5 đề xuất của Bộ Y tế bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh

0
126

GiadinhNet – Bộ Y tế đã đề xuất 5 biện pháp bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh. Những đề xuất này đã được thể hiện trong dự thảo Luật dân số.

Theo GS, TS Nguyễn Đình Cử (Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em), một trong những đặc điểm của dân số nước ta khoảng mười năm nay là tình trạng mất cân bằng giới tính của trẻ em khi được sinh ra, thường gọi là “mất cân bằng giới tính khi sinh”. Nếu xu hướng này không được điều chỉnh, đến năm 2050, trong số dân ở độ tuổi kết hôn, số lượng nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng 4,3 triệu người.

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 đến 106 bé trai. Trước đây, nói chung hằng năm, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra, chính thức được xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và từ đó con số này cứ tăng dần, đến năm 2016 đã là 112,2 bé trai, thậm chí ở đồng bằng sông Hồng, con số này lên đến 118.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Bản Díu, huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Khánh An

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Bản Díu, huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Khánh An

Trước hết, cần nhận thấy rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán tạo nên khát vọng phải có con trai. Điều này gây ra áp lực không chỉ đối với mỗi đôi vợ chồng mà còn là áp lực đối với cả gia đình, dòng họ. Mặt khác, do đặc trưng là sản xuất nông nghiệp nặng nhọc thì sự vượt trội về cơ bắp của con trai trở thành một ưu điểm khi cày cấy, chăm bón và thu hoạch. Năng suất khu vực nông nghiệp thấp cho nên cha mẹ thường không có tiết kiệm dành cho tuổi già; hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển cho nên khi hết khả năng lao động, cuộc sống chủ yếu phải dựa vào con, nhất là con trai.

Bối cảnh nêu trên dẫn tới nảy sinh tâm lý cần có con trai giúp đỡ trong lao động, sinh hoạt và an sinh cho tuổi già. Đây chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến MCBGTKS. Nhu cầu có con trai có từ xa xưa, nhưng chỉ đến ngày nay, việc lạm dụng những thành tựu của khoa học và kỹ thuật cho phép con người chủ động trong sinh sản cũng là nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS. Có ý kiến cho rằng, trước đây, sinh nhiều con cho nên vừa đáp ứng được nhu cầu có con trai, vừa cân bằng giới tính một cách tự nhiên. Nay chỉ sinh “một hoặc hai con” cho nên khả năng có được con trai giảm đi, vậy nên phải chủ động lựa chọn giới tính thai nhi. Không phải ngẫu nhiên, việc xuất hiện MCBGTKS ở nước ta diễn ra khi mức sinh thấp. Trong khi tại các nước châu Âu, các nước phát triển, tỷ lệ sinh đẻ ít nhưng không có tình trạng này.

Chính vì vậy, tại dự thảo Luật dân số, Bộ Y tế đã đề xuất 5 biện pháp bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh.

Cụ thể, 5 biện pháp gồm: 1- Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh;

2- Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo; cho cha mẹ sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu;

3- Nâng cao hiệu lực thi hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên;

4- Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực xã hội bảo đảm sự bình đẳng giới trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, thừa kế;

5- Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Cũng trong Dự thảo này quy định: Cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi, không cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cặp vợ chồng, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

M.A (th)