Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Cần có sự đầu tư xứng đáng, tăng cường nguồn lực cho công tác dân số

0
182

GiadinhNet – Hơn 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, công tác dân số đã chú trọng vào những hoạt động, chương trình theo trọng tâm dân số và phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian ngành Dân số gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực. “Để đạt được những mục tiêu Nghị quyết đề ra, ngành Dân số ngoài nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức rất cần nhận được sự quan tâm đầu tư nguồn lực, kiện toàn bộ máy tổ chức ở địa phương và sự chung tay của toàn xã hội”, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) chia sẻ.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Cần có sự đầu tư xứng đáng, tăng cường nguồn lực cho công tác dân số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)

Đẩy mạnh truyền thông về Nghị quyết 21-NQ/TW

+ Nghị quyết 21-NQ/TW đã phát hiện đúng và trúng những vấn đề bất cập về công tác dân số ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và đã đề ra các mục tiêu và giải pháp. Xin ông cho biết trong hai năm qua, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngành Dân số đã triển khai được những hoạt động nào?

– Trong 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác dân số đã có bước chuyển mạnh mẽ. Sau khi Nghị quyết 21-NQ/TW ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và đã giao cho 12 bộ ngành xây dựng 42 đề án đến năm 2021. Theo đó, hiện nay các bộ, ngành đã và đang trình cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó, một số Đề án lớn, trọng tâm như Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành; Đề án truyền thông dân số; Đề án Điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng… đang trình Chính phủ phê duyệt. Tại địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu và các hoạt động.

Tổng cục Dân số phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông về Nghị quyết 21-NQ/TW để cán bộ và nhân dân hiểu rõ nội dung chính sách dân số trong giai đoạn mới. Cơ quan dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển đồng thời các chương trình kế hoạch hóa gia đình, chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chương trình tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chương trình KHHGĐ sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt.

Nhân sự mỏng, nguồn lực yếu – Những thách thức trực tiếp đến chương trình dân số

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): Cần có sự đầu tư xứng đáng, tăng cường nguồn lực cho công tác dân số - Ảnh 2.

Ra quân hưởng ứng Ngày Dân số Việt nam 26/12. Ảnh: Chí Cường

+ Sau gần 60 năm thực hiện chính sách dân số và 2 năm thực hiện Nghị quyết 21 với trọng tâm là dân số và phát triển, công tác dân số nước ta đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên, công tác dân số trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn và thách thức. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất, trực tiếp nhất tác động đến chính sách dân số hiện nay?

– Việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW hai năm qua cho thấy công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, theo tôi, thách thức lớn nhất là đổi mới tư duy, nhận thức được trọng tâm chính sách dân số trong giai đoạn hiện nay. Đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang “dân số và phát triển” và “đặt dân số trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh”, tức là nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy dân số chỉ là giảm sinh, là KHHGĐ và sức khỏe sinh sản, gần 60 năm qua đã “ăn sâu” trong tâm trí người dân và cán bộ quản lý. Khi chưa thông suốt được về tư duy, nhận thức sẽ khó có sự thay đổi về hành động, về lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý cũng như sự quan tâm và đầu tư thích đáng.

Thách thức hiện hữu nhất, đang tác động trực tiếp tới công tác dân số là hệ thống tổ chức bị xáo trộn khi sáp nhập Trung tâm dân số huyện vào Trung tâm y tế (TTYT) huyện đa chức năng. Sự thay đổi này đã và đang bộc lộ những điểm bất cập. Trong TTYT hiện nay các công việc có tính chất rất khác nhau: Công tác y tế công việc luôn khẩn trương, mang tính chất xử lý “ngay lập tức”, “cứu người như cứu hỏa”. trong khi đó công tác dân số là công tác vừa có tính chiến lược, vừa cấp bách và lâu dài. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Vấn đề dân số không phải là vấn đề mà ta có thể nhìn thấy ngay được như các vấn đề điều trị bệnh trong y tế… Giải quyết vấn đề trong dân số không thể một sớm một chiều, đó là vấn đề của 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm sau.

Ở nhiều địa phương, chức năng nhiệm vụ của TTYT trong điều kiện sáp nhập thêm các đơn vị Dân số và Dự phòng chưa được quy định lại một cách rõ ràng. Trước đây, Trung tâm Dân số có thể tham mưu trực tiếp cho các cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp về công tác dân số, nay chỉ có thể thực hiện gián tiếp thông qua lãnh đạo TTYT. Hiện các cấp chưa có Ban chỉ đạo Dân số và phát triển, như trước đây có Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ. Trong điều kiện trên, nếu Lãnh đạo TTYT không thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW, không hiểu biết sâu về công tác dân số thì sự thiếu quan tâm đến công tác này, sự điều chuyển nhân lực, vật lực sang khối điều trị nói riêng hoặc cho Trung tâm nói chung sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện công tác dân số. Thực tế đang cho thấy, trước đây trung bình mỗi Trung tâm Dân số có khoảng 6 biên chế thì nay nhiều Trung tâm Y tế chỉ bố trí cho Phòng Dân số 3 cán bộ, thậm chí chỉ 1-2 cán bộ. Cán bộ tin học và máy tính của Trung tâm Dân số trước đây cũng thường bị điều chuyển khỏi Phòng Dân số khi sáp nhập với TTYT, tạo ra nguy cơ hệ thống dữ liệu dân cư không được cập nhật thường xuyên.

Về nguồn nhân lực làm công tác dân số, do yêu cầu chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển nên rất cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân số vốn xưa nay chỉ quen với nhiệm vụ trọng tâm là KHHGĐ. Để thực hiện được nhiệm vụ này cần có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp ở đây là TTYT. Có thể nói mô hình tổ chức bộ máy cũng như nguồn nhân lực làm công tác dân số hiện nay là một thách thức lớn cho việc đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra.

Một thách thức rất lớn đang đặt ra đối với ngành Dân số chính là nguồn lực. Thực tế hiện nay, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác dân số đã bị thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2017, kinh phí nhà nước chi cho việc thực hiện một mục tiêu duy nhất là giảm sinh khoảng hơn 900 tỷ đồng/năm. Hiện nay đồng thời phải thực hiện 6 nhiệm vụ, 24 mục tiêu của Nghị quyết số 21, nhưng chỉ được đầu tư ngân sách bằng 40% so với giai đoạn 2011 – 2017. Kinh phí không chỉ giảm mà còn được cấp rất chậm đã tạo ra cú sốc lớn trong việc thực hiện chính sách dân số rộng lớn. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ quốc tế và huy động nguồn lực xã hội cho công tác này gần như không đáng kể. Thiếu kinh phí, ngay các tỉnh miền núi, vốn được ưu tiên bố trí nguồn lực, nhiều hoạt động của công tác dân số phải cắt; phương tiện tránh thai, phương tiện dùng cho các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số… luôn thiếu hoặc chậm đã hạn chế kết quả của công tác này.

Kiện toàn bộ máy, tăng cường nguồn lực – điều kiện tiên quyết

+ Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới của chính sách dân số, theo ông mô hình tổ chức bộ máy cũng như nguồn nhân lực làm công tác dân số hiện nay có đảm đương được và có cần thiết phải thay đổi và tăng cường năng lực? Chúng ta cần có giải pháp nào để kiện toàn được bộ máy và tăng cường được nguồn lực, thưa ông?

– Với thực trạng đã nêu ở trên, theo tôi tổ chức bộ máy và nhân lực hiện nay khó có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới của chính sách dân số. Để đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức bộ máy làm công tác này cần phải được thay đổi và kiện toàn theo phương hướng chủ yếu sau:

Một là, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, đảm bảo sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất.

Hai là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu chuyển hướng chính sách dân số, từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toán diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.

Ba là, cần có tổ chức để tăng cường phối hợp liên ngành nhằm chỉ đạo điều phối có hiệu quả các hoạt động của các ngành, cơ quan, chức năng quản lý các lĩnh vực liên quan đến dân số và phát triển, đảm bảo các nỗ lực của từng ngành và phải tạo thành một vecto tổng mạnh mẽ hướng đến mục tiêu Dân số và phát triển.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ và các ngành liên quan tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đi trước, tổng kết thực tiễn, xây dựng đề án, mô hình và tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp.

Đi cùng với những phương hướng trên, để thực hiện thành công cho công tác dân số và phát triển, cần có sự đầu tư xứng đáng cho công tác này từ nguồn ngân sách nhà nước. Hiệu quả của việc đầu tư đúng đắn, hiệu quả này đã được minh chứng trong giai đoạn 1991 – 2000, đặc biệt là sau Nghị quyết TW4 về công tác dân số năm 1993, ngân sách Nhà nước được tăng cường đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ.

+ Nhân dịp Tết Nguyên đán, ông có nhắn nhủ gì với đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác dân số ở cơ sở?

– Năm 2019 là năm có rất nhiều khó khăn trong bối cảnh sáp nhập Trung tâm dân số vào Trung tâm Y tế tuyến huyện và nguồn ngân sách để triển khai các hoạt động dân số đang bị thu hẹp lại. Những khó khăn, thách thức không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài, đặc biệt là khi chúng ta chuyển hướng trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và phát triển với những nhiệm vụ lớn và nặng nề hơn.

Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể đội ngũ làm công tác dân số trong cả nước, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số đã đồng hành và sát cánh bên nhau vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian qua. Tôi rất mong anh chị em làm công tác dân số ở cơ sở tiếp tục phát huy lòng nhiệt thành, tâm huyết, tinh thần vượt khó và truyền thống đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao.

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, kính chúc toàn thể cán bộ dân số trên khắp mọi miền đất nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, vững tâm tiếp tục vì sự nghiệp dân số.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

“Việc củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nhất là ở cấp quận huyện và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay. Điều này trước hết đòi hỏi quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ về dân số của Trung tâm Y tế. Thứ hai là tăng cường nguồn lực cho công tác dân số tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ mà NQ 21-NQ/TW đề ra, không chỉ nhân lực, vật lực, tài lực mà còn cả việc bố trí cán bộ lãnh đạo trong các cấp ủy, chính quyền của Trung tâm Y tế. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban chỉ đạo Dân số và phát triển là điều cần thiết hiện nay. Song song với việc củng cố tổ chức bộ máy, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Dân số và phát triển phải là công việc thường xuyên đối với cán bộ dân số”.

Ông Nguyễn Doãn Tú Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số

Kim chỉ nam cho ngành Dân số trong giai đoạn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao tầm quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới của Chính phủ đối với ngành Dân số. Chiến lược lần này được đứng tên riêng (giai đoạn trước là Dân số và Sức khoẻ sinh sản). Trong quyết định lần này thì Sức khoẻ sinh sản chỉ là một phần trong Chiến lược. Điều đó được thể hiện ngay ở tên của Chiến lược: “Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030” với quan điểm chỉ đạo rõ ràng: “Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới”.

Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đi cùng đó là 8 mục tiêu cụ thể với những chỉ số tương ứng nhằm đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.

Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, Chiến lược đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; (2) Đổi mới truyền thông, vận động về dân số; (3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; (4) Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số (5) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; (6) Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; (7) Kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo; (8) Tăng cường hợp tác quốc tế.

Với những thách thức và khó khăn của công tác dân số trong tình hình mới, Quyết định số 1679/QĐ-TTg cũng nhấn mạnh về nhiệm vụ và giải pháp “Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số” nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Theo đó, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số.

Đây sẽ là kim chỉ nam cho ngành Dân số trong giai đoạn mới. Hy vọng sẽ có những kết quả tốt từ các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành đoàn thể cùng toàn xã hội trong thời gian tới.

Việt Hà