GiadinhNet – Tại TPHCM, bộ máy làm công tác dân số trong suốt hơn 10 năm qua được kiện toàn, ổn định, nhờ vậy đã mang lại hiệu quả cao trong công tác dân số…
Truyền thông dân số cho người dân trên địa bàn TP HCM. Ảnh: TL
Bộ máy làm dân số được coi trọng
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, đối với ngành Dân số, mô hình tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số ở các địa phương đã có nhiều thay đổi, nhất là ở tuyến huyện khi nhiều tỉnh/thành phố đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế cấp huyện.
Đây cũng là vấn đề “nóng” được các địa phương đưa ra thảo luận tại Hội thảo chuyên đề Công tác dân số năm 2019 vừa được Tổng cục Dân số tổ chức mới đây. Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số), hiện nay, tại cấp huyện, hiện có 45 tỉnh đã sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế; 16 tỉnh đã và đang xây dựng Đề án sáp nhập; có 2 tỉnh/thành phố chưa có chủ trương sáp nhập là TPHCM và Phú Thọ.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM cho biết, thực chất từ trước đến nay, mô hình bộ máy làm công tác dân số của TPHCM đã có sự khác biệt so với 62 tỉnh/thành phố còn lại của cả nước. Ngay từ năm 2008, TPHCM đã thành lập Chi cục DS-KHHGĐ ở cấp tỉnh/thành phố. Còn ở cấp quận/huyện, đơn vị này không thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ mà một bộ phận làm công tác dân số thuộc Phòng Y tế của các UBND quận/huyện. Trong đó, có một Phó Phòng Y tế phụ trách công tác dân số. Chính vì vậy, ngay từ năm 2008, bộ máy làm dân số đã nhập vào Phòng Y tế của địa phương.
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, với những quận/huyện dưới 300.000 dân sẽ được 4 biên chế làm công tác dân số; quận/huyện trên 300.000 dân được 5 biên chế công chức. Còn ở cấp xã/phường, cán bộ chuyên trách không thuộc Trạm Y tế xã/phường mà thuộc UBND phường/xã. “Từ năm 2008 đến nay, mô hình này hoạt động tương đối tốt, đạt được hiệu quả và không có gì xáo trộn”, ông Trần Văn Trị nhấn mạnh.
Ông Trị cho biết thêm, theo Đề án Phát triển ngành Y tế TPHCM đến năm 2030, tại TPHCM không có việc sáp nhập nữa vì đã sáp nhập rồi. Do đó, riêng tại TPHCM, công tác tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ thành phố cho tới quận/huyện, phường/xã hiện tại không có gì thay đổi.
Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác dân số
Cũng theo ông Trần Văn Trị, TPHCM là đô thị đặc biệt, một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước. Thời gian qua, công tác dân số đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên được giữ ở mức dưới 5%; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hàng năm đạt trên 70%, trong đó sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại duy trì đều ở mức trên 60%; tỷ số giới tính khi sinh hàng năm ở mức hợp lý, từ 106 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái; các chỉ báo kiểm định chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản đều tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, để có được các kết quả trên là nhờ được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân số ở địa phương. Các chính sách dân số đã được cụ thể hóa và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; kế hoạch hoạt động của chính quyền, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp ở địa phương.
Đặc biệt là sự ổn định của bộ máy làm công tác dân số trong suốt hơn 10 năm qua, không có bất cứ sự sự xáo trộn nào. Ngược lại, tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số luôn được đầu tư quan tâm, củng cố kiện toàn; đầu tư và huy động nhiều nguồn lực tham gia. Đội ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên dân số được tạo điều kiện yên tâm công tác, đem lại hiệu quả cao trong công việc. Do đó, họ tăng cường đầu tư truyền thông nâng cao nhận thức của người dân để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Chính phủ, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Liên tục tạo được phong trào và thu hút sự hưởng ứng đồng tình tích cực của người dân đối với công tác dân số trên địa bàn.
Trên thực tế, thời gian qua, việc thực hiện sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế không nhất quán giữa các địa phương đã gây ra tình trạng xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên dân số. Do đó, các chuyên gia nhận định, cần nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức làm công tác dân số là việc làm cấp thiết của ngành Dân số từ Trung ương đến địa phương để có thể thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới một cách hiệu quả nhất.
Đối với mô hình tổ chức cấp huyện, trong thời gian tới vừa phải đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở với công tác dân số vừa đảm bảo sự quản lý tinh gọn, thống nhất về công tác dân số khi sáp nhập vào hệ thống y tế và trong tiến trình cải cách hành chính, tinh giản tổ chức, cán bộ hiện nay. Sau khi đánh giá hoạt động của các mô hình cho thấy cần thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế. Khi sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế thì tỉnh, thành phố phải giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác dân số.
Đối với tuyến xã, những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã thì giao cho Trạm Y tế xã quản lý điều hành. Những nơi chưa tuyển dụng viên chức dân số xã thì giao cho viên chức Trạm Y tế thực hiện công tác dân số hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách làm công tác dân số. Khi chuyển cho Trạm Y tế quản lý thì cần giao nhiệm vụ cho Trạm Y tế xã thực hiện công tác DS-KHHGĐ.
Riêng với cộng tác viên dân số, khuyến khích đội ngũ này kiêm nhiệm các hoạt động tương đồng, có như vậy công tác dân số mới đem lại hiệu quả, góp phần thực hiện tốt tinh thần về công tác dân số trong tình hình mới.