Điều ít biết về quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung

0
135

GiadinhNet – Với ung thư cổ tử cung, việc tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị hiệu quả cơ hội khỏi bệnh lên tới 90%. Tuy nhiên, quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung không phải chị em nào cũng biết.

 Hiệu quả điều trị thấp khi phát hiện muộn

TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội vú – phụ khoa Bệnh viện K từng chia sẻ, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, tuy nhiên ở bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp đáng tiếc đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn làm ảnh hưởng đến hiệu quả.

Phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, tiền ung thư là sàng lọc, tầm soát trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Đây là phương pháp phát hiện ra các tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Từ đó ngăn chặn, điều trị hiệu quả bệnh lên tới 90%.

Đáng lo ngại là tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung  ở nước ta ngày càng nhiều. Ước tính mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh.

Điều ít biết về quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung - Ảnh 2.

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung sớm có vai trò rất quan trọng. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đầu bảng gây ung thư cổ tử cung là do virus sinh u nhú ở người – HPV. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy HPV xuất hiện trong 100 trường hợp ung thư xâm nhập. Khi nhiễm HPV, nguy cơ ung thư tăng lên gấp 15 lần nhưng nguy cơ này tăng lên đến 38,5 lần khi nhiễm ở độ tuổi dưới 25.

Ngoài ra, quan hệ tình dục sớm, quan hệ bừa bãi, sinh con nhiều cũng là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư CTC. Cùng với đó, các yếu tố khác như vệ sinh không sạch sẽ bộ phận sinh dục, không thay đồ lót hay bằng vệ sinh thường xuyên, thuốc tránh thai và chế độ ăn… cũng có vai trò nhất định trong bệnh sinh ung thư CTC.

Trước tầm quan trọng của việc tầm soát, sàng lọc sớm, Đề án 818 hoạt động theo cơ chế xã hội hóa thực hiện cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản theo quyết định 718/QĐ- BYT đầu năm 2019 cũng đã nhấn mạnh đến việc chú trọng dự phòng, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa.

Càng phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị, các tế bào bất thường phát triển mạnh sẽ giảm hiệu quả điều trị. Đồng nghĩa khi đó, hiệu quả điều trị không còn cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ và tiêm phòng vaccine để tránh bệnh.

Quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung

Các chuyên gia cho biết quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung gồm các bước:

*Bước 1: Khám lâm sàng tổng quát và bộ phận sinh dục để nắm rõ thông tin về tình trạng sức khỏe, biểu hiện bất thường, tiền sử bệnh lý của cá nhân hay gia đình,… Từ đó đưa ra các chỉ định phù hợp với người bệnh.

* Bước 2: Làm xét nghiệm Thin Prep hay Pap Smear, xét nghiệm HPV. Các xét nghiệm được thực hiện rất nhanh.

Để đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm chính xác nhất có thể, bạn cần làm theo những hướng dẫn: Không nên tầm soát khi đang có kinh nguyệt, nên làm sau chu kỳ kinh nguyệt kết thúc 3 – 5 ngày. 2 ngày trước khi xét nghiệm tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo. Với trường hợp viêm nhiễm âm đạo nên điều trị trước khi thực hiện xét nghiệm.

Xét nghiệm HPV để tìm kiếm sự hiện diện của 14 chủng HPV có nguy cơ cao gây nên bệnh ung thư cổ tử cung. Tùy theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể thực hiện 1 trong 2 hoặc cả 2 xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.

* Bước 3: kết quả

Nếu có sự xuất hiện của các tế bào bất thường sau khi xét nghiệm, người bệnh cũng không nên quá lo lắng. Có nhiều trường hợp các tế bào bất thường xuất hiện nhưng không phải do ung thư. Người bệnh có thể soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung… Để có được kết quả chính xác, mọi người cần thực hiện sàng lọc ở những địa chỉ uy tín và có giấy phép hoạt động của Bộ Y tế.

BS Đức khuyến cáo, việc tầm soát ung thư thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục, ưu tiên cho nhóm phụ nữ có nguy cơ cao là độ tuổi 30 – 50 tuổi.

Từ 21 – 29 tuổi sàng lọc 2 năm một lần; từ 30 – 70 tuổi sàng lọc 2 năm một lần, sau 3 lần xét nghiệm âm sàng lọc liên tiếp có kết quả âm tính thì có thể sàng lọc 3 năm một lần. Trên 70 tuổi có thể ngừng sàng lọc nếu có ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc có kết quả âm tính hoặc không có kết quả xét nghiệm bất thường trong vòng 10 năm trước đó.

Gia Minh