4 góc độ nhìn nhận hệ lụy nghiêm trọng của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

0
211

GiadinhNet – Theo các chuyên gia, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động “tìm kiếm” con trai khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng có xu hướng gia tăng ở nước ta.

BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay ở một số quốc gia châu Á đang là một trong những thách thức to lớn của công tác dân số nên được các nhà quản lý, các nhà khoa học và cả thế giới quan tâm giải quyết.

Ở Việt Nam, từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 103-107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỷ số này là 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013, cho đến nay tỷ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 111,5 bé trai/100 bé gái.

Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền. Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100.

4 góc độ nhìn nhận hệ lụy nghiêm trọng của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 2.

Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Theo BS Mai Xuân Phương, giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối quan hệ quyết định đến nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai.

Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn.

Theo phong tục ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, xu hướng sinh ít con kéo dài… Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Đề cập đến hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, các hệ lụy và tác động của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững đất nước có thể được nhìn nhận dưới 4 góc độ.

Thứ nhất, khi lựa chọn sinh con trai, có nghĩa là các cặp vợ chồng đã tước đi quyền sống của những bé gái. Trong khi đó, một trong những quyền con người cơ bản – quyền được sống của những thai nhi là gái đã không được đảm bảo. Đặc biệt, càng lựa chọn giới tính thai nhi là nam thì có nghĩa là vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam còn rất nặng nề.

Bất bình đẳng giới nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: Người phụ nữ không có được vị thế, người phụ nữ không có được tiếng nói, người phụ nữ không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội nói chung.

Thứ hai là tình trạng “thừa nam giới, thiếu nữ giới” trong độ tuổi kết hôn. Điều này có nghĩa là, với chế độ hôn nhân “một vợ, một chồng” nhưng nam nhiều hơn nữ thì đương nhiên, hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ – chồng, cha mẹ – con cái bị phá vỡ.

Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng lên, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong đó có HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tính chung trong dân số, nếu số trẻ em trai mà nhiều hơn trẻ em gái, khi bước vào độ tuổi 20 – độ tuổi kết hôn, cơ cấu hôn nhân và gia đình sẽ rất bất hợp lý.

Đáng lo ngại hơn, theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đã xảy ra tại Trung Quốc, khi vài chục triệu nam thanh niên ở đất nước này không lấy được vợ vì không tìm kiếm được cô dâu. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đã phải “nhập khẩu” cô dâu và phần lớn trong số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đã trở thành cô dâu ở các nước và vùng lãnh thổ nói trên.

Đây là cảnh báo cho Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ ràng, đến khi Việt Nam phải đối mặt với sự thiếu hụt phụ nữ thì chúng ta khó có thể “nhập khẩu” được cô dâu từ nước láng giềng và sẽ đối mặt với vấn đề này khó khăn hơn nhiều so với các nước khác”, PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhận định.

Hệ lụy tiếp theo mà Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt là gia tăng các vụ bạo hành giới (thể chất, tinh thần, tình dục) mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; tăng cao nguy cơ số vụ ly hôn. Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và cả những dư chấn tâm lý tác động đến con cái…

Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, ở góc độ thứ 4, khi mất cân bằng về tỷ số giới tính đều kéo theo những hệ lụy kinh tế và xã hội khác. Đã có những nghiên cứu chứng minh được rằng, khi mà lệch lạc về tỷ số cơ cấu giới tính trong dân số nói chung, thì môi trường làm việc cũng dẫn đến năng suất lao động không tăng được.

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự trị an xã hội, ngay cả một số ngành nghề vốn thích hợp với phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, y tá, may mặc…

Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và các hệ lụy trong tương lai, theo các chuyên gia, giải pháp then chốt đó là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Nguyễn Mai