Chuyên gia nói về bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

0
152

GiadinhNet – Thành công của Hàn Quốc trong việc đưa tỉ số giới tính khi sinh từ sự mất cân bằng trở về mức cân bằng tự nhiên là một điểm sáng trên thế giới.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã tăng lên mức đáng báo động và là một trong những vấn đề “nóng”, mối quan ngại ngày càng tăng tại hầu hết các quốc gia Châu Á ngoại trừ Hàn Quốc.

Theo đó, thành công của Hàn Quốc trong việc đưa tỉ số giới tính khi sinh từ sự mất cân bằng trở về mức cân bằng tự nhiên là một điểm sáng trên thế giới.

Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 1.

Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục phụ nữ, đưa phụ nữ vào hệ thống giáo dục và giải quyết việc làm cho phụ nữ. Ảnh minh họa

PGS.TS Heeran Chun, Đại học Jungwon Hàn Quốc cho biết, những năm 1980 – 1990 của thế kỷ trước, khi công nghệ siêu âm, chọc ối… phát triển cùng với quy mô gia đình ít con, mức sinh thấp đã đưa tỷ số giới tính khi sinh của Hàn Quốc tăng rất nhanh. Sự tăng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh lên đỉnh điểm vào đầu những năm 1990, đạt 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỉ số này lên tới 140/100. Tỷ số giới tính khi sinh cũng có sự khác biệt lớn theo thứ tự của đứa trẻ khi sinh. Ở lần sinh thứ nhất và thứ hai, sự mất cân bằng này chưa rõ rệt, nhưng ở lần sinh thứ 3 và thứ 4, tỉ số này có sự gia tăng lớn. Vào những năm 1990, có thời điểm tỷ số giới tính khi sinh ở trẻ là con thứ ba lên tới 200/100 và ở con thứ 4 trở lên, tỉ số này là 240/100.

Trước sự gia tăng bất thường và nhìn thấy rõ hệ lụy của vấn đề thừa nam thiếu nữ, Chính phủ Hàn Quốc đã có những giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này.

Trao đổi với Báo Gia đình và Xã hội, GS.TS Nguyễn Đình Cử – nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân cho biết bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, một đất nước rất thành công trong việc đưa tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên bao gồm thực thi tốt các chính sách.

Thứ nhất là về mặt luật pháp, họ phạt rất nặng những đối tượng vi phạm, tuyên truyền dùng các biện pháp kĩ thuật để can thiệp giới tính khi sinh. Họ phạt bằng tiền, tước bằng chứng chỉ hành nghề. Đây thật sự là những biện pháp hữu hiệu.

Điểm thứ hai đó là, Hàn Quốc thay đổi những luật lệ gắn với các gia đình truyền thống, tác động đến bình đẳng giới và lựa chọn giới tính khi sinh. Ví dụ, cho phép chủ hộ nhà có thể là nữ, trong khi trước đây chỉ có thể là nam giới.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Đình Cử, một trong những lý do Hàn Quốc thành công đó chính là việc phát triển kinh tế xã hội và người ta đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục phụ nữ, đưa phụ nữ vào hệ thống giáo dục và giải quyết việc làm cho phụ nữ.

Ngoài ra, Hàn Quốc có một số thông điệp rất ý nghĩa. Vào những năm 1980, Hàn Quốc có khẩu hiệu: “Sinh hai con để có cuộc sống tốt đẹp hơn, không lo lắng về giới tính của con cái!”. Giai đoạn 1990-2000 có khẩu hiệu: “Nuôi 1 con gái lớn lên bằng 10 con trai”, “Hãy yêu con gái của bạn” được người dân Hàn Quốc đón nhận. Điều này góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức người dân.

Cũng nói về kinh nghiệm của các nước trên thế giới về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, bà Hà Thị Quỳnh Anh – chuyên gia về giới và nhân quyền, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho hay, đến hiện tại trên thế giới mới chỉ có Hàn Quốc là quốc gia giải quyết được vấn đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Những quốc gia khác thì vẫn đang phải rất chật vật.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Dự kiến đến năm 2060 tại Trung Quốc và Ấn Độ cứ 100 phụ nữ thì có tới 160 nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 2.

Trung Quốc vẫn còn gặp những khó khăn để nỗ lực kéo tỷ số sinh học nhưng họ cũng có những bài học tương đối thành công. Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo bà Quỳnh Anh, một số nước cũng có những cái điểm mạnh riêng mà Việt Nam có thể học tập được. Ví dụ như ở Hàn Quốc có những chính sách, chương trình của chính phủ thực sự thực sự thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò vị thế của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội.

Hiện nay, Hàn Quốc đã có Bộ Phụ nữ và Gia đình. Ở Việt Nam ta mới chỉ có Vụ Bình đẳng giới nằm trong Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; Vụ Gia đình nằm trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa kể dưới Bộ Phụ nữ và Gia đình đó có rất nhiều tổ chức xã hội của phụ nữ do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc có những điều luật như bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, thậm chí có hẳn Luật phòng chống về bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em. Điều này cho thấy Hàn Quốc làm như thế nào để phụ nữ được bảo vệ, khi đó người ta mới cảm thấy yên tâm khi sinh ra một người con gái.

Cũng theo bà Quỳnh Anh, Trung Quốc vẫn còn gặp những khó khăn để nỗ lực kéo tỷ số sinh học nhưng họ cũng có những bài học tương đối thành công. Đó là gần đây họ có phong trào vận động con gái sau khi lấy chồng xong được về nhà mình, chăm sóc cha mẹ già. Thực tế cho thấy, rất nhiều nam giới về nhà vợ để sống và chia sẻ với vợ trong việc chăm sóc bố mẹ, qua đó để thấy rằng con gái cũng có những giá trị.

Một quốc gia khác, như Ấn Độ chẳng hạn, họ có rất nhiều hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới thông qua những tổ chức tôn giáo cộng đồng bởi người dân có những niềm tin nhất định ở những lãnh đạo tôn giáo. Qua đó để thay đổi dần dần những quan niệm về giới, những hành vi về giới trong cộng đồng.

Kim Vân