Xây dựng môi trường thân thiện cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu “già hoá năng động”

0
161

GiadinhNet – Để thích ứng với già hóa dân số ở nước ta, Nghị quyết 21 về Công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa 12, đã nêu lên giải pháp “Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi”.

 Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Già hoá dân số được coi là xu hướng toàn cầu trong thế kỷ XXI, tác động không chỉ với từng cá nhân, gia đình, cộng đồng mà còn với toàn xã hội và bất kỳ nền kinh tế nào.

Để thích ứng với già hóa dân số ở nước ta, Nghị quyết 21 về Công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa 12, đã nêu lên giải pháp “Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi”.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng đặt ra những mục tiêu giải pháp chủ yếu như: Ít nhất 50% số xã phường đạt chỉ tiêu môi trường thân thiện với người cao tuổi; Khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn dạy nghề và việc làm cho người cao tuổi, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn và phát triển sản xuất; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe khám chữa bệnh chăm sóc tại gia đình cộng đồng, cơ sở tập trung.

Xây dựng môi trường thân thiện cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu già hoá năng động - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, môi trường thân thiện với người cao tuổi là môi trường hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi nhằm đạt được “già hóa năng động”, tức là người cao tuổi khỏe mạnh, tham gia các hoạt động, an sinh xã hội…

Để xây dựng được môi trường thân thiện với người cao tuổi, cần phát huy vai trò của gia đình (chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi), cộng đồng (tuyên truyền hỗ trợ nguồn lực), doanh nghiệp (sản xuất hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi,…), nhà nước (ban hành các chính sách, pháp luật và bố trí nguồn lực) và bản thân người cao tuổi (phấn đấu để tự đảm bảo về chi phí cho cuộc sống của mình, nêu cao tinh thần tự phục vụ,…) .

Theo GS Nguyễn Đình Cử, điều các nhà hoạch định chính sách cần nhìn thấy rõ nhất là sự thay đổi và nhu cầu theo từng nhóm tuổi, trong đó, nhóm 65 tuổi trở lên cần được chăm sóc, phụng dưỡng. Để thích ứng với già hóa dân số, cần phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, có cơ chế phối hợp công – tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội.

Cũng theo Giáo sư, để già hóa chủ động và khỏe mạnh, chúng ta phải: “Lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ”.

Hiểu đơn giản, đó là tuổi trẻ bớt rượu, bia, thuốc lá, sống lành mạnh thì tuổi già mới đỡ bệnh tật ốm đau. Tuổi trẻ chăm lo học tập, sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tích lũy thì tuổi già mới chủ động đảm bảo được chi phí cho cuộc sống của mình. Tuổi trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì khi tuổi già con cái đã trưởng thành.

Khi trở thành người cao tuổi, còn sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm cần tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế xã hội, nghề nghiệp phù hợp với lứa tuổi. Người cao tuổi cũng cần nêu cao tinh thần tự phục vụ. Điều này làm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích.

Còn theo ThS.BS Trần Văn Lực, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trước hết, bản thân người cao tuổi phải có những kiến thức y tế cơ bản và phải chủ động tham gia mua BHYT cho chính mình, cho gia đình của mình để phòng những lúc bệnh tật ập đến. Người cao tuổi cũng cần tự chuẩn bị những khoản tiền dự phòng để chủ động chi tiêu khi cần thiết. Hàng năm, người cao tuổi cũng nên đi khám bệnh định kỳ từ 1-2 lần/năm để phòng ngừa, phát hiện kịp thời nếu có bệnh.

Ngoài ra, người thân trong gia đình người cao tuổi cũng cần chuẩn bị tốt những điều kiện chăm sóc về cơ sở vật chất, vệ sinh sao cho phù hợp với tâm sinh lý của người cao tuổi như màu sắc, ánh sáng phòng ngủ không quá sặc sỡ, mát mẻ về mùa hè và ấm áp trong mùa đông, sàn nhà vệ sinh có chống trơn trượt, cầu thang và hành lang có tay vịn an toàn…

T.Nguyên