Cơ hội và thách thức từ xu hướng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam

0
147

GiadinhNet – Tại Việt Nam, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Đây vừa là thành tựu song cũng đồng thời là thách thức, chúng ta cần có chiến lược để nắm bắt và thích ứng, biến thách thức thành cơ hội.

Cơ hội và thách thức từ xu hướng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam - Ảnh 1.

Vấn đề già hóa đang đặt ra nhiều thách thức, cần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi. Ảnh: Chí Cường

Cần 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở (TĐTDS) 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.

Năm 1960, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 48,0 tuổi, của dân số Việt Nam là 40,0 tuổi, thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới. Năm 2019, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72,0 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi. Nếu cũng tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm.

Tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm tổng điều tra dân số năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009. Trong giai đoạn 2009 – 2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 – 2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Quy mô hộ ít người sẽ là một trong những thách thức lớn cho mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng.

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính phản ánh bức tranh tổng quát về sự biến đổi dân số và được mô tả bằng tháp dân số. Tháp dân số không chỉ cung cấp các thông tin khái quát về cơ cấu tuổi và giới tính của dân số vào thời điểm xác định mà còn sử dụng để đánh giá sự chuyển dịch cấu trúc dân số qua các năm; bề rộng của nhóm tuổi trẻ nhất (đáy tháp) phản ánh sự tăng hay giảm của mức sinh so với những năm trước, trong khi bề rộng của nhóm tuổi cao nhất (đỉnh tháp) phản ánh sự thay đổi hay xu hướng già hóa dân số. Tháp dân số so sánh giữa 2009 và 2019 cho thấy, những thanh trên đỉnh của tháp dân số 2019, từ nhóm 70-74 tuổi trở lên cho thấy rõ xu thế tăng lên, điều này khẳng định xu thế dân số già hóa nhanh ở Việt Nam.

Cần xây dựng đồng bộ Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong tổng thể của Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030

Già hóa dân số phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già, được thể hiện qua chỉ số già hóa. Tại Việt Nam, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua: Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới. Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 58,5% và là 57,4%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất so với các vùng còn lại trên cả nước (28,1%).

Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… đặc biệt số liệu cũng cho thấy chỉ số già hóa của 4 vùng kinh tế trọng điểm là cao nhất trong cả nước, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn nhân lực tại chỗ ở các vùng này trong thời gian tới mà giải pháp chắc là phải thu hút lực lượng lao động di cư.

Tại Việt Nam, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, cần có những chính sách để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số đã nêu trong mục tiêu của Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng chuyển đổi từ DS/KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Trong đó, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi. Tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất. Trong bối cảnh thực hiện Luật Lao động của Việt Nam chưa sửa đổi về độ tuổi lao động, tỷ lệ người trên độ tuổi lao động đang tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao, chiếm 8,2% dân số từ 15 tuổi trở lên và chiếm 42,2% dân số trên độ tuổi lao động. Như vậy, gần một nửa số người trên độ tuổi lao động vẫn đang tiếp tục làm việc để tạo thu nhập. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan để đảm bảo quy mô dân số hợp lý. Về già hóa dân số, cần nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến 2030 cần được xây dựng đồng bộ, trong tổng thể của Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 và Chiến lược gia đình Việt Nam đến 2030.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.

Theo kết quả điều tra biến động dân số 2017 của Tổng cục Thống kê (công bố chính thức tháng 6/2019) tỷ lệ NCT 60+ là 12,7%, như vậy ước tính số NCT của Việt Nam năm 2019 đã lên đến 12,22 triệu người. Tỷ lệ NCT 65+ là 8,3%, ước tính số NCT từ 65 tuổi trở lên năm 2019 là 7,99 triệu người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippnes) và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm (2009-2019), quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 – 2009 (1,18%/năm).

Tỷ số phụ thuộc người già tăng 2,4 điểm phần trăm trong 10 năm

Tỷ số phụ thuộc chung biểu thị phần trăm của dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở nhóm tuổi 15-64. Trong đó, tỷ số phụ thuộc người già biểu thị phần trăm của dân số từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở nhóm tuổi 15-64. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trong 10 năm qua, tỷ số phụ thuộc chung của nước ta tăng 2,4 điểm phần trăm, chủ yếu là do tăng nhóm dân số già từ 65 tuổi trở lên.

 TS Nguyễn Quốc Anh