuộc UBND huyện gồm: Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Bình, Gia Lai, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Trị.

Bên cạnh đó có 10 tỉnh sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế thành TTYT đa chức năng gồm: Bình Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Phước, Đồng Tháp và Cà Mau.

Riêng tại TP HCM, giao việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cấp huyện cho một nhóm công chức của Phòng Y tế và phân công một phó phòng Y tế phụ trách công tác DS-KHHGĐ.

Võ Thu